Tại lễ ra quân, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân phát biểu rằng nếu con đường hoàn thành đúng tiến độ, nó sẽ phát huy hiệu quả giúp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM.
Phải, nếu mọi dự án cơ sở hạ tầng, nhất là đường cao tốc, được hoàn thành đúng tiến độ, nó không chỉ giải quyết ách tắc giao thông mà còn đóng vai trò là mạch máu chuyên chở nền kinh tế đất nước tiến về phía trước. Nhưng sự đời thường không đơn giản như vậy vì rất nhiều dự án hạ tầng, đặc biệt là các con đường, đã bị chậm tiến độ, đến nỗi người ta đưa ra khái niệm công trình rùa để nói về chúng.
Sở dĩ ông Quân hi vọng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ hoàn thành đúng tiến độ vì nó được làm bằng tiền tài trợ 1,3 tỉ USD của nước ngoài, cụ thể là tiền của Ngân hàng Phát triển châu Á và Tổ chức JICA của Nhật Bản (vốn đối ứng của VN chỉ là số nhỏ). Nếu nó làm bằng tiền ngân sách nhà nước thì hi vọng “hoàn thành đúng tiến độ” khó thành hiện thực. Vì hầu hết các công trình cầu đường sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều mang trên lưng một con rùa. Nhiều chuyên gia cầu đường khẳng định ít có con đường dùng vốn ngân sách hoàn thành đúng thời hạn.
Lỗi là do cơ chế phân bổ ngân sách cho các dự án được điều chỉnh mỗi năm. Mức độ phân bổ tùy theo khả năng của ngân sách, có khi không bố trí đủ nên công trình buộc phải dừng lại. Mỗi lần dừng phải điều chỉnh thời gian, kinh phí. Công trình rùa gây ra nhiều cái hại: thời gian kéo dài, không chỉ kinh phí đền bù giải tỏa mà vốn đầu tư xây lắp tăng do giá cả vật tư tăng theo thời gian... Hậu quả là một cái hại lớn hơn do thời gian sử dụng bị mất đi của con đường.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là điển hình của sự rùa. Khởi công tháng 4-2004 với kinh phí dự kiến 6.550 tỉ đồng. Thời gian hoàn thành đề ra là năm 2008. Thế nhưng do ngân sách (với hai lần phải dừng) nên con đường bị chậm hai năm và chi phí tăng lên 9.980 tỉ đồng. Chậm hai năm không phát huy được hiệu quả sử dụng con đường, chi phí thiệt hại gây ra cho xã hội còn lớn hơn nhiều mức chi phí đội lên là 3.430 tỉ đồng.
Nhiều con đường khác của TP.HCM cũng như vậy. Cầu Nguyễn Văn Cừ chậm ba năm, cầu Thủ Thiêm chậm một năm, tỉnh lộ 10 và quốc lộ 50 nối Long An thì không biết đến bao giờ vì chưa giải tỏa đền bù xong cho dân. Tỉnh lộ 10 cần 600 tỉ đồng đền bù nhưng ngân sách chỉ cấp 150 tỉ, còn quốc lộ 50 cần 850 tỉ thì không có đồng nào...
Có thể bài học về cái sự rùa của nhiều dự án cơ sở hạ tầng là vốn, cơ chế cấp vốn ngân sách cho các công trình. Nhưng để dỡ bỏ con rùa trên lưng các dự án cơ sở hạ tầng thì còn phải làm nhiều thứ, đó là năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, sự phối hợp của các địa phương trong giải phóng mặt bằng...
Kinh nghiệm cũng đã có, nó được rút ra từ những vụ “trảm tướng”, thay chủ đầu tư, đơn vị thi công... ở một số dự án hạ tầng quan trọng. Người dân có quyền hi vọng, kể cả yêu cầu rằng những kinh nghiệm này phải trở thành nguyên tắc trong thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, để đảm bảo rằng từ nay không còn điệp khúc lỗi hẹn, mà các dự án hạ tầng phải hoàn thành đúng hẹn với chất lượng tốt nhất để phục vụ quốc kế dân sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận