25/06/2024 10:33 GMT+7

Không được tiếp nhận tàu lớn, cảng biển Cửa Việt nguy cơ dừng hoạt động

Cảng biển Cửa Việt (Quảng Trị) được thiết kế tiếp nhận tàu 2.000 tấn, nhưng lâu nay vẫn đón tàu 3.000 tấn vào bốc hàng. Quy định mới của Cục Hàng hải không đồng ý điều này, khiến cảng nguy cơ đóng cửa.

Xe tải bốc dỡ gỗ dăm tại cảng Cửa Việt - Ảnh: HOÀNG TÁO

Xe tải bốc dỡ gỗ dăm tại cảng Cửa Việt - Ảnh: HOÀNG TÁO

Chiều 24-6, hàng chục lượt xe tải tấp nập vào cảng biển Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) để nhập gỗ dăm lên tàu biển, xuất đi nước ngoài.

Tàu lớn vào cảng nhỏ

Ông Hoàng Đức Chung - giám đốc Công ty cổ phần cảng Cửa Việt - cho hay đơn vị đang khai thác 2 cầu cảng có thiết kế cho tàu trọng tải 2.000 tấn cập cảng.

Nhiều năm qua, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam thống nhất cấp phép cho cảng đón tàu lớn hơn thiết kế vào bốc hàng. Cụ thể, cảng thường đón tàu 3.000 tấn vào cảng.

Ông Chung thông tin tất cả tàu đều không đầy tải, khối lượng bốc dỡ lên tàu trung bình 1.500 tấn, tương ứng 50% tải trọng tàu và nhỏ hơn thiết kế cầu cảng. "Đặc thù cảng chỉ phục vụ mặt hàng gỗ dăm. Đây là mặt hàng chiếm thể tích nhưng trọng lượng nhẹ", ông Chung giải thích.

Hằng năm, cảng đón hơn 1.400 lượt tàu, đến nay chưa ảnh hưởng an toàn cầu cảng, không xảy ra sự cố, tai nạn.

Nhờ đó, mỗi năm cảng Cửa Việt thông qua 750.00 tấn hàng/năng lực thiết kế 400.000 tấn.

Mỗi năm, cảng Cửa Việt xuất đi Trung Quốc 750.000 tấn gỗ dăm - Ảnh: HOÀNG TÁO

Mỗi năm, cảng Cửa Việt xuất đi Trung Quốc 750.000 tấn gỗ dăm - Ảnh: HOÀNG TÁO

Cảng nguy cơ dừng hoạt động

Giữa tháng 6-2024, Cục Hàng hải Việt Nam có quy định mới yêu cầu lắp đặt thiết bị quan trắc điều kiện khai thác. Nếu không xây dựng hệ thống này thì cảng sẽ không được đón tàu quá tải trọng thiết kế.

Ông Võ Trường Giang - đại diện Công ty TNHH Thanh Thành Đạt - cho hay công ty chỉ có 2/11 tàu đáp ứng được quy định mới. "Công ty sẽ giảm 80 - 85% sản lượng do giới hạn về tàu. Chi phí chênh lệch vận chuyển đường bộ ra cảng Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây (Thừa Thiên Huế) sẽ thêm 11 USD/tấn hàng.

500 lao động tại Quảng Trị sẽ bị ảnh hưởng, cắt giảm, ngoài ra tỉnh còn mất nguồn thu khoảng 80 - 90 tỉ đồng/năm nếu công ty buộc phải chuyển tuyến", ông Giang cho hay.

Ông Chung bộc bạch việc đầu tư hệ thống trên cần thời gian. "Đơn vị có kế hoạch nâng cấp cầu cảng mấy năm nay, nhưng đang thoái vốn nhà nước nên chưa được phê duyệt đầu tư. Trường hợp cảng không được tiếp tục đón tàu lớn hơn thiết kế thì gần như phải dừng hoạt động.

Cỡ tàu 2.000 tấn đủ điều kiện đi nước ngoài rất hiếm, đồng thời gây lãng phí cơ sở hạ tầng, mất nguồn thu của tỉnh cũng như ảnh hưởng đến người lao động".

"Chúng tôi kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị có giải pháp chấp thuận cảng được đón tàu tải trọng lớn hơn thiết kế nhưng giảm tải khi rời cảng trong khi chờ nâng cấp", ông Chung kiến nghị.

Phê duyệt quy hoạch cảng biển: Ưu tiên làm cảng trung chuyển quốc tế Cần GiờPhê duyệt quy hoạch cảng biển: Ưu tiên làm cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Thủ tướng vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên phát triển cảng Cần Giờ, TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên