19/02/2013 07:12 GMT+7

Không được đào tạo, cán bộ dễ sa ngã hơn

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Thay vì học làm lãnh đạo theo thói quen, tự nhìn, tự học từ những người tiền nhiệm, lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị sẽ được đào tạo bài bản theo đúng chức danh của mình.

aQBTGlKC.jpgPhóng to
Ảnh: Việt Dũng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Tạ Ngọc Tấn - ủy viên Trung ương Đảng, giám đốc Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nơi được giao nhiệm vụ quan trọng trong việc đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý theo chức danh - chia sẻ:

"Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đang xây dựng hơn 40 chương trình đào tạo chức danh trong toàn hệ thống và đang cố gắng để sớm triển khai các khóa học từ bồi dưỡng cơ bản đến cập nhật kiến thức, bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý"

GS.TS TẠ NGỌC TẤN

- Trong bất kỳ nền quản lý nào, đặc biệt là quản lý nhà nước đều có việc đào tạo theo chức danh. Từ thời Pháp thuộc đã có trường “Hậu bổ”, chuyên đào tạo bồi dưỡng cho những người mới được bổ nhiệm. Việc đào tạo theo chức danh có thể được thực hiện cho những người mới được bổ nhiệm và cả những người là dự nguồn cho các chức danh đó. Về nguyên tắc, trong hệ thống chính trị, từ lãnh đạo xã, huyện, tỉnh đến các bộ, ngành trung ương khi đảm nhận công việc đều phải biết chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm công vụ và phương pháp công tác đối với chức danh của mình là gì, đến đâu. Để có được những kiến thức, kỹ năng đó, cán bộ phải theo học các khóa đào tạo. Ví dụ như đào tạo cho cán bộ cấp vụ thì cơ bản nhất phải truyền thụ để học viên hiểu và nắm được từ chức năng chính của họ là tham mưu, quy trình để ra quyết định quản lý, quy trình, cách thức nghiên cứu, tổng kết thực tế ra sao, cho đến những kỹ năng cụ thể như xử lý các loại văn bản, tổ chức cuộc họp, giao tiếp với dân, với đồng nghiệp, với các phương tiện thông tin, báo chí...

Có thể nói rằng những sai phạm trong lãnh đạo quản lý hiện nay có một phần nguyên nhân từ việc chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh cho đội ngũ cán bộ, có một phần trách nhiệm của những người trực tiếp làm công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Tăng cường đội ngũ giảng viên

* Đào tạo giữ vai trò rất quan trọng, nhưng tại sao đến nay vấn đề đào tạo theo chức danh mới được triển khai?

- Thực tế ở nước ta, công việc đào tạo theo chức danh cán bộ đã thực hiện từ lâu nhưng chưa thật bài bản, chưa bảo đảm đầy đủ về nội dung và quy mô cho toàn bộ đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị từ năm 2005 đã yêu cầu học viện phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh. Học viện đang tích cực chuẩn bị để triển khai mạnh mẽ công việc này. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đào tạo đặc thù, đòi hỏi sự đầu tư xứng đáng, nhất là về đội ngũ giảng viên. Giảng viên phải là những người am hiểu sâu sắc về các chức danh, có trải nghiệm thực tế. Đội ngũ giảng viên hiện đang được xây dựng theo hai hướng: tuyển chọn, bổ sung những người đã đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, quản lý và đưa cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đi thực tế tại các ban, ngành, địa phương.

Học viện được hưởng cơ chế đặc thù về việc đưa giảng viên đi luân chuyển, tham gia công tác lãnh đạo hoặc chuyên môn cụ thể tại các địa phương trong cả nước. Đã có những cán bộ giảng dạy thực hiện luân chuyển làm lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp tỉnh, tham gia huyện ủy, tỉnh ủy... Ngoài ra, các cán bộ lãnh đạo, quản lý đương nhiệm cũng được mời về giảng dạy với tư cách giảng viên kiêm nhiệm hoặc giảng viên thỉnh giảng.

* Việc đào tạo cán bộ quản lý theo chức danh sẽ hiệu quả hơn nếu trước đó việc tuyển lựa người vào vị trí lãnh đạo đã chọn đúng được những người thực tài. Ông có đồng tình với nhận định này?

- Việc tuyển lựa người xứng đáng vào vị trí lãnh đạo, quản lý rất quan trọng. Người tài trong lĩnh vực quản lý không hoàn toàn giống với khái niệm người tài bình thường. Ở Singapore, những người có tiềm năng sẽ phải trải qua những cuộc tuyển chọn gắt gao, có thể tích hợp từ việc xem xét thành tích học tập, kiểm tra trắc nghiệm, đến phỏng vấn trực tiếp... Sau đó, các tài năng này được đặt vào guồng máy chính trị ít nhất hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ có thời hạn năm năm - trước khi họ có thể được cất nhắc vào các vị trí cao hơn như trưởng phòng, cục trưởng, bộ trưởng... Việc áp dụng quy trình tuyển lựa và đào tạo các tài năng lãnh đạo quản lý này đã giúp Singapore chọn được một nhóm “công dân hạng nhất” thật sự ưu tú với đầu óc xuất chúng, có ý thức mạnh mẽ về trách nhiệm và bổn phận của mình trước nhân dân...

Trong nhiều hệ thống đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, vấn đề được quan tâm nhiều là làm cách nào để khuyến khích tư duy sáng tạo, cho phép các cán bộ giỏi được thử nghiệm những cái mới. Tuy nhiên, đối với người tài trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo thì khi thực hiện những ý tưởng mới của họ cũng có nghĩa họ đang đối mặt với các thách thức của sự sai lầm. Một cơ chế xã hội cho phép các nhân tài thử nghiệm và chấp nhận rủi ro nào đó trong hoạt động sáng tạo sẽ khuyến khích người tài dấn thân vì cộng đồng và thúc đẩy họ đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Không nắm được chức năng nhiệm vụ của mình

* Là người đứng đầu cơ sở đào tạo cán bộ quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước, GS thấy điểm hạn chế nào phổ biến trong nhiều cán bộ hiện nay, rất cần đến sự bồi đắp tích cực từ công tác đào tạo chức danh?

- Điều tôi trăn trở nhất là hiện tượng nhiều cán bộ mắc khuyết điểm do không nắm được chức năng nhiệm vụ của mình, không nắm được giới hạn quyền hạn của mình, không nắm đầy đủ các phương pháp công tác, đạo đức công vụ - nhất là đối với cán bộ cơ sở.

* Vậy những cán bộ không nắm rõ chức năng quyền hạn, lạm quyền và lấn quyền gây sai phạm bắt nguồn từ nguyên do nào? Xã hội đang nói nhiều đến tác động của chính môi trường quản lý...

- Cũng phải chia sẻ một phần do chúng ta chưa chuẩn bị đào tạo cán bộ được đầy đủ, chưa trang bị cho cán bộ kiến thức, kỹ năng cần và đủ để thực thi trách nhiệm công tác. Đương nhiên môi trường là yếu tố tác động quan trọng, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường khi thang giá trị xã hội đang có nhiều thay đổi, trong đó có vấn đề con người. Dường như ai cũng muốn giàu có, sung sướng, ai cũng muốn kiếm được nhiều tiền. Nhiều người không biết được điểm nào thì dừng, không giữ gìn được đạo lý, phẩm giá trong lối sống, trong công tác. Rồi còn do sự cám dỗ của lợi ích vật chất, sự lôi kéo, mua chuộc của những kẻ làm ăn bất chính... Đương nhiên là không được đào tạo, người ta dễ sa ngã hơn bình thường.

Bộ Chính trị vừa ban hành quy định chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Theo đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý được chia làm bốn nhóm đối tượng: Đối tượng 1 gồm ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, phó chủ tịch nước, phó chủ tịch Quốc hội, phó thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đối tượng 2 gồm cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (ngoài đối tượng 1). Đối tượng 3 gồm cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy - thành ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương và tương đương quản lý. Đối tượng 4 gồm cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý.

Thời gian bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm từ 5-7 ngày/năm. Theo quyết định này, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh có trách nhiệm xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ đối tượng 2, 3, 4. Riêng chương trình bồi dưỡng, cập nhật cho đối tượng 1, 2 sẽ do Ban Tổ chức trung ương chủ trì xác định, đồng thời tổng hợp nhu cầu, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hằng năm.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên