Uống một ly cà phê cũng nơm nớp lo cà phê dởm (làm từ bột bắp và hóa chất). Ăn một ổ bánh mì cũng sợ thuốc tẩm trong thịt, chả. Ra chợ loay hoay không biết lựa gì: gà giả, trứng giả, thịt heo bơm nước, cá biển ướp đạm urê, ngay đến rau cũng bẩn thì còn cái gì sạch bây giờ?
"Bệnh từ miệng mà vào", chính vì thực phẩm độc hại tràn lan mà bệnh tật ngày một nhiều, đặc biệt là ung thư. Khổ nỗi biết độc hại đó nhưng vẫn phải ăn vì còn cách nào khác đâu!
Là một người trẻ, tôi kỳ vọng 20 năm tới Việt Nam sẽ không còn thực phẩm độc hại bày bán trên thị trường. Giá thành thức ăn có thể đắt một chút nhưng an toàn và "sạch". Các bà nội trợ mỗi khi ra chợ không phải lo nghĩ mình mua cái này về có hại cho người thân không. Học trò ăn quà vặt không lo ngộ độc, tiêu chảy. Ngồi hàng nước vỉa hè cũng an tâm như vào nhà hàng sang trọng, chỉ khác về độ ngon và cách phục vụ. Cuộc sống sẽ yên lành, ít bệnh tật lo nghĩ.
Muốn làm được như vậy, tôi xin đưa ra mấy giải pháp như sau:
Một là, cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm bẩn. Dù thực phẩm bày bán trong siêu thị hay ngoài chợ đều phải an toàn như nhau. Người mua có thể thoải mái chọn lựa mà không băn khoăn nhiều.
Hai là, pháp luật Việt Nam cần mạnh tay xử lý những cá nhân, tổ chức sản xuất thực phẩm độc hại. Chỉ phạt hành chính không thôi e rằng càng thêm tiếp tay cho tội ác. Bởi vì tiền lãi họ thu về nhiều, chỉ cần trích một ít nộp phạt rồi ngựa quen đường cũ, lại ung dung làm tiếp. Theo tôi, cứ vi phạm là bỏ tù, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có thời gian phù hợp. Đây chưa hẳn biện pháp tốt nhưng ít ra còn khiến những kẻ ác chùn chân phần nào.
Ba là, các báo đài cần nâng cao nhận thức cho công chúng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Báo chí cần thực hiện những phóng sự điều tra về sản xuất thức ăn bẩn và phổ biến rộng rãi. Bên cạnh đó, báo chí cũng chính là "người hướng dẫn", giúp người dân biết nên chọn thực phẩm như thế nào, tránh ăn cái gì để bảo vệ sức khỏe. Thời đại công nghệ số, mọi người tiếp nhận thông tin rộng rãi nên việc này khá dễ dàng và thuận tiện.
Bốn là, chính bản thân người bán phải nhận thức đúng và rõ hành vi của mình. Có thể họ "vô tư" nghĩ ăn vào chưa chết liền nên việc mình làm không hề xấu xa. Hoặc cũng có thể họ biết xấu đó nhưng vì lợi nhuận nên nhắm mắt làm ngơ. Cái này nằm ở đạo đức nên chỉ có thể tác động thông qua giáo dục. Những bài học giáo dục ở nhà trường và gia đình chính là nền tảng làm nên nhân cách con người. Nếu một người có nền tảng tốt thì họ sẽ sống tử tế, làm việc tử tế.
Năm là, xử lý nghiêm những cán bộ bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi sản xuất và phân phối thực phẩm bẩn. Nếu không có sự tiếp tay của họ thì thực phẩm bẩn đã không tràn lan trên thị trường như hiện nay. Tội của họ là tội nặng nhất, ghê gớm và đáng sợ nhất. Chỉ vì tiền mà "nhắm mắt" khiến biết bao người bệnh tật, chết chóc. Pháp luật cần có hình phạt thích đáng đối với họ.
Mấy giải pháp đó hi vọng sẽ ngăn chặn thực phẩm độc hại tràn ra thị trường. Tôi tin rằng nếu cả xã hội đồng lòng thì ước mong trên sẽ sớm thành hiện thực, để cuộc sống sẽ êm đẹp và tươi sáng hơn.
Thể lệ cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới” Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (VN) tổ chức cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”. Chủ đề chính của cuộc thi là những kỳ vọng về sự phát triển của VN, đồng thời phác họa bức tranh đất nước, con người VN trong 20 năm tới. Cuộc thi dành cho bạn đọc từ 15-30 tuổi và bạn đọc trên 30 tuổi (ban tổ chức, ban giám khảo, cán bộ nhân viên báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam không được tham gia cuộc thi). Theo ban tổ chức, các bài dự thi phải được viết bằng tiếng Việt, thể loại văn xuôi, thể hiện hai nội dung: những kỳ vọng hoặc phác họa bức tranh Việt Nam 20 năm tới (tối đa 500 chữ) và nêu những giải pháp để Việt Nam có thể đạt được như ước mơ và những kỳ vọng (tối đa 1.000 chữ). Bài dự thi phải chưa từng được công bố, đăng tải trên báo đài hay đoạt giải các chương trình, cuộc thi. Một tác giả có thể gửi tối đa ba tác phẩm dự thi. Dưới bút danh (nếu có) ghi rõ tên thật, tuổi, địa chỉ và số điện thoại liên lạc. Trong trường hợp đoạt giải, mỗi tác giả chỉ nhận được giải thưởng cao nhất. Báo Tuổi Trẻ sơ loại bài viết đúng chủ đề và đúng yêu cầu của cuộc thi để đăng trong mục cuộc thi "Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới" trên Tuổi Trẻ Online. Đồng thời, hằng tuần những bài viết hay sẽ được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ. Tác giả có bài viết được xuất bản trên nhật báo Tuổi Trẻ sẽ được trả nhuận bút. Ban giám khảo chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm năm tác phẩm của tác giả dự thi ở nhóm từ 15-30 tuổi và năm tác phẩm ở nhóm người trên 30 tuổi). Các tác giả có bài được chọn sẽ được tài trợ 3 triệu đồng làm báo cáo chi tiết trình bày trước ban giám khảo để tranh giải (số tiền này sẽ được gửi cho tác giả khi tác giả đến buổi báo cáo trước ban giám khảo). Ban tổ chức sẽ tài trợ chi phí đi lại và khách sạn để tác giả đến trình bày báo cáo và nhận giải tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ban tổ chức sẽ trao 10 giải thưởng với tổng giá trị giải thưởng là 120.000.000 đồng, dành cho hai nhóm đối tượng tham gia phân theo độ tuổi, gồm nhóm từ 15-30 tuổi và nhóm trên 30 tuổi. Mỗi nhóm đối tượng sẽ có năm giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm có: - 1 giải nhất: 25.000.000 đồng - 1 giải nhì: 15.000.000 đồng - 1 giải ba: 10.000.000 đồng - 2 giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/giải Ban tổ chức nhận bài dự thi từ ngày 18-5 đến 28-6-2015. Bạn đọc gửi bài dự thi qua đường bưu điện đến báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”); hoặc gửi bằng thư điện tử đến địa chỉ nguyentran@tuoitre.com.vn. Vòng chung khảo cuộc thi sẽ tổ chức vào ngày 11-7-2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận