08/09/2019 14:47 GMT+7

Không muốn 'dạy chay', phải bỏ tiền túi

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Đó là băn khoăn lớn của nhiều giáo viên tâm huyết muốn xoay xở tìm những phương pháp khác nhau để đạt hiệu quả tiết dạy, trong bối cảnh toàn xã hội rần rần chống "lạm thu".

Không muốn dạy chay, phải bỏ tiền túi - Ảnh 1.

Học sinh Hà Nội đi thực tế ở làng gốm Bát Tràng - Ảnh: HUY TRẦN

Chẳng lẽ cứ chọn sự an toàn?

Dĩ nhiên số đông giáo viên (GV) sẽ chọn an toàn, có nghĩa cứ bám sát chương trình, sách giáo khoa, cứ diễn bài "đọc - chép", trình diễn thí nghiệm bằng miệng. Chỉ cần không chệch khỏi nội dung dạy học đã quy định và có đủ đầu điểm kiểm tra.

Khó khăn là dạy học gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành, nhưng hầu hết các trường không có đủ phòng thí nghiệm hay điều kiện để tổ chức các hoạt động học tập thực hành, thực nghiệm, ngoại khóa. 

Thậm chí để thực hành hiệu quả, không thể trông đợi vào việc tổ chức của nhà trường, nhất là các trường nặng về trình diễn, thành tích. Người GV phải chủ động chuẩn bị học liệu, đồ dùng dạy học với chi phí rẻ nhất, hiệu quả nhất. 

Muốn vậy, ngoài sự sáng tạo của GV còn cần tâm huyết, sự hi sinh thời gian, công sức và cả tiền bạc, những đòi hỏi mà rõ ràng không phải GV nào cũng có thể chấp nhận.

"Có rất nhiều thứ GV phải tự lo nếu muốn dạy học tốt. Nhỏ nhất là việc photo bài tập cho học sinh luyện tập. Vì giờ luyện tập thường GV tìm kiếm các nguồn bài tập khác, tùy yêu cầu mỗi giờ học và phải in đủ cho cả lớp. Lớp có

50-60 học sinh, một tháng hàng chục lần in tài liệu, nhưng chi phí này không thể xin phụ huynh hỗ trợ. Nhà trường cũng không lo vì không trong danh mục được phép. GV nào muốn học sinh được luyện tập nhiều thì tự bỏ tiền túi mà làm. 

Tiền mua sách, tài liệu, tiền photo không lớn, nhưng là một khoản đáng kể so với lương nhà giáo" - cô Quỳnh Lan, GV tiểu học ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chia sẻ.

3-4 năm trước, thông tin về "lạm thu" ở các trường được phản ảnh, bao gồm tiền photo bài tập. Chi phí không nhiều nhưng "góp gió thành bão" cộng với các khoản thu mua rèm cửa, điều hòa, tủ sách, quỹ phụ huynh…, chi phí photo bài tập cũng thành "tội đồ", sau này bị đưa vào danh mục "cấm thu" của UBND TP Hà Nội.

Cô Hoàng Thị Nga - GV THCS ở Sóc Sơn, Hà Nội - cho biết là GV vật lý mà "dạy chay" cho học sinh thì không đành, nhưng lương GV không thể đầu tư mua thiết bị dạy học: "Tôi phải nghĩ cách chế tạo đồ dùng dạy học từ phế liệu, rồi giao học sinh đi kiếm phế liệu mang đến, cô trò cùng làm. Nhiều khi cả những đinh vít cũ cũng có giá trị. Nhưng những việc như thế cũng khó khăn vì nhiều khi bố mẹ học sinh không hiểu, cho rằng cô bắt tội học sinh". 

Cô Nga kể có những đồ dùng dạy học các cô giáo phải nhờ chồng giúp đỡ. Nếu có một "ông chồng quốc dân" sẵn lòng đi cắt nhôm hay cưa gỗ làm giá, vẽ giúp sơ đồ, hình mẫu minh họa thì không chỉ vợ, mà một nhóm "bạn vợ" cũng nhờ vả, cùng thức thâu đêm để làm. 

Những học liệu đó hỗ trợ GV giảng dạy tốt hơn và cũng là con đường nhanh hơn giúp học sinh nắm được bài học. Vì thế, những GV tâm huyết đành bỏ tiền túi tự lo thiết bị dạy học.

Nhiều GV mầm non cho biết họ đều phải tự làm thêm đồ dùng dạy học vì đồ dùng được cấp nghèo nàn, trong khi với lứa tuổi mẫu giáo, việc tạo hứng thú để các em học, hình thành thói quen, ý thức là cực kỳ quan trọng. 

Cái họ ưu tiên lựa chọn là đồ phế liệu an toàn với trẻ, nhưng đôi khi để thiết kế những đồ dùng phức tạp hơn cần nhiều công sức, một vài công đoạn còn phải thuê thợ chuyên nghiệp, mua vật liệu riêng.

"Có lần vợ chồng tôi đã to tiếng chỉ vì mải mê làm đồ dùng dạy học, tôi tiêu tốn nhiều tiền quá so với đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng. Nhưng ở trường tôi, chỉ những đồ dùng đăng ký dự hội thi tự làm đồ dùng các cấp mới được hỗ trợ kinh phí. Nhưng thực sự những đồ dùng làm đi trình diễn nhiều khi không sử dụng nhiều và hiệu quả bằng những đồ dùng GV sáng tạo để dạy học thực tế" - một GV ở Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ.

Đổi mới phương pháp, nhưng ai hỗ trợ giáo viên?

"Thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị là cản trở lớn khi Bộ GD-ĐT triển khai chương trình mới với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất người học" - một hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) chia sẻ.

Theo vị hiệu trưởng này, tình trạng phổ biến là vẫn thiếu phòng học, sĩ số học sinh ở nhiều nơi rất đông. Đặc biệt là thiết bị phục vụ dạy học thiếu, hỏng hóc. Nhiều bài dạy GV phải bỏ tiền túi ra làm đồ dùng dạy học trong điều kiện áp lực công việc nặng nề, đồng lương, chế độ đãi ngộ thấp, kinh phí hỗ trợ của nhà trường là con số không. 

Việc xã hội hóa giáo dục thì càng nan giải. Với kinh phí chi thường xuyên 90% dành cho lương, chỉ còn 10% cho hàng trăm thứ phải chi. Những đầu việc cần chi phải lập danh mục, xin ý kiến, khiến nhiều trường muốn làm nhanh bằng việc "xin phụ huynh" và nếm trái đắng khi có những bất bình, bức xúc từ phía cha mẹ học sinh. 

"Để an toàn, tôi tuyệt đối cấm GV "xin kinh phí" của cha mẹ học sinh để làm hay mua đồ dùng dạy học, kể cả photo tài liệu. GV không có tiền túi để làm thì chấp nhận không có, chứ mang tiếng "lạm thu" sẽ rất rắc rối" - vị hiệu trưởng thẳng thắn thừa nhận.

Trong khi đó, đồ dùng dạy học tự làm không hề có nghĩa là "miễn phí". Tự làm cũng có nghĩa là tự bỏ thời gian, công sức và cả tiền túi. Nếu không có tiền, GV phải chạy khắp nơi xin vật liệu, nhờ công xá, dành thời gian lẽ ra cho bản thân hay gia đình để làm. 

Từ những việc nhỏ nhất như mua icon, hình hoa, hình con thú để dán lên tay khen thưởng nhằm khích lệ học sinh, phiếu khen, photo tài liệu học tập, mua tranh ảnh, hình vẽ làm minh họa…, tất cả đều từ tiền túi. Nếu không có thì dĩ nhiên cứ sách giáo khoa, cho học sinh đọc chép.

Cô Kim Anh, GV ở Hà Nội, cho biết: "Tôi muốn cho học sinh đến bảo tàng, di tích, dự một lễ hội văn hóa dân gian nào đó để các em được trải nghiệm, tác động tích cực cho bài học nhưng chờ xin tiền sẽ không có nên bỏ tiền cho cả lớp đi taxi, mua vé tham quan, thậm chí mua nước uống cho học sinh. Nếu tìm sự an toàn và không lạm vào tiền túi của mình thì sẽ chẳng làm được".

Xu thế tự chủ trong quản trị trường phổ thông - bao gồm tự chủ về chương trình, bố trí lao động và tài chính - đang được khích lệ và đã có một số trường áp dụng. Với các trường tự chủ, việc đưa công nghệ vào hoạt động dạy học được thực hiện bài bản với các tài nguyên dùng chung. Việc thiết kế hoạt động dạy học, dự án học tập cho học sinh được trích từ học phí. 

Các đồ dùng thiết bị sử dụng chất xám tập thể và cũng là đồ dùng dạy học chung, không lãng phí. Cách làm này có thể nhân rộng, tạo các "tài nguyên dùng chung" hoặc chia sẻ, trao đổi lẫn nhau giữa các trường. Chỉ tiếc là việc linh hoạt này còn rất e dè, hạn chế, trong khi các yêu cầu đổi mới đang ở trước mắt.

Anh, Mỹ cũng khổ

Ở Anh, cứ 5 giáo viên thì một người từng bỏ tiền túi mua đồ dùng cho lớp học. Ở Mỹ, 94% giáo viên nói họ ít nhất một lần đã bỏ tiền túi mua đồ dùng học tập hoặc đồ ăn cho học trò. Trong khi đó, mức lương trung bình của giáo viên trường công lập cả tại Mỹ và Anh chỉ ở mức trung bình dưới của xã hội.

Báo Guardian tháng 4-2019 dẫn một cuộc thăm dò với 4.300 giáo viên Anh là thành viên Công đoàn giáo viên NASUWT cho biết 20% những người được hỏi tự bỏ tiền túi mua dụng cụ học tập cho lớp mà họ dạy, trong khi gần một nửa nói họ đã mua đồ ăn, quần áo và thậm chí xà bông cho học sinh nghèo.

"Những con số đó cho thấy một hệ thống giáo dục vật lộn với việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản" - The Guardian viết. "Những người giáo viên đứng lớp lại phải là người chắp vá cho nền giáo dục thất bại, cho những chính sách kinh tế và xã hội sai lầm" - Chris Keates, tổng thư ký NASUWT, nói trong hội thảo thường niên của công đoàn này.

Ở Mỹ, một thăm dò của Bộ Giáo dục năm 2018 cho thấy 94% giáo viên trường công đã bỏ tiền mua đồ dùng học tập mà không được hoàn lại cho niên khóa 2014-2015.

Điều đó đồng nghĩa dù dạy ở thành thị hay nông thôn, khu giàu hay khu nghèo, gần như tất cả giáo viên trường công đều phải tự móc tiền túi khi đi dạy. Theo cuộc thăm dò, trung bình mỗi giáo viên đã bỏ ra 479 USD và 7% bỏ hơn 1.000 USD cho đồ dùng học tập, trong một nền giáo dục lẽ ra là miễn phí.

Ngân sách eo hẹp và thủ tục giấy tờ rất lằng nhằng nếu muốn xin kinh phí cho lớp học khiến nhiều giáo viên phải mở các dự án quyên tiền cho lớp. Một số thầy cô giáo sử dụng trang huy động tiền trên mạng DonorsChoose.org để xin tiền cho đồ dùng học tập, chuyến đi thực tế và các dự án khác của lớp mình.

Tháng 3-2018, giáo viên Andy Yung ở New York từng quyên được gần 3.000 USD cho một dự án dạy về côn trùng. "Tôi không muốn tước đi của các em trải nghiệm tuyệt vời được nhìn thấy một con sâu bướm biến thành bướm và được quan sát những tổ kiến, vì đó chính là đam mê của các em lúc này" - Yung nói.

Carrie Mueller, giáo viên mẫu giáo ở Massachusetts, nói cô chi khoảng 5.000 USD tiền túi mỗi năm mua đồ dùng cho lớp. Trong 8 năm dạy học, Mueller đã nỗ lực tối đa để đồ dùng trong lớp không phải thiếu, từ thảm trải, một cuốn lịch nhiều màu sắc để dạy ngày tháng cho các bé, một bức tường với các từ vựng ban đầu, bút chì và cả sách để làm một thư viện riêng cho lớp, chưa kể bìa cứng, bút màu…

"Không có những thứ đó, việc dạy học không chỉ là khó khăn mà cũng chẳng còn chút cảm hứng - Mueller nói - Ta phải làm sao khiến lớp học có cảm giác ấm áp và chào đón. Với tôi, điều đó rất quan trọng".

TRẦN TRỌNG

'Dạy chay' thì chỉ có 'người chay'

TTO - Trong lớp của thầy Túc, học sinh không phải ghi chép nhiều mà được xem thầy làm thí nghiệm hoặc tự tay làm thí nghiệm. Để có tiền đầu tư cho các em không phải "học chay", thầy bán ôtô, bán bộ sưu tập của mình...

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên