Luật căn cước công dân: áp dụng từ 1-7-2015 là khó khả thi Thẻ căn cước sẽ thay chứng minh nhân dânThẻ căn cước sẽ thay giấy khai sinh, hộ khẩu
Phóng to |
* Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) (bìa trái) * Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) - Ảnh: V.Dũng |
Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với mục tiêu của dự án luật này là cấp căn cước công dân gắn với mã số cá nhân để thay thế nhiều loại giấy tờ khác, đồng thời với việc xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy vậy, có đại biểu băn khoăn về tính hiện thực của mục tiêu này.
Bao giờ thay thế hộ khẩu?
"Việc tồn tại nhiều giấy tờ cùng với thủ tục hành chính đã gây phiền toái cho công dân, vì vậy người dân hi vọng số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân sẽ thay thế dần các giấy tờ trên" Đại biểuBÙI MẠNH HÙNG (Bình Phước) |
Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), dư luận nhân dân rất phấn khởi trước tin Quốc hội sẽ thông qua Luật căn cước công dân, vì hiện nay mỗi công dân đang phải sử dụng rất nhiều loại giấy tờ như giấy chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, hộ khẩu, hộ chiếu, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số thuế cá nhân, thẻ ATM... “Việc tồn tại nhiều giấy tờ cùng với thủ tục hành chính đã gây phiền toái cho công dân, vì vậy người dân hi vọng số định danh cá nhân trên thẻ căn cước công dân sẽ thay thế dần các giấy tờ trên. Nhiều nước đã làm được việc này mặc dù trình độ công nghệ thông tin của họ cũng chỉ bằng, có khi còn thấp hơn chúng ta. Ngay như Campuchia thẻ của họ cũng hiện đại hơn ta” - ông Hùng nói.
Tuy nhiên, đại biểu Hùng cho rằng mục tiêu trên chưa được hiện thực hóa trong dự thảo luật. “Trong tờ trình của Chính phủ có ghi một câu: sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân thì sẽ bỏ sổ hộ khẩu, nhưng trong dự luật cũng không nêu được lộ trình để hoàn thành, thời gian sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Tôi nghĩ trong luật nên ghi rõ, quy định đến năm nào đó hoặc ngay sau khi có căn cước công dân có thể bỏ được hộ khẩu hay không? Hoặc thay thế giấy khai sinh thì sau khi có thẻ căn cước này có thay ngay giấy khai sinh được hay không hay phải chờ đến thời gian nào?” - ông Hùng đặt câu hỏi.
“Nhiều đại biểu Quốc hội rất bức xúc và muốn bỏ hộ khẩu bởi duy trì hộ khẩu dẫn đến phân biệt đối xử tiền điện, tiền nhà, tiền nước. Muốn bỏ hộ khẩu thì phải có căn cước, phải có Luật hộ tịch riêng, có biện pháp quản lý mới bỏ được. Còn bây giờ chúng ta cứ hô hào bỏ nhưng không có những biện pháp khác thì không thể bỏ được hộ khẩu” - đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) bày tỏ. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói rằng với tinh thần cải cách hành chính thì sau khi cấp thẻ căn cước công dân không còn giữ lại một số giấy tờ hiện nay, như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, một số loại giấy tờ khác liên quan đến nhân thân. Nhưng qua thảo luận thì thấy rằng đây là vấn đề cần phải tiếp tục hội nghị, hội thảo làm rõ hơn.
Thay tên gọi, hệ lụy rất phức tạp
"Bản chất của căn cước công dân và chứng minh nhân dân không có gì thay đổi thì tội gì phải thay đổi tên gọi, nếu bản chất thay đổi thì mới thay đổi tên gọi" Đại biểuNGUYỄN NGỌC PHƯƠNG (Quảng Bình) |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu quan điểm: “Tôi không đồng tình với việc thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành căn cước công dân. Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp. Ví dụ, tất cả các bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước công dân thì bao nhiêu là tốn kém. Trong lúc đó bản chất của căn cước công dân và chứng minh nhân dân không có gì thay đổi thì tội gì phải thay đổi tên gọi, nếu bản chất thay đổi thì mới thay đổi tên gọi”.
Đồng tình với ý kiến trên, giám đốc Công an Hà Nội, đại biểu Nguyễn Đức Chung nói: “Quan điểm, suy nghĩ của tôi là qua tâm tư nguyện vọng của các cán bộ chiến sĩ trong ngành công an cũng như ý kiến của các cử tri đề nghị luật này không nên là thẻ căn cước công dân, mà để là chứng minh nhân dân”. Ông Chung khẳng định nếu thay đổi thành căn cước công dân, chỉ cần chữ căn cước công dân viết tắt là toàn bộ hệ thống phần mềm của các cơ sở ngân hàng tín dụng phải thay đổi; hàng chục triệu sổ đỏ đã cấp cho dân cũng phải đổi lại; tất cả giao dịch hành chính liên quan đến khai mà có chứng minh nhân dân cũng phải thay đổi các biểu mẫu... “Quy định chứng minh nhân dân ở miền Bắc từ năm 1957 và cả nước thống nhất quy định từ năm 1976, đến nay đã làm cho 68 triệu dân. Bây giờ chúng ta thay đổi lại toàn bộ phần mềm quản lý này sẽ có những khó khăn nhất định” - ông Chung nói thêm.
Liên quan đến việc nên cấp căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên hay từ khi mới sinh ra, đại biểu Chung phân tích: “Đứa trẻ từ khi sinh ra đến 14 tuổi rất nhiều lần phải sử dụng đến giấy khai sinh để đi lại, ví dụ như đi tiêm chủng, để xác định cháu dưới 3 tuổi cũng phải có bản sao, liên quan đến đi học, làm hộ chiếu, khám chữa bệnh, đi lại đường hàng không... đều phải đem bản sao giấy khai sinh của con mình. Cứ tính mỗi lần sao như vậy hoặc nếu không phải ra công an phường đóng dấu có ảnh thì mới đi qua hàng không được, nếu chúng ta tính một lần làm chứng minh nhân dân cho các cháu so với các lần đi lại về hiệu quả kinh tế thì hiệu quả và đỡ phiền hà hơn nhiều”.
Dự án luật này sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp cuối năm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận