Khởi tố vụ án phá nhà ông Vươn, ông QuýCần xem xét trách nhiệm lãnh đạo huyện Tiên LãngXem hồ sơ vụ cưỡng chế đất đai ở Hải Phòng trên TTONhân chứng “tố” huyện, xã thuê máy xúc phá nhà dân
Phóng to |
Phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Võ Văn Trác (thứ ba từ trái qua) thăm hỏi vợ con ông Quý, ông Vươn ngay trên nền đất của căn nhà hai tầng đã bị phá hủy - Ảnh: Thân Hoàng |
Cùng ngày, cơ quan điều tra kiểm tra hiện trường, xác minh, giám định tài sản đã bị phá hủy và mất trộm tại khu đầm sau khi huyện Tiên Lãng cưỡng chế ngày 5-1.
Phá nhà dân là hành vi trái pháp luật
Trong khoảng hai giờ, các cán bộ điều tra đã đo đạc diện tích ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Đoàn Văn Quý (em trai ông Đoàn Văn Vươn) đã bị phá hủy dù không nằm trong diện tích đất bị cưỡng chế, thu thập các chứng cứ để phục vụ công tác điều tra.
Trước đó trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho biết đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng Hải Phòng đề nghị khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can về tội “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.
Với tư cách là người tư vấn pháp luật, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình ông Đoàn Văn Vươn và ông Đoàn Văn Quý trong vụ việc thu hồi đất tại xã Vinh Quang, luật sư Bách cho rằng “việc phá hủy ngôi nhà cùng tài sản của gia đình ông Quý và ông Vươn là hành vi trái pháp luật, có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 Bộ luật hình sự với tính chất và mức độ đặc biệt nghiêm trọng, gây phản ứng, phẫn nộ và bức xúc rất lớn trong dư luận xã hội”.
Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, ngày 7-2 các nhân chứng Vũ Văn Kết, Vũ Văn Đoàn (anh trai Kết) và Đặng Văn Tài (ở xã Tiên Hưng, huyện Tiên Lãng) đã tố cáo việc điều máy xúc ra phá nhà ông Vươn, ông Quý ngày 6-1 là theo yêu cầu và chỉ đạo của các cán bộ huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang, cụ thể là ông Nguyễn Văn Khanh (phó chủ tịch UBND huyện, trưởng ban cưỡng chế), Phạm Đăng Hoan (bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang) và Lê Thanh Liêm (chủ tịch UBND xã Vinh Quang).
Tối 8-2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng xác nhận với Tuổi Trẻ về việc đã triệu tập Vũ Văn Kết, Đặng Văn Tài cùng ông Phạm Đăng Hoan và ông Lê Thanh Liêm để làm rõ những vấn đề mà Kết và Tài đã “tố” lãnh đạo huyện, xã chỉ đạo phá nhà ông Vươn, ông Quý trên báo chí.
Quyết định đình chỉ cán bộ chưa “về” đến Tiên Lãng
Chiều 8-2, hàng chục nhà báo đến Huyện ủy Tiên Lãng đề nghị gặp bí thư huyện ủy Bùi Thế Nghĩa để tìm hiểu việc triển khai kết luận của Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng. Phó chánh văn phòng huyện ủy cho biết bí thư bận nhiều việc, không thể gặp được. Tuổi Trẻ liên lạc với ông Nghĩa qua điện thoại, ông chỉ nói ngắn gọn: “Chúng tôi đang chờ chỉ đạo của TP, mới chỉ biết thông tin qua báo chí thế thôi chứ chưa nhận được văn bản chính thức đâu...”.
Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đan Đức Hiệp - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết UBND TP đã giao các cơ quan chuyên trách làm việc, hoàn tất các thủ tục để quyết định đình chỉ công tác đối với phó bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền và phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khanh - người trực tiếp lãnh đạo tổ chức cưỡng chế thu hồi đất - để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân.
Cùng ngày, đoàn công tác của Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam do PGS.TS Võ Văn Trác - phó chủ tịch hội, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy sản - làm trưởng đoàn đã đến khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn để tiếp tục thu thập tài liệu, tìm hiểu thông tin về vụ việc và nghe ý kiến, nguyện vọng của Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng. Ông Trác nhận định qua những tài liệu ban đầu thể hiện chính quyền huyện đã giao và thu hồi nhiều khu đầm ở Tiên Lãng không đúng luật.
Đánh giá về những kết luận ban đầu của Thành ủy Hải Phòng, ông Trác cho rằng: “Kết luận của TP đúng nhưng chưa giải quyết tận gốc vấn đề. Cần phải chỉ ra rõ việc giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế sai ở đâu, cơ quan nào, cá nhân nào chịu trách nhiệm”.
Xin dự cuộc họp của Thủ tướng
Ngày 8-2, ông Lương Văn Trong - phó chủ tịch Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng - thay mặt ban chấp hành liên chi hội này ký đơn bày tỏ nguyện vọng được tham dự cuộc họp do Thủ tướng chủ trì (dự kiến ngày 10-2).
Trong lá đơn trên, liên chi hội cho rằng “buổi làm việc của Thủ tướng liên quan trực tiếp đến quyền lợi của toàn bộ thành viên của liên chi hội nói chung và của ông Đoàn Văn Vươn nói riêng”, vì vậy đề nghị Thủ tướng cho phép đại diện của liên chi hội là ông Vũ Văn Luân cùng các luật sư Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Duy Minh tham dự cuộc họp.
Cũng trong lá đơn này, liên chi hội bày tỏ sự chưa hài lòng với quyết định kỷ luật cán bộ của Thành ủy Hải Phòng. “Đúng ra người đầu tiên bị kỷ luật, cách chức, khai trừ khỏi đảng phải là ông Bùi Thế Nghĩa - bí thư Huyện ủy Tiên Lãng.
Bởi ông Nghĩa phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên trước Đảng vì đã để xảy ra một vụ việc nghiêm trọng như vậy” - lá đơn viết.
Ngoài ra, lá đơn còn đòi cơ quan chức năng cần xem xét, cách chức, buộc thôi việc, khai trừ đảng những người khác liên quan gồm: trưởng Phòng tài nguyên - môi trường Phạm Xuân Hoa, trưởng Phòng tư pháp Vũ Văn Hè, chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Ngọc Khánh, trưởng Ban tuyên giáo Vũ Hồng Chuân, bí thư đảng ủy xã Vinh Quang Phạm Đăng Hoan và truy tố chủ tịch UBND xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm.
Liên chi hội cho rằng các cán bộ trên không thể không chịu trách nhiệm về các quyết định thu hồi đất, cưỡng chế cũng như các phát ngôn không chính xác sau sự việc xảy ra ngày 5-1.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Văn Trong cho rằng sở dĩ liên chi hội đưa ra các kiến nghị trên là muốn sự việc được xử lý dứt điểm, đúng bản chất, để lấy lại niềm tin của những người nuôi trồng thủy sản cũng như toàn dân huyện Tiên Lãng. “Kỷ luật ông Lê Văn Hiền (chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - PV) là đúng, nhưng trên ông Hiền là sự chỉ đạo của huyện ủy mà ông Nghĩa là người đứng đầu, dưới ông Hiền là bộ máy tham mưu đã đề xuất và thực hiện các quyết định, việc làm sai trái. Như vậy, những người liên quan cần nhận mức kỷ luật thỏa đáng” - ông Trong đề nghị.
Đặc biệt, nội dung đơn có đoạn: “Chúng tôi không hài lòng với việc Thành ủy Hải Phòng đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Khanh - phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, vì ông Khanh là người đã phản đối việc làm của ông Lê Văn Hiền. Chúng tôi cho rằng Huyện ủy, UBND huyện Tiên Lãng buộc ông Khanh làm trưởng đoàn cưỡng chế là có vấn đề không lành mạnh, cần xem xét”.
Luật sư Nguyễn Duy Minh, Đoàn luật sư TP.HCM: Luật sư không được tham gia từ đầu Ông Đoàn Văn Vươn cùng ba người thân bị khởi tố về tội “giết người” theo điều 93 Bộ luật hình sự. Điều khoản này quy định mức khung hình phạt cao nhất có thể là tử hình nên theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì cần phải có sự tham gia của luật sư bào chữa cho bị can ngay từ giai đoạn khởi tố điều tra. Sự việc xảy ra đã hơn một tháng nhưng đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa cấp giấy chứng nhận cho luật sư bào chữa của ông Vươn cùng những người bị khởi tố điều tra trong vụ án này là vi phạm luật tố tụng và thông tư 70/2011/TT-BCA. Bởi theo quy định của thông tư 70 thì ngay khi tống đạt quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra đã phải giải thích về quyền có luật sư của bị can. Ngay trong lần hỏi cung đầu tiên đối với bị can, luật sư của họ phải được tham gia thì mới đúng. Ngoài ra, diễn biến vụ việc này cho thấy hành vi vi phạm của ông Vươn cùng ba người thân có nguyên nhân xuất phát từ những việc làm sai trái của chính quyền địa phương trong việc cưỡng chế, thu hồi đất đang giao cho gia đình ông. Thế nhưng ông Vươn cùng người thân lại bị khởi tố về hành vi “giết người” là không chính xác. Theo tôi, hành vi của ông Vươn cùng những người thân trong vụ này mang dấu hiệu của tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” theo điều 95 của Bộ luật hình sự, chứ không phải tội “giết người” theo điều 93. Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của các bị can trong vụ án này chính là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của những người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, vụ án này có nhiều tình tiết, diễn biến phức tạp, hành vi vi phạm của ông Đoàn Văn Vươn cùng người thân có nguyên nhân xuất phát chính là từ sai phạm của chính quyền địa phương. Dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án này và cách giải quyết của các cơ quan đối với các sai phạm của chính quyền địa phương. Chính quyền xã và huyện Tiên Lãng có sai phạm lại giao các cơ quan tố tụng của Hải Phòng điều tra vụ án thì rất dễ có dư luận không hay về việc đảm bảo khách quan của vụ việc. Chính vì thế, theo tôi, để tạo sự tin tưởng của người dân, đảm bảo tính khách quan của vụ việc thì trong trường hợp này, căn cứ tính chất phức tạp vụ việc, Bộ Công an nên trực tiếp vào cuộc để điều tra vụ án này. C.MAI ghi Báo cáo Thủ tướng kết quả thanh tra tại Tiên Lãng Chiều 8-2, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển xác nhận bộ đã báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra việc giao đất, thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Ông Hiển nói: “Sau phiên họp do Thủ tướng chủ trì tới đây, các nội dung đúng sai của huyện Tiên Lãng thế nào, Văn phòng Chính phủ công bố rộng rãi”. Liên quan đến vụ việc tại Tiên Lãng, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều quyết định giao đất của UBND huyện Tiên Lãng cho các hộ dân đều ghi rõ là giao đất vào mục đích nuôi trồng thủy sản, tức là đất nông nghiệp. Các chính sách thuế được Chi cục Thuế huyện Tiên Lãng áp dụng với các hộ dân cũng theo thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nhiều hộ dân ở các xã Vinh Quang, Tây Hưng, Đông Hưng, Hùng Thắng (huyện Tiên Lãng) cho Tuổi Trẻ biết nhiều năm qua, năm nào cơ quan thuế của huyện cũng có biên bản quyết toán thuế sử dụng đất nông nghiệp của từng hộ có đất nuôi trồng thủy sản. Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 8-2, một chuyên gia am hiểu Luật đất đai 1987 và từng tham gia xây dựng Luật đất đai 1993 (ông đề nghị không nêu tên - PV) cho biết: “Đã là đất nông nghiệp thì chính sách giao đất nông nghiệp cho người dân sản xuất rất cởi mở. Do vậy, cho dù là theo nghị định 64 hay không thì đã là giao đất nông nghiệp, Luật đất đai quy định phải theo đủ thời hạn 20 năm. Làm khác như vậy là trái luật”. XUÂN LONG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận