TS Nguyễn Kim Quang - Ảnh: T.H |
* TS Nguyễn Kim Quang (phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM):
Cần cân nhắc thêm tiêu chí phụ
Tôi dự đoán điểm sàn ĐH năm nay nhiều khả năng bằng hoặc thấp hơn năm trước một chút.
Theo phổ điểm vừa được Bộ GD-ĐT công bố, số thí sinh đạt điểm trên 8 ở các môn nhìn chung không cao bằng năm trước. Vì vậy, khả năng điểm của tổ hợp các môn xét tuyển ở những ngành “nóng” ở khối A, B có khả năng không cao như năm 2015.
Tuy nhiên, ở mức 22-24 điểm, khả năng số thí sinh đạt cùng mức điểm ở một số ngành sẽ rất nhiều và khi đó các trường sẽ áp dụng thêm tiêu chí phụ khi xét tuyển.
Như vậy, đối với thí sinh muốn xét tuyển vào các ngành này, ngoài mức điểm mình có, cần cân nhắc thêm tiêu chí phụ có thuận lợi không. Bên cạnh đó, cần chọn dự phòng một ngành học mình chấp nhận được để học tập có mức điểm thấp hơn, để có cơ hội trúng tuyển ngay đợt 1. Với những ngành thu hút thí sinh, khả năng rất cao các trường sẽ tuyển đủ ngay đợt 1.
Riêng đối với khối A1, những năm trước nhiều trường lấy điểm chuẩn khối A, A1 bằng nhau, năm nay thí sinh có sở trường ở khối A1 khả năng sẽ khó khăn hơn. Nhưng với những trường xác định điểm chuẩn khối A1 riêng thì điểm năm nay sẽ thấp hơn.
TS Lê Chí Thông - Ảnh: T.H |
* TS Lê Chí Thông (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM):
Điểm sàn sẽ tương đương năm ngoái
Phổ điểm của thí sinh cả nước năm nay khá giống phổ điểm của thí sinh thi cụm Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) chủ trì. Tôi dự đoán khả năng điểm sàn ĐH năm nay sẽ tương đương năm 2015 là 15 điểm hoặc cũng có thể giảm 0,5 điểm.
Các trường xác định điểm chuẩn theo tỉ lệ phần trăm xếp hạng dựa trên mức điểm của thí sinh và sẽ lấy 30% thí sinh tốp đầu của khối thi. Nhìn vào phổ điểm các môn khối A (toán, lý, hóa) ở tốp đầu, nhiều khả năng mức điểm chuẩn nhiều ngành sẽ là 21-21,75 điểm.
Đối với những trường tuyển khối A và A1 với điểm chuẩn khác nhau thì nhiều khả năng điểm của khối A1 năm nay sẽ thấp hơn khối A. Riêng đối với Trường ĐH Bách khoa, dự báo điểm chuẩn các ngành năm nay có thể giảm từ 0,5-1,5 điểm.
Ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường năm trước là 25,25 điểm nhưng nhìn vào phổ điểm năm nay, số thí sinh đạt mức này ở khối A chiếm tỉ lệ rất thấp. Tuy nhiên, đối với khối A1, trường chúng tôi sẽ lấy bằng mức điểm chuẩn khối A.
TS Trần Đình Lý - Ảnh: NHƯ HÙNG |
* TS Trần Đình Lý (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):
“Từ sàn đến chuẩn” đều có ảnh hưởng
Việc xác định điểm sàn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có chỉ tiêu vào ngành theo tổ hợp xét tuyển.
Tuy nhiên, nhiều trường ĐH sẽ không chấp nhận điểm thấp vào một ngành đó. Ví dụ cùng vào một ngành học xét tuyển hai tổ hợp khối A, A1, nếu nguồn tuyển khối A lớn hơn thì điểm chuẩn của khối này sẽ cao hơn và chỉ tiêu dành cho khối A1 sẽ ít lại.
Theo tôi, cần cân nhắc mức điểm sàn các khối cho phù hợp để có đủ nguồn tuyển. Vì vậy rất có thể điểm sàn khối A, B: 15 điểm; A1, D1: 14-14,5 điểm.
Phổ điểm cho thấy điểm môn ngoại ngữ năm nay rất thấp. Điểm môn sử cũng rất thấp. Về góc độ quản lý, từ những con số biết nói này chắc chắn một điều rằng năm nay "từ sàn đến chuẩn" đều có ảnh hưởng. Các tổ hợp xét tuyển có môn ngoại ngữ và môn sử chắc chắn sẽ thấp hơn nếu muốn đủ nguồn tuyển.
ThS Phạm Thái Sơn - Ảnh: T.H |
* ThS Phạm Thái Sơn (phó phòng tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):
Điểm chuẩn khối B dự kiến giảm
Phổ điểm năm 2016 có tính phân hóa cao hơn. Số lượng thí sinh dự thi tại cụm do ĐH chủ trì giảm xuống, đồng thời chỉ tiêu tuyển sinh các trường ĐH đạt ngưỡng trên 420.000 sinh viên.
Qua cộng dồn cơ học, số lượng thí sinh đạt ngưỡng tổ hợp môn truyền thống các khối A, A1, D, B, C đạt mức từ 15 điểm trở lên cũng không cao hơn nhiều so với tổng chỉ tiêu của các trường (phần này không có số lượng chính xác nên chỉ cộng theo mức trong biểu đồ) và chưa loại bỏ thí sinh trùng lặp.
Chính vì lý do đó nên có thể nhận định sơ bộ: ngưỡng điểm cơ bản đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) sẽ tương đương năm 2015 hoặc có thể giảm đôi chút. Với ngưỡng điểm khoảng 14-15 thì các trường ĐH có khá nhiều thí sinh cho nguồn tuyển của mình.
Đối với các trường nhóm sức khỏe thường xét điểm khối B sẽ có điểm chuẩn giảm hơn một chút so với năm ngoái và đồng thời không cần dùng tiêu chí phụ để xác định trúng tuyển. Các trường, các ngành năm 2015 có ngưỡng điểm trúng tuyển từ 22-24 điểm, năm nay sẽ có xu hướng giảm mạnh hơn, khoảng giảm có thể ở mức 1,5 điểm, từ mức 17-20 điểm sẽ giảm khoảng 1-1,5 điểm.
ThS Trần Văn Châu |
* ThS Trần Văn Châu (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):
Khối D có thể giảm
Mặt bằng điểm thi của thí sinh năm nay nhìn chung thấp hơn năm trước. Ở tổ hợp văn - sử - địa, điểm văn và địa tương đối nhưng điểm sử rất thấp kéo theo điểm của tổ hợp này không cao. Ở tổ hợp toán - văn - ngoại ngữ, điểm môn tiếng Anh thấp hơn năm 2015 nên điểm trung bình của tổ hợp này cũng thấp hơn.
Do vậy, tôi nghĩ ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay sẽ có thay đổi, trong đó tổ hợp toán - văn - tiếng Anh có thể sẽ giảm.
ThS Trương Tiến Sĩ - Ảnh: Facebook cá nhân |
* ThS Trương Tiến Sĩ (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM):
Hai tổ hợp toán - lý - tiếng Anh và toán - văn - tiếng Anh sẽ giảm
Thống kê cho thấy phổ điểm năm 2015 tập trung quanh mức từ 6,5 đến 7,5 trong khi năm nay số điểm phổ biến tập trung ở mức từ 5,5 đến 6,5, giảm khoảng 1 điểm. Năm nay điểm 7 trở lên khá ít trong khi năm ngoái lượng thí sinh đạt từ 7,5 điểm/môn trở lên khá nhiều.
Trong các tổ hợp cơ bản thì hai tổ hợp toán - lý - tiếng Anh và toán - văn - tiếng Anh có phổ điểm giảm hẳn so với năm trước. Hơn nữa, năm nay lượng thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH giảm so với năm 2015. Chỉ tiêu các trường ĐH khoảng 420.000 trong khi số lượng thí sinh dự thi chỉ khoảng 550.000, chưa kể số thí sinh bị rớt tốt nghiệp.
Do vậy, tôi nghĩ rằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ giảm, đặc biệt là hai tổ hợp toán - lý - tiếng Anh và toán - văn - tiếng Anh sẽ giảm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận