Giáo viên đưa các em HS ở bản Vịn, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) vượt qua sông Âm đến trường - Ảnh: HÀ ĐỒNG |
Được biết, bản Vịn có 105 hộ dân, là bản khó khăn nhất của xã Yên Thắng, nằm cách trung tâm xã hơn 10km, khuất sau nhiều dãy núi cao, có sông suối cách trở. Vì vậy, các em học sinh (HS) nơi đây không thể đến trường ở trung tâm xã học chữ và đi về trong ngày được.
Để tạo điều kiện cho các em HS tiểu học, các cháu mầm non được học cái chữ, UBND xã Yên Thắng và người dân địa phương đã xây dựng phòng học tạm tại bản Vịn.
Tuy nhiên, do con sông Âm chảy vắt ngang qua chia bản Vịn thành hai khu vực riêng biệt, nhằm tránh bị ngập lụt vào mùa mưa, nên lớp học của HS được xây dựng ở khu vực cao của bản Vịn, nơi có 34 hộ dân. Còn số HS con em của 71 hộ dân ở khu vực thấp hơn hằng ngày phải lội qua sông Âm đến trường.
Theo các thầy, cô giáo dạy học ở bản Vịn, do không có cầu nên nhiều năm nay bà con trong bản phải góp gỗ, luồng làm cây cầu tạm bắc qua sông Âm để người dân địa phương, giáo viên, các em HS đi lại vào mùa khô.
Còn vào mùa mưa như hiện nay, nước sông Âm dâng cao chảy xiết, cầu tạm bị lũ cuốn trôi nên các HS đều phải được phụ huynh hoặc giáo viên cõng, dìu qua sông đến trường, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều hôm mưa lớn, nước thượng nguồn đổ về không thể qua sông được, phụ huynh đành phải cho con em mình ở nhà để đảm bảo an toàn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Minh Thư - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lang Chánh - cho biết năm học 2016 - 2017 này bản Vịn có 20 cháu bậc học mầm non, 48 HS tiểu học. Tuy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các thầy, cô giáo ở bản Vịn vẫn hằng ngày đưa các em HS vượt sông Âm đến trường.
Nhiều năm nay, người dân địa phương, thầy cô giáo, các HS nơi đây luôn mơ ước có một cây cầu treo dân sinh bắc qua sông Âm để HS đến trường thuận tiện, an toàn. Nhưng đến nay Nhà nước vẫn chưa đầu tư xây dựng cầu treo ở bản Vịn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận