Đầu tuần này EU đã ký các hợp đồng chính thức khởi động dự án xây dựng hạ tầng "Chòm sao vệ tinh" dành riêng cho truy cập Internet tốc độ cao.
Với kế hoạch xây dựng một mạng lưới đa quỹ đạo gồm gần 300 vệ tinh, dự án IRIS² đặt mục tiêu cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh của Mỹ như Starlink của tỉ phú Elon Musk và dự án Kuiper của Amazon.
Cột mốc lịch sử
Chòm sao IRIS² - viết tắt của Infrastructure for Resilience, Interconnectivity and Security by Satellite (Cơ sở hạ tầng dành cho khả năng phục hồi, kết nối và bảo mật bằng vệ tinh) - sẽ gồm hàng trăm vệ tinh ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp và các vệ tinh khác ở quỹ đạo Trái đất tầm trung.
Việc đặt các vệ tinh liên kết với nhau vào các quỹ đạo khác nhau như thế sẽ cho phép chòm sao hoạt động an toàn, nhanh chóng và duy trì kết nối liên tục mà không cần hàng ngàn vệ tinh. Một lớp bổ sung ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp cung cấp thêm các dịch vụ cũng sẽ được phát triển.
Với ngân sách ước tính 10,6 tỉ euro (11,1 tỉ USD), IRIS² sẽ cho phép liên lạc an toàn phục vụ các mục đích quân sự, quốc phòng và ngoại giao. Hệ thống này còn có thể được dùng để giám sát, kết nối ở các khu vực bị thiên tai và cung cấp truy cập băng thông rộng thương mại.
"Trong một thế giới địa chính trị ngày càng phức tạp, việc đảm bảo hoạt động liên lạc của chính phủ nhanh chóng, an toàn và bền vững là điều cần thiết", Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Josef Aschbacher bình luận.
ESA đang hỗ trợ phát triển dự án IRIS² thông qua hợp đồng ký với Tập đoàn công nghiệp SpaceRISE do Ủy ban châu Âu lựa chọn. Ủy ban châu Âu đã ký hợp đồng nhượng quyền kéo dài 12 năm với Tập đoàn SpaceRISE. Một hợp đồng thứ hai giữa ESA và Tập đoàn SpaceRISE cũng đã được ký kết.
Hệ thống Internet vệ tinh này được phát triển theo hình thức hợp tác công - tư, sẽ phục vụ cả chính phủ và khách hàng tư nhân. Trong số tổng chi phí 10,6 tỉ euro, EU sẽ góp 6 tỉ euro, ESA tài trợ 550 triệu euro và khu vực tư nhân cung cấp hơn 4 tỉ euro. ESA đóng vai trò chủ chốt trong IRIS².
Theo hợp đồng nhượng quyền kéo dài 12 năm, ESA sẽ giám sát các hoạt động phát triển do tập đoàn công nghiệp nói trên thực hiện. "Việc ký kết IRIS² là một cột mốc lịch sử đối với ngành vũ trụ châu Âu", ông Miguel Angel Panduro, giám đốc điều hành Công ty Hispasat, nhận định.
Để không quá phụ thuộc Starlink
Dự án của EU được khởi động trong bối cảnh Starlink - mạng lưới phủ sóng Internet tốc độ cao bằng vệ tinh thuộc Công ty SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk - đang thống trị lĩnh vực chòm sao vệ tinh lớn.
Starlink hiện vận hành một chòm sao gồm hơn 7.000 vệ tinh ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Trong khi đó các đối thủ như dự án Kuiper của Amazon và chương trình Internet quỹ đạo Trái đất tầm thấp của Trung Quốc đang tăng tốc.
Động lực chính khiến EU khởi động dự án trên là nỗi lo của khối này về việc quá phụ thuộc vào Starlink cũng như "một Elon Musk thất thường". Người ta thấy được mối nguy hiểm này ngay trong xung đột Nga - Ukraine, khi hệ thống Internet vệ tinh Starlink được cho là đã chặn quyền truy cập của Ukraine trong một cuộc phản công quan trọng.
"Chúng ta không thể để mình quá phụ thuộc", ủy viên EU về quốc phòng và không gian Andrius Kubilius nói.
"Điều cực kỳ quan trọng đối với châu Âu là phải có năng lực chủ quyền (sovereign capacity) và Starlink sẽ không bao giờ làm được điều đó", bà Eva Berneke, giám đốc điều hành Công ty Eutelsat, nói.
Tuy nhiên, trang Politico nhận định động thái của EU "khó có thể khiến Elon Musk mất ngủ" bởi dự án này thời gian qua đã đối mặt với nhiều vấn đề về trì hoãn và chi phí phát sinh. Ủy ban châu Âu trước đây hứa hẹn IRIS² sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay, nhưng đầu tuần này giới chức EU nói mục tiêu đặt ra là năm... 2031.
Giờ đây khi các hợp đồng đã được ký kết, giai đoạn thiết kế sẽ bắt đầu. Các vệ tinh dự kiến sẽ được phóng vào năm 2029 với 13 sứ mệnh sử dụng tên lửa đẩy Ariane 6 của châu Âu.
Trung Quốc cũng cạnh tranh Internet vệ tinh với Starlink
Hôm 16-12, Trung Quốc phóng những vệ tinh đầu tiên trong dự án chòm sao vệ tinh quy mô lớn GuoWang (Quốc Võng) từ sân bay vũ trụ Văn Xương. GuoWang lần đầu được biết đến vào năm 2020 khi Trung Quốc nộp hồ sơ lên Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về dự án chòm sao vệ tinh gồm gần 13.000 vệ tinh.
Được coi là phiên bản Trung Quốc sử dụng để đối trọng với Starlink của SpaceX (Mỹ), GuoWang mang sứ mệnh cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng toàn cầu, đồng thời đáp ứng các mục tiêu an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận