Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - hành chính Bộ Tư pháp - Ảnh: Tâm Lụa |
Dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) đang được gửi xin ý kiến đóng góp của nhân dân có nhiều nội dung mới hoàn toàn, trong đó có quy định chuyển đổi hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn.
Cụ thể, khoản 4 điều 35 dự thảo đưa ra phương án khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, tòa án tuyên nếu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành thì hình phạt tiền bị chuyển đổi thành hình phạt tù.
Về chuyển hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn, khoản 5 điều 36 dự thảo có quy định:
“Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, tòa án tuyên trong bản án trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì hình phạt này được chuyển thành hình phạt tù theo nguyên tắc 3 ngày cải tạo không giam giữ thành 1 ngày tù”.
Theo dự thảo thì quy định trên không áp dụng đối với người bị kết án là người chưa thành niên, phụ nữ có thai, hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng.
Theo Bộ Tư pháp (đơn vị chủ trì soạn thảo), kết quả tổng kết thực tiễn hơn 14 năm thi hành Bộ Luật hình sự cho thấy hình phạt tiền và hình phạt cải tạo không giam giữ tính khả thi không cao, hiệu quả kém, vì thế đã phần nào làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Do đó, cần thiết bổ sung cơ chế chuyển chuyển phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hành hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa của hình phạt này.
Việc chuyển đổi này cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc quy định trên có đi ngược với tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp hay không, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết:
“Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp cũng nói giảm hình phạt tù, tăng các hình thức khác, bởi qua tổng kết thì hình phạt tù là quá hà khắc.
Nhưng khi tăng các hình thức khác chúng ta phải có biện pháp để bảo đảm tính khả thi. Có khi tuyên phạt tiền đấy nhưng người ta không thi hành cũng chẳng làm được gì".
Theo bà Thoa, phạt tiền bao giờ cũng đi kèm với cải tạo không giam giữ, nếu không có khả năng nộp tiền thì tòa sẽ tuyên cải tạo không giam giữ. Nhưng nếu vẫn không nộp tiền thì phải có quy định để bảo đảm tính răn đe để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Bên cạnh ý kiến đồng tình với quy định này, cũng có những ý kiến không tán thành vì cho rằng nếu người bị kết án không chấp hành hình phạt sẽ bị truy tố về tội không chấp hành án, việc chuyển đổi từ hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù sẽ làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.
Người dân có thể đóng góp ý kiến đối với những quy định trong dự thảo Bộ Luật hình sự (sửa đổi) từ nay đến hết ngày 14-9-2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận