18/06/2015 09:21 GMT+7

Không buộc phải khai chống lại chính mình

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Có hai ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình với quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phát biểu tại phiên góp ý Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi ngày 17-6  Ảnh: VIỆT DŨNG
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phát biểu tại phiên góp ý Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi ngày 17-6 - Ảnh: Việt Dũng

Còn lại số ý kiến đồng tình chiếm áp đảo trong gần một ngày (17-6) Quốc hội thảo luận dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Những ý kiến không đồng tình gồm có đại tá Phạm Trường Dân (đại biểu Quảng Nam) và ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương (TP.HCM).

“Cả thế giới thừa nhận quyền này”

Ông Dân cho rằng quy định trong dự thảo như vậy thì thực chất đây là “quyền im lặng”. “Tôi đề nghị không quy định người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội thành một điều độc lập trong bộ luật, làm phá vỡ các nguyên tắc tố tụng hình sự, dễ bị lợi dụng, gây khó khăn, phức tạp đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm”.

Còn ông Đương lập luận: “Trong khi bom hẹn giờ chỉ còn vài giờ nữa là phát nổ, tổ chức tội phạm giết người cướp của chuẩn bị hành động, mà tại thời điểm này chỉ có người bị bắt mới khai ra được thông tin đó, nếu chậm thì tai họa khôn cùng. Đấy là sự im lặng của một người sẽ làm giết nhiều người. Vậy tại sao lại quy định quyền im lặng để gánh hậu quả?”.

Ông Đương cho rằng quy định như dự thảo là không phù hợp với nội dung Công ước Liên Hiệp Quốc. “Khi chúng tôi tra cứu tận gốc quy định của công ước nguyên bản tiếng Anh thì có nghĩa là không được ép buộc, không được gây áp lực buộc người khai phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc ép buộc phải nhận tội. Chính vì vậy trong dự thảo này thiếu ba chữ rất quan trọng là "bị ép buộc"” - ông nói.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình bác bỏ: “Về quyền của bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời nhận tội hay chứng cứ chống lại mình, chúng tôi có Công ước của Liên Hiệp Quốc trong tay, câu chữ quy định trong Công ước là “không buộc” chứ không phải là “không ép buộc”. “Không buộc” là quyền tự thân của bị can, bị cáo, chứ còn ép buộc là tác động từ bên ngoài vào”.

Trước đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng lên tiếng: “Từ “không buộc” là đúng, từ trong công ước không phải là “không ép buộc”. Nếu chữ “không ép buộc” người ta sử dụng từ khác, không dùng từ như hiện nay”.

Ông Nghĩa nói thêm: “Đối với công ước, quyền không khai báo chống lại mình và không nhận tội, không thú tội là quyền tối thiểu của người bị buộc tội. Những quyền này còn cách xa quyền im lặng của các nước, theo luật Anh, Mỹ và tất cả các nước cộng đồng châu Âu, kể cả nhiều nước châu Á đang áp dụng. Quyền im lặng của các nước này là im lặng trong toàn bộ quá trình tố tụng hình sự, kể cả khi có luật sư và khi bị xét xử ra tòa và họ không bị quy kết hay bị tăng nặng khi sử dụng các quyền đó”.

Cũng đề cập quyền này, khoảng 30 đại biểu Quốc hội lên tiếng ủng hộ dự thảo bộ luật. “Sở dĩ cả thế giới ghi nhận quyền này vì khi nghi can rơi vào vòng tố tụng, họ phải đối mặt với bộ máy điều tra có đầy đủ phương tiện, thiết bị hiện đại, có kiến thức chuyên sâu về pháp lý hình sự và kỹ năng thẩm vấn. Thậm chí phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị sử dụng bạo lực bức cung, nhục hình” - đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) bày tỏ.

Có tốn kém cũng cần thiết

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị quy định rõ trong dự thảo bộ luật là “khi hỏi cung phải ghi âm và ghi hình”. Theo bà Nga, “quy định này nhằm đảm bảo quá trình hỏi cung ghi nhận khách quan hoạt động nghiệp vụ của điều tra viên, kiểm soát viên, luật sư. Là bằng chứng khách quan để bảo vệ điều tra viên nếu bị nghi can vu cáo bức cung, nhục hình; bảo vệ bị can nếu việc bức cung, nhục hình là có thật; bảo vệ luật sư nếu bị nghi ngờ là xui cho bị can chối tội”.

Đại biểu Nga cho rằng việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung đã nhận được sự ủng hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao và bộ trưởng Bộ Công an thì không có lý do gì lại không quy định vào luật. “Nếu phản biện nói rằng không đủ kinh phí thì đề nghị phải đưa ra số kinh phí cần là bao nhiêu” - bà Nga đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) phân tích: “Tôi cho đây là một quy định tiến bộ, thể hiện việc khi hỏi cung sẽ có sự công khai, minh bạch và có sự giám sát nên khắc phục được việc bức cung, nhục hình. Vấn đề băn khoăn ở đây là nguồn kinh phí để chúng ta có thể trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình cho tất cả cuộc hỏi cung được không? Trong quá trình thảo luận có ý kiến băn khoăn về vấn đề này. Quan điểm của tôi là ủng hộ bởi nếu chúng ta khắc phục được vấn đề bức cung, nhục hình, chúng ta bảo vệ được quyền con người thì có tốn kinh phí cũng có thể xem xét”.

Bình đẳng phải từ chỗ ngồi

Đại biểu Nguyễn Thái Học phát hiện “tại điều 247 quy định mới về phòng xử án xác định phía trên của phòng xử án gồm vị trí ngồi của hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký tòa án, phía dưới của phòng xử án gồm vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng như người bào chữa, bị cáo, bị hại... Tôi cho rằng quy định như thế không phù hợp, đã có nhiều người đặt câu hỏi vì sao luật quy định kiểm sát viên, luật sư, bị cáo, bị hại... bình đẳng nhưng lại có người ngồi ở phía trên, có người ngồi ở phía dưới, ngay cả vị trí ngồi không công bằng thì trong tranh tụng có công bằng hay không?”. Ông Học cho rằng trước đây pháp luật chưa quy định thì lần này cần “xác định vị trí ngồi cho công bằng”.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) “nhận thấy vị trí chỗ ngồi của luật sư tại các phiên tòa hình sự hiện nay đều không ngang bằng với chỗ ngồi của kiểm sát viên, không thể hiện sự bình đẳng trong tranh tụng”. Đại biểu Hùng “đề nghị cần quy định vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên và người bào chữa đối diện và ngang bằng nhau”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cảm ơn các đại biểu đã đánh giá cao dự thảo bộ luật. Ông cho biết bộ luật có hơn 480 điều thì 460 điều là khung pháp lý phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chỉ có gần 30 điều liên quan quyền con người nhưng đây là các quy định mới nên thu hút sự quan tâm của dư luận và đại biểu Quốc hội.

“Chúng tôi đề nghị tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để bàn sâu hơn, kỹ hơn, có thể khi có đầy đủ thông tin thì sẽ quyết định khác” - ông Bình đề nghị. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận đề nghị này và cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tổ chức các hội nghị chuyên trách, chuyên đề như vậy để các đại biểu quan tâm đi sâu vào thảo luận, phân tích từng vấn đề của dự thảo bộ luật đồ sộ này.

Trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga

Cuối giờ chiều 17-6, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương đã trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga (Hà Nội).

Cách đây hơn năm tháng, ngày 7-1, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội đối với bà Nga thì cơ quan điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam ngay lập tức. Bà Nga bị bắt giam vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ luật hình sự. Hôm nay, Quốc hội thảo luận và chính thức bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Nga.

LÊ KIÊN

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên