30/06/2015 11:59 GMT+7

Không còn đô thị ngập lụt, nắng nóng

KTS LÊ CÔNG SĨ (TRà VINH)
KTS LÊ CÔNG SĨ (TRà VINH)

TT - Tôi mong mỏi trong 20 năm tới, hệ thống đô thị VN không còn những đô thị “bệnh tật” gồng mình đối phó với ngập lụt và nắng nóng. Ngược lại sẽ là những đô thị được thiết kế thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngập nước tại  khu Nam Thiên (P.4, TP Đà Lạt) trong trận lũ chiều  1-6 Ảnh: THANH HOA
Ngập nước tại khu Nam Thiên (P.4, TP Đà Lạt) trong trận lũ chiều 1-6 - Ảnh: Thanh Hoa

Đó là những đô thị có nhiều mảng xanh rợp kín trên đầu và những dòng nước dưới chân với bản sắc đặc trưng không thể lẫn lộn.

Nan giải chuyện ngập lụt, ngột ngạt

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, VN đang và sẽ đối mặt hàng loạt vấn đề về môi trường sống. Tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường nói chung thì nhiều song vấn đề chính của môi trường đô thị là tình trạng ngập lụt và mưa bão thất thường, đặc biệt thời tiết ngày càng nóng bức.

Ngập lụt vốn là bài toán khó của chính quyền thì nay với sự gia tăng của mực nước biển theo kịch bản của biến đổi khí hậu càng trở nên nan giải. Vốn là tình trạng “cơm bữa” của các đô thị cũ hạ tầng lạc hậu, nay ngập lụt còn là “đặc sản” của các đô thị mới. Ngập lụt cũng không còn “miễn nhiễm” với những đô thị có địa hình thuận tiện cho thoát nước như Đà Lạt.

Sau các trận mưa vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 vừa qua, thành phố cao nguyên tuyệt đẹp có độ cao trên 1.500m so với mực nước biển đã hứng chịu ngập lụt và lũ quét với thiệt hại nặng nề khiến nhiều người ngạc nhiên.

Biến đổi khí hậu còn là nguyên do dẫn đến đợt khô hạn trên nhiều tỉnh thành và nắng nóng kỷ lục như vừa qua, môi trường đô thị vì vậy càng trở nên bức bí, ngột ngạt.

Ngoài ra, VN là quốc gia vốn có sự khác biệt thú vị về bản sắc văn hóa vùng miền song kiến trúc đô thị VN bị đánh giá là rập khuôn, na ná nhau hay nói chung là thiếu bản sắc. Thế giới phẳng, giao thoa văn hóa được cộng hưởng bởi sự tìm kiếm mô hình ở thích ứng biến đổi khí hậu càng dấy lên nỗi lo ngại về sự “đồng phục” về kiến trúc các vùng miền hay một nền kiến trúc đô thị VN nhạt nhòa bản sắc.

Xây dựng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu

Thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp chống ngập đơn giản như các đô thị đang làm. Đó là mở rộng tối đa năng lực của hệ thống thoát nước bằng cách nâng cấp hệ thống này và thường xuyên nạo vét kênh rạch bị bồi lấp.

Để “trị” ngập lụt, giải pháp dài hơi phải là quy hoạch. Nguyên tắc của chống ngập là “nước lên thì thuyền lên” song chúng ta không thể cùng lúc “bưng” đô thị lên khỏi miệng thủy thần. Ngoài các giải pháp trên, cần nghiên cứu quy hoạch các hồ điều tiết nước, các hệ thống cống có van điều chỉnh. Dứt khoát loại bỏ tư duy khai tử kênh rạch xây dựng công trình tràn lan như vừa qua.

Trong phát triển, việc xây dựng các đô thị vệ tinh là xu thế, song nghịch lý là các đô thị mới được quy hoạch với cốt nền rất cao vô hình trung đẩy đô thị cũ vào thế lòng chảo làm tăng nguy cơ ngập. Quy hoạch trong tương lai cần chú trọng hơn nữa việc đấu nối hạ tầng đồng bộ.

Cơn mưa gây ngập lụt ở Đà Lạt ngày 31-5 vừa qua do việc xây dựng nhà kính phục vụ nông nghiệp một cách ồ ạt làm giảm tối đa khả năng nước tự thấm qua bề mặt là biểu hiện của quy hoạch không đồng bộ. Để giảm rủi ro, quy hoạch các ngành, trong đó có xây dựng, hơn bao giờ hết phải đặt trong bối cảnh tổng thể kinh tế xã hội.

Xưa nay khi nhắc đến vấn đề thích ứng ngập lụt thì Hà Lan, với một nửa lãnh thổ nằm dưới mực nước biển, rất đáng để học tập với nhiều thành phố chằng chịt hệ thống sông ngòi, kênh mương độc đáo và lãng mạn. Kinh nghiệm chống ngập lụt và quản lý nước ở quốc gia này được quốc tế đánh giá cao.

Tất cả thành phố đều có đê lớn bao bọc, bên trong luôn có quỹ đất dành cho nhiều kênh rạch; nối liền các khu phố bị chia cắt bởi kênh rạch là những cây cầu có thể điều chỉnh để tàu bè lưu thông.

Thành phố Amsterdam với quy chế để phố hình thành từ các dòng kênh tiêu nước đề ra từ thế kỷ thứ 17 đến nay vẫn còn duy trì. Rotterdam cũng vừa thông qua bản quy hoạch định hướng đến năm 2035 với tên gọi Thành phố nước Rotterdam (Rotterdam Water City), gồm 3 dự án nhỏ là thành phố sông (River City), thành phố kênh rạch (Canal City) và thành phố của các tuyến đường sông (Waterway City).

Mỗi dự án là những chiến lược chuyển đổi nguồn nước từ mối hiểm họa thành cơ hội để phát triển đô thị.

Cách tiếp cận vấn đề đô thị thích ứng ngập lụt mềm dẻo và bền vững của chính quyền Rotterdam rất đáng để chúng ta học tập.

Thứ hai, Bộ Xây dựng cần xem xét điều chỉnh quy chuẩn quy hoạch xây dựng đô thị, đặc biệt các đô thị mới theo hướng mạnh tay tăng chỉ tiêu mảng xanh đô thị và mảng xanh trong phạm vi dự án, công trình, kể cả nhà ở riêng lẻ, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực thi.

Khuyến khích việc duy trì những mảng xanh “tự phát”, với mục đích đô thị được phủ càng nhiều màu xanh càng tốt, bên cạnh chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi bức tử cây xanh. Tăng mảng xanh không chỉ có tác dụng cải thiện khí hậu môi trường mà còn làm tăng khả năng tự thấm nước, giảm thiểu ngập lụt.

Để thích ứng biến đổi khí hậu phải giảm thiểu hiệu ứng nhà kính. Phát triển sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng theo hướng hiện đại và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp bách. Do vậy, cần đẩy mạnh việc đặt hàng nghiên cứu và sản xuất các loại vật liệu thân thiện môi trường, đồng thời tạo hành lang pháp lý thông thoáng để các công trình tiếp cận các loại vật liệu này.

Cuối cùng, tuy nhận thức về thẩm mỹ nói chung của xã hội, tay nghề giới chuyên môn kiến trúc và xây dựng VN ngày nay nâng lên đáng kể, bộ mặt kiến trúc đô thị ngày càng khang trang song bản sắc các đô thị VN nói chung vẫn đang là câu hỏi lớn.

Trong quá trình hành nghề của mình, “kiến trúc sư tầm vông” Võ Trọng Nghĩa đã thành công trong việc nghiên cứu tính năng loài cây này và biến nó thành một vật liệu độc đáo, thân thiện môi trường với dấu ấn kiến trúc VN không thể lẫn lộn.

Việc tìm tòi vật liệu nhằm tạo nên những kiến trúc thông minh, tiết kiệm năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu, mang đậm bản sắc vùng miền, dân tộc mà KTS Võ Trọng Nghĩa là trường hợp điển hình cần được khuyến khích bằng nhiều cách, đồng thời tạo điều kiện tối đa để ý tưởng trở thành hiện thực.

598 bài dự thi

Đến hết ngày 28-6, ngày cuối cùng nhận bài dự thi “Kỳ vọng Việt Nam 20 năm tới”, ban tổ chức cuộc thi (báo Tuổi Trẻ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) đã nhận được 598 bài dự thi của các tác giả trong và ngoài nước.

Hiện nay ban giám khảo (5 người) đang trong quá trình chấm thi để lựa chọn 10 tác phẩm hay nhất vào vòng chung khảo (gồm 5 tác phẩm của nhóm tuổi từ 15 - 30 và 5 tác phẩm của nhóm tuổi trên 30), dự kiến được tổ chức vào ngày 11-7 tại báo Tuổi Trẻ.

Danh sách bạn đọc gửi bài dự thi chưa đăng trong các hộp thư vừa qua sẽ tiếp tục được đăng trên Tuổi Trẻ Online trong những ngày sắp đến.

TÒA SOẠN

KTS LÊ CÔNG SĨ (TRà VINH)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên