09/11/2014 09:21 GMT+7

​Khoảng trống trong tái cơ cấu kinh tế

GS Nguyễn Ngọc Trân
GS Nguyễn Ngọc Trân

TT - Theo dõi báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phát biểu của các đại biểu Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế những ngày qua, tôi cảm thấy băn khoăn vì những khoảng trống

Đó là thiếu phần phân tích hiện trạng, chỉ ra các nguyên nhân của các ưu, khuyết về tái cơ cấu kinh tế. Không có công đoạn này, tái cơ cấu sẽ thiếu nền tảng vững chắc và có nguy cơ căn bệnh cũ tái phát trong cơ cấu mới.

GS Nguyễn Ngọc Trân - Ảnh tư liệu

Hội nghị trung ương 3 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đặt ra nhiệm vụ tái cơ cấu tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.

Báo cáo giám sát và các phát biểu đi vào từng lĩnh vực nhưng thiếu hẳn phân tích tác động giữa tái cơ cấu các lĩnh vực lên nhau. Khoảng trống thứ hai này thể hiện sự tiếp cận tái cơ cấu thiếu tính hệ thống và biện chứng.

Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều phát biểu nói lên được nguồn nhân lực phải được đào tạo, có kỹ năng, nhưng hầu như không hiến kế đề án tái cơ cấu cần làm gì để thực hiện chủ trương này.

Tôi mong Quốc hội nhớ đến và lấp đầy khoảng trống thứ ba này trước khi quyết định thông qua Luật dạy nghề (sửa đổi) sắp tới, cũng như khi thảo luận đề án sách giáo khoa, không tách biệt với tái cơ cấu.

Tương tự, Quốc hội cũng sẽ có những quyết sách để khoa học và công nghệ đóng góp cụ thể vào việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khi Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ hình thành trong năm 2015 và bối cảnh quốc tế biến động khó lường, báo cáo giám sát và các phát biểu hầu như gói vấn đề tái cơ cấu trong phạm vi quốc gia, hầu như không đề cập đến tác động của bên ngoài lên các thị trường hàng hóa, tài chính và chứng khoán, sở hữu trí tuệ.

Khoảng trống thứ tư này sẽ khiến cho tái cơ cấu phiến diện và rất dễ bị tổn thương.

Thực tế, đặc biệt trong sản xuất và xuất khẩu nông sản ở ĐBSCL, chỉ ra rằng sự thiếu phối hợp, sự ngăn cách, thậm chí sự tranh giành nhau giữa các bộ ngành, giữa trung ương - địa phương, giữa các địa phương; tầm nhìn ngắn hạn và theo nhiệm kỳ gây ra những tổn thất to lớn không đáng có.

Để tái cơ cấu nền kinh tế thành công, nhất thiết phải khắc phục cho được tình hình này và các khoảng trống đã nêu lên trên đây.

GS Nguyễn Ngọc Trân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên