Canh mồng tơi tôm khô, canh xương măng, ngọn su su xào tỏi, gà rang xả ớt, thịt luộc chấm mắm tép… là những món ngon Việt Nam được chị Đỗ Thùy Linh đang sinh sống tại thành phố Toulouse nấu cho cả gia đình tại Pháp. Những mâm cơm đặc biệt này nhận được triệu like từ dân mạng vì quá ngon và nịnh mắt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Linh cho biết đây là những mâm cơm có giá dưới 10 euro được cô nấu cho gia đình 2-3 người. Khi còn sống ở Việt Nam, chị đã yêu thích việc nấu ăn và chăm chút cho từng bữa cơm hằng ngày. Khi chuyển sang Pháp sinh sống cùng chồng, chị vẫn giữ thói quen nấu những bữa cơm Việt đậm đà hương vị quê nhà.
Việc nấu cơm Việt không diễn ra hằng ngày vì chồng Linh sinh ra và lớn lên tại Pháp, nên vẫn cần xen kẽ nấu những món Tây. Tuy thế, trong tuần gia đình ăn cơm Việt khoảng 3-4 lần.
"Sống xa nhà, chẳng cần sơn hào hải vị hay món gì cao sang, cứ nhìn thấy cơm canh rau dưa thì tôi lại thèm", chị Linh nói.
Theo chị Linh, ở nước ngoài, nguyên liệu nấu đồ ăn Việt rất khó kiếm. Ở quê nhà, chị chỉ cần tạt vào khu chợ ven đường vẫn có thể mua đủ đồ nấu một bữa cơm đơn giản. Còn ở Pháp, các siêu thị không đầy đủ gia vị nên Linh phải trữ nhiều gia vị nấu ăn, các nguyên liệu đặc trưng của món Việt trong nhà.
Nàng dâu xa xứ cho biết rau kiểu Việt thì hầu như các chợ Tây đều rất hiếm, đi chợ Á lại xa. "Có hôm tôi lướt Facebook thấy tô canh cá chua, thèm quá. Nhà lúc ấy lại thiếu rau ngổ, bát canh không thể tròn vị. Tôi nghĩ đến cảnh lái xe 30-40 phút mới có thể mua được nên đành nhịn thèm.
Từ đó, tôi quyết định trồng một số loại gia vị đơn giản trong nhà, sau đó rửa sạch cất ngăn đông, bảo quản cẩn thận trong tủ lạnh để ăn cả tuần", chị nói.
Mỗi khi đi chợ, về chế biến, chị quấn khăn khô để rau không bị nhũn, rồi cất ở ngăn mát chuyên dành cho rau. Rau gia vị có thể rửa sạch, thái nhỏ cất ngăn đá, lúc nấu chỉ việc thả vào.
Chị còn biến tấu để mâm cơm phù hợp với các nguyên liệu ở Pháp. Có lúc hũ mẻ nhà nuôi chưa kịp ngấu mà thèm giả cầy quá, chị liền dùng sữa chua không đường thay thế. Hôm khác, Linh thèm bánh khúc nhưng để có lá khúc quanh năm thì hoàn toàn không thể, chị liền thay bằng cải Kale có mùi vị cũng rất thơm ngon.
"Ở Pháp, mọi người thích ăn ức gà hơn đùi gà, nên giá ức gà cũng đắt hơn hẳn. Trong khi đó, tôi thích ăn thịt đùi, nên tiết kiệm kha khá một khoản tiền mua gà. Tôi còn mua gà già để nấu phở và kho thịt, ăn vừa dai, vừa ngon mà giá rất rẻ. Tôi thường xem các chương trình khuyến mãi ở siêu thị để từ đó lên kế hoạch mua món nào rẻ để dự trữ ăn dần", chị nói.
Người Pháp rất thích đồ ăn Việt
Linh chia sẻ người Pháp rất hứng thú với đồ ăn Việt, đặc biệt là món nem rán, bún thịt nướng. Linh thường xuyên mời bạn bè và họ hàng người Pháp tới nhà để thưởng thức món Việt.
Có lần, chị tổ chức sinh nhật cho ba chồng với nhiều khách mời là người Pháp. Một cặp vợ chồng bạn của ông lái xe mấy trăm cây số tới dự. Khi ăn cơm, vị khách cứ xuýt xoa nói với ba Linh: "Tụi tôi đến tất nhiên để dự sinh nhật ông, nhưng quan trọng nhất là biết đến đây chắc chắn sẽ được ăn đồ Việt ngon".
Còn chồng Linh mỗi lần được ăn món gì ngon đều trêu vợ: "May quá, lấy được vợ chịu nấu ăn cho".
Sang Pháp 5 năm, năm nào Tết chị cũng gói bánh chưng. Trước đó ở Việt Nam, chị chưa bao giờ gói bánh. Khi bắt đầu và duy trì truyền thống này ở Pháp để đỡ nhớ quê hương, Linh rất hạnh phúc và tự hào. Mâm cơm Tết của nhà chị cũng đầy đủ các món Việt như xôi gấc, nem rán, canh măng, nộm xu hào, giò chả như những mâm Tết cổ truyền mà mọi người thường làm.
"Qua những mâm cơm Việt Nam này, tôi muốn giao lưu và cùng mọi người thảo luận về các món ăn, giá cả đồ ăn ở nơi mình sinh sống.
Dù đi tới đâu thì những món ăn Việt đối với người Việt vẫn luôn đặc biệt nhất. Bữa cơm nhà đối với tôi luôn rất đặc biệt. Đó là nơi thể hiện tình cảm của người nấu qua từng món ăn đối với các thành viên trong gia đình. Mỗi người lớn lên cùng với mâm cơm gia đình, có lẽ cũng có một chút tư vị hạnh phúc", chị nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận