Phóng to |
Vũng neo đậu do bà con ngư dân tạo nên - Ảnh: V.Q.CẦU |
Cuối cùng họ quyết định: biển đã bồi nên chỉ còn cách bít luôn cửa biển cho nước dâng lên thật cao, rồi chọn một chỗ khai luồng cho nước tống ra ngoài cửa biển. “Nghe ý định của dân, cả đảng ủy, UBND xã đều xanh mặt mày - ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ tịch UBND xã Phổ Quang, kể - Bởi, đắp bít hẳn cửa biển nước sông Thoa dâng cao, trên 1.000ha lúa sẽ bị ngập nếu khai luồng không kịp, lúa hư lấy chi mà đền. Thế nhưng bà con quyết tâm quá, xã cũng đồng ý luôn, nhưng giao hẹn công việc phải tiến hành trong hai ngày”.
Ông Trần Đình Long - trưởng chòm dưới (vùng cửa biển chia làm ba vùng, mỗi vùng theo tiếng địa phương gọi là chòm, tức một nhóm), kể: “Khi hạ quyết tâm rồi, già, trẻ, gái, trai trong vạn Mỹ Á kéo nhau lên núi Lớn chặt bổi (cây bụi) khuân xuống cửa biển đến nỗi ở dưới nhìn lên trống hoác không còn một bụi, rồi phân công nhau người lên tận xã Phổ Văn mua tre kéo về, người đến chợ Trà Câu mua bao để dồn cát. Đắp một ngày đêm thành lũy dài bít được cửa biển cho nước sông đổ về dâng cao.
Sau đó, vạn chài cử người đến nhà anh Thái Hàng Vinh thuê hai chiếc xe ủi xúc ra thông cửa biển. Bà con nói: “Tụi tao cho tàu đứng phía dưới cửa biển, mày ở phía trên ủi xuống thông luồng, lỡ nước chảy nhanh quá mày trôi thì tụi tao vớt. Còn nếu như máy hư hỏng cả vạn góp tiền đền”. Gia tài anh Vinh lúc đó chỉ có chiếc xe xúc trị giá 75 triệu đồng, nhưng thấy bà con khí thế quá cũng hóa liều rủ thêm bạn bè kéo một chiếc xe ủi về “chơi luôn”.
Ở vạn Mỹ Á ngay cửa biển hôm đó có những dân chài mặt mày nám đen đưa bàn tay to bè, sần sùi lên trước trán để cầu khẩn thần linh xin giúp sức. Sau đó, trưởng ban vạn phát lệnh khai thông cửa biển. Họ nín lặng theo dõi chiếc xe ủi trườn qua bãi cát. Những mảng cát dài biến mất. Thế là nước ầm ào tống ra tạo thành một con lạch sâu.
Thông luồng cửa biển được rồi, bà con bèn dồn hàng ngàn bao cát ở ngay khu vực hòn đá bàn ra tận ngoài mé biển dài chừng vài trăm mét để cản bớt cảnh biển bồi cát khi gió mùa đông bắc thổi về. Rồi bà con lại mua bao về dồn cát, mua tre về đóng trụ ở phía bên ngoài, thuê máy xúc nạo vét vũng neo đậu, lấy đất đắp lên thành bờ chống xói dài 250m. Dân chài vẫn quen gọi đó là bờ kè của lòng quyết tâm.
Thuyền có chỗ neo đậu và thuyền tiếp tục ra khơi...
Thế nhưng, mỗi mùa mưa bão cửa biển lại bị bồi và bờ kè chắn cát bị xô vỡ từng đoạn nên cả vạn lại thống nhất mỗi tháng một tàu, thuyền đóng 50.000 - 100.000 đồng để tu bổ bờ kè, nạo vét cửa biển... Ngư dân Phan Điền, trưởng chòm trên, nói: “Biết tiền của eo hẹp thật nhưng cũng phải cố không để cửa biển chết mình mới có bát cơm...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận