12/12/2015 06:30 GMT+7

Khóc thét giữa phố vì phải nhịn... "xả"

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG

TTO - " Con gái tôi khóc thét khi tôi tìm mãi không thấy nhà vệ sinh công cộng" - chị Đoàn Thu Hoài bức xúc. Còn nhiều bạn đọc khác thú nhận đôi khi mình phải xả bậy... vô tường.

Nhà vệ sinh trong công viên Hoàng Văn Thụ - Ảnh: Tài Phong
Nhà vệ sinh trong công viên Hoàng Văn Thụ - Ảnh: Tài Phong

Vòng quanh nhiều tuyến đường trong thành phố, đỏ mắt chúng tôi mới tìm thấy một nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên cái mọi người thường thấy là chữ " cấm đái", "cấm đái bậy", "cấm tiểu bậy"... trên tường rào nhiều căn nhà, trường học, cơ quan, cột điện gần nhà dân.

Trên địa bàn TP.HCM có 208 nhà vệ sinh công cộng (NVSCC), theo số liệu của Sở Giao thông vận tải TP.HCM. Thấy gì qua con số 208 nhà vệ sinh công cộng trên 8 triệu dân? 

Địa điểm phân bố NVSCC chủ yếu là công viên, bến xe, địa điểm thu hút khách du lịch.

Nhiều người nhìn vào con số 208/8 triệu cho rằng sao có thể “khiêm tốn” đến vậy, trong khi tiểu tiện là nhu cầu cơ bản của mọi người.

5 con đường mới có 1 nhà vệ sinh công cộng?

Rất nhiều bạn đọc bức xúc trước câu chuyện ở TP văn minh mà tìm nhà vệ sinh công cộng thật khó.

Chị Thanh Hà (Q.Tân Bình) kể nhiều lần đi chơi cùng bạn bè, cả nhóm sau đi ăn uống thì có nhu cầu đi vệ sinh nhưng rất khó để tìm chỗ khi đang ở ngoài đường.

“Đến khi tìm được NVSCC gần công viên thì lại khóa cửa hoặc tạm ngưng để sửa chữa. Thế là toàn phải vào quán nước mua đại một cái gì đó để xin đi nhờ nhà vệ sinh”, chị Hà kể.

Tương tự, anh Hữu Chơn (Q.9, TP.HCM) cho biết đã nhiều lần tìm mỏi mắt không ra nên đành ghé vào chợ, siêu thị hay bệnh viện nào đó, chịu tốn tiền gửi xe để “giải quyết tồn đọng”.

Anh Chơn làm một phép toán: Nếu “ưu tiên” hết 208 NVSCC cho khu vực nội ô thì cũng chỉ đạt 1 NVSCC/1,5 km2.

“Trung bình cứ 5 con đường lớn nhỏ mới có một NVSCC, quả là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người đi đường. Nhiều tuyến đường khá dài, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông rất dày nhưng không có hoặc quá ít NVSCC.

Ngay cả đường Phạm Văn Đồng đẹp và rộng là thế vậy mà vẫn thiếu NVSCC. Trong khi có nơi lại bố trí NVSCC rất gần nhau, dẫn đến lãng phí do hoạt động không hết công suất. Đây chính là điểm yếu của sự phát triển đô thị”, anh Hữu Chơn nhận xét.

Có cùng suy nghĩ này, anh Thái Hoàng (Q.Tân Phú, TP.HCM) cho rằng số lượng quá khiêm tốn NVSCC chính là một phần nguyên nhân gây nên hiện trạng đứng đường... tiểu bậy.

“Thực tế cho thấy, nhiều người đành “nhắm mắt xuôi tay” xả trước “bước đường cùng” khi mà để tìm thấy NVSCC là cả một vấn đề" - anh Thái Hoàng viết.

Người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ việc thiếu thốn NVSCC có lẽ là những người mua ve chai, bán vé số dạo, lao động tự do và khách du lịch.

Nhiều người cho rằng một nghịch lý hiện nay là tiểu tiện bừa bãi thì bị phạt nhưng lại chẳng tạo điều kiện, bố trí đủ NVSCC cho mọi người đi đúng nơi.

Ngoài ra, bản đồ NVSCC cũng là điều cần thiết phải phổ biến cho mọi người, nhất là du khách được biết. Bởi không phải ai cũng biết ở đâu có NVSCC và phải đi bao xa thì đến NVSCC gần nhất.

Ý kiến của 100 người - Đồ họa: Tấn Đạt
Ý kiến của 100 người - Đồ họa: Tấn Đạt

Xây NVSCC ra sao?

Theo tiến sĩ, kiến trúc sư (TS.KTS) Lê Văn Năm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP. Hồ Chí Minh số lượng NVSCC ở TP.HCM hiện nay là quá ít và cần phải đầu tư hơn nữa để để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nên thu phí để người dân có ý thức khi sử dụng

Thu phí tượng trưng 1.000 đồng/lượt để gắn trách nhiệm của người dân khi sử dụng, giáo dục người dân ý thức giữ gìn vệ sinh chung sẽ tốt cho cộng đồng và chính họ, nhưng nên miễn phí đối với người bán vé số, mua ve chai, người khuyết tật.

HỮU CHƠN

Theo KTS Lê Công Sĩ, trước đây người ta hay tính số lượng NVSCC theo tỉ lệ đầu người trong khu dân cư nói riêng hay đô thị nói chung, tuy vậy cách tính này ngày nay dường như đã lỗi thời với các đô thị phát triển nhanh chóng và có nhiều dân nhập cư và du khách như TPHCM và các đô thị lớn khác.

“Số lượng NVSCC vì thế khó xác định bao nhiêu là đủ, và cũng không nên xem số lượng là thước đo mà sự hài lòng của người sử dụng nó mới là yếu tố tiên quyết”, KTS Lê Công Sĩ nhận định.

“Đừng ngại vấn đề tốn kém mà không làm vì đây là đầu tư lâu dài cho thành phố chúng ta”, KTS Lê Văn Năm nói.

Về cách làm, KTS Lê Văn Năm cho rằng có thể vừa kết hợp xây mới vừa động viên, khuyến khích người dân cùng làm. Với những cách làm đồng bộ này mới mong có thể tăng cường mạng lưới NVSCC đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách đến TP.HCM.

Trước hết, tại những địa điểm thật sự cần thiết phải xây dựng mà không tìm được vị trí xây dựng trên bề mặt thì có thể làm ngầm.

“Có thể làm dạng nửa chìm, nửa nổi hoặc làm ngầm hẳn như các nước vẫn làm”, KTS Lê Văn Năm nói.

Thứ nữa là huy động các chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn…. cùng chung tay vào việc này bằng cách cung cấp NVS có sẵn của họ để người dân sử dụng. Nhà nước sẽ có chính sách động viên và sự vinh danh, tưởng thưởng hoặc miễn giảm nào đó phù hợp dành cho những chủ cơ sở này.

Bên cạnh đó, theo KTS Lê Văn Năm, có thể khuyến khích người dân trên các tuyến phố xây dựng, tổ chức NVSCC và tiến hành thu phí theo quy định.   

Góp thêm ý kiến, KTS Lê Công Sĩ cho rằng hoàn toàn có thể tổ chức thi thiết kế, sau đó mang những phương án đoạt giải đem áp dụng đại trà mà không nhất thiết phải thiết kế riêng lẻ vừa vụn vặt vừa tốn kém không cần thiết.

“Rất nhiều NVSCC đang hoạt động đã lỗi thời, quy mô nhỏ, không thân thiện (không có thiết kế cho người khuyết tật sử dụng được), không có chỗ để xe… NVSCC thiết kế mới vì vậy cần khắc phục các hạn chế này”- KTS Lê Công Sĩ nói.

Nhịn tiểu tiện gây ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe

Bác sĩ (BS) Trần Ngọc Lưu, chuyên khoa Nhi cho biết nếu nhịn đi vệ sinh quá lâu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trẻ, cả về vấn đề tâm lý và sức khỏe.

“Nếu trẻ nhịn thời gian dài, quá giới hạn chịu đựng, trẻ có thể đi ngay trước mặt người khác. Điều này khiến cho trẻ cảm giác sợ, có lỗi và trực tiếp gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, mặc dù không phải lỗi do trẻ gây ra”, BS Ngọc Lưu nói.

Về mặt sức khỏe, nếu nhịn tiểu trong thời gian dài, khi trẻ đi lại sẽ có cảm giác đau buốt. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng tiểu. Nhịn đại tiện quá lâu thì dễ ảnh hưởng đến đường ruột và gây ra tình trạng táo bón kéo dài.

Ngoài ra, nếu nhà vệ sinh không đảm bảo vệ sinh đôi khi sẽ khiến trẻ sợ và nhịn đi, từ đó dẫn đến những ảnh hưởng về mặt sức khỏe.

Thứ nữa, nếu NVSCC bẩn thỉu là nơi lưu trữ rất nhiều mầm bệnh về nhiễm trùng và tiêu hóa. Thậm chí là bệnh lý về truyền nhiễm nguy hiểm như lỵ, dịch tả.

“Mầm bệnh không chỉ ở bồn cầu mà còn các khu vực xung quanh, nhất là tay nắm cửa của nhà vệ sinh”- bác sĩ Lưu nói.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Anh Hữu Chơn

>> KTS Lê Văn Năm

>> KTS Lê Công Sĩ

>> BS Trần Ngọc Lưu

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục