Ở quê rác cũng ngập khắp nơi, nổi lềnh bềnh trên những kênh, rạch - Ảnh: NHẬT NAM
Rác khắp nơi
Nhiều lần tôi đi xe máy từ nhà (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM) về quê tầm 3-4 giờ sáng, và đã chứng kiến không ít người đi xe máy dùng tay hoặc chân thản nhiên "đẩy" bọc rác xuống đường Tân Kỳ - Tân Quý, đoạn gần khu nghĩa trang Bình Hưng Hòa.
Riêng tại phường Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) tôi còn chứng kiến một hộ gia đình dù kinh tế khá giả, nhưng lại "hà tiện" đến mức không đóng 25.000 đồng thu gom rác hằng tháng. Đổi lại, ngày ngày họ "vô tư" đổ bỏ rác thải, thức ăn thừa… xuống hố cống. Nhiều lần bị người lân cận góp ý nhưng rồi đâu cũng vào đó.
Không chỉ ở TP, ở quê rác cũng ngập khắp nơi. Hằng năm, vào khoảng tháng 11-12 khi trời bắt đầu trở lạnh, thì đó cũng là lúc những bao tải xác súc vật chết do dịch bệnh nổi lềnh bềnh trên những kênh, rạch hoặc dọc đường giao thông nông thôn. Nắng rồi mưa, cứ thế mùi hôi thối xông lên nồng nặc.
Giáo dục, thuyết phục và vận động
Thường thì để góp phần làm "xanh - sạch - đẹp" đường phố, các địa phương, đoàn hội thanh niên… lâu lâu phải trực tiếp ra quân dọn rác để "đường thông, hè thoáng". Tuy nhiên điều này vô tình tạo ra tâm lý ỷ lại, coi thường luật pháp trong một bộ phận người dân.
Vì thế ngoài việc xử phạt (nặng), cần có sự phối hợp thường xuyên của các sở, ngành TP với địa phương cấp xã, phường, trong đó ngành TN-MT phải giữ vai trò chủ động, tích cực.
Hành vi vứt rác bừa bãi bắt nguồn từ nhận thức kém về giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân, vì thế cần phải có thêm một giải pháp "mềm" thích nghi theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Tất nhiên yếu tố tích cực từ phía chính quyền phải là kiên trì, thường xuyên và liên tục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận