23/10/2015 18:40 GMT+7

​Khó xử lý mại dâm đồng tính và người chuyển giới bán dâm

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Nhiều ý kiến cho rằng các hoạt động mại dâm đồng tính, mại dâm nam, người chuyển giới bán dâm… rất khó xử lý bởi chưa có các quy định rõ ràng.

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: Nguyễn Khánh
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: Nguyễn Khánh

Sáng 23-10, tại Hà Nội, Bộ Lao động - thương binh & xã hội tổ chức hội nghị tổng kết năm năm thực hiện chương trình hành động phòng chống mại dâm, giai đoạn 2011-2015.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thành như Hà Nội, TP.HCM, Nam Định…đều trăn trở hiện nay các hoạt động mại dâm đồng tính, mại dâm nam, người chuyển giới bán dâm… rất khó xử lý bởi chưa có các quy định rõ ràng. 

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật chưa kịp thời sửa đổi, để cơ quan chức năng có thể xử lý các hoạt động mại dâm mới phát sinh như mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm…

Trước đây, trong các văn bản pháp luật như pháp lệnh về phòng chống mại dâm năm 2003 quy định “mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”, cụm từ “giao cấu” chỉ được hiểu là quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Vì thế, các cơ quan chức năng khi gặp những trường hợp mại dâm đồng tính sẽ rất khó xử lý.

Trong khi đó, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cũng phát biểu rằng các hoạt động kích dục cho khách hay các hình thức mại dâm đồng tính… hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý để xử lý.

Nhiều Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố đề xuất trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội cần nghiên cứu, ban hành Luật phòng chống mại dâm, theo hướng làm rõ hơn, đầy đủ hơn khái niệm mại dâm; đồng thời có điều chỉnh cả hành vi mại dâm đồng giới, mại dâm không qua giao cấu…

Phát biểu kết thúc hội nghị, bà Phạm Thị Hải Chuyền, bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cũng cho rằng trong giai đoạn 2016-2020, cần thiết phải có Luật phòng chống mại dâm để đáp ứng tình hình thực tế.

Bà cũng nhấn mạnh: “Một điểm yếu trong hoạt động phòng chống mại dâm thời gian qua là chưa quy trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chức năng xã, phường. Các cơ quan địa phương chắc chắn sẽ nắm được tình hình, số lượng các đối tượng hoạt động mại dâm ở địa phương mình. Vì vậy, cần phải phân công rõ trách nhiệm và có sự phối hợp nhịp nhàng của từng cơ quan chức năng trong việc phòng chống mại dâm”.

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên