​Khổ vì sách giáo khoa lỗi thời

NGUYỄN HÀ
NGUYỄN HÀ

TT - Dạy lớp 5 hơn chục năm nay, tôi và đồng nghiệp khổ vì những số liệu, thông tin trong sách giáo khoa quá cũ.

Sách gíáo khoa theo chương trình VNEN

Giáo viên phổ thông chúng tôi đang bị áp lực ghê gớm với hàng trăm công việc từ hồ sơ, sổ sách đến lồng ghép tích hợp, kiểm tra đánh giá, sử dụng trang thiết bị dạy học tiên tiến... 

Và một trong những áp lực nữa phải kể đến là việc dạy theo sách giáo khoa quá lỗi thời, lạc hậu.

Dạy lớp 5 hơn chục năm nay, tôi và đồng nghiệp khổ vì những số liệu, thông tin trong sách giáo khoa quá cũ. 

Chỉ ở mỗi môn địa lý thôi đã khiến chúng tôi đau đầu. Dạy theo sách giáo khoa thì học trò chán học, giờ dạy thụ động, khô khan, khó tiếp thu bài.

Tôi đã từng nghe đứa cháu học lớp 5 phàn nàn: “Cô con toàn lấy con số này con số kia trong sách giáo khoa từ năm 2004, thấy mà chán”. Ðúng là những con số trong sách được lấy từ năm 2003, 2004, chẳng hiểu sao tái bản cả chục lần rồi mà vẫn không cập nhật thông tin mới.

Như dân số hiện nay của nước ta là hơn 90 triệu người nhưng học trò vẫn phải học con số 82 triệu của năm 2004 (bài 8 - Dân số nước ta).

Hay các con số về mật độ dân số hiện nay là 271, sách vẫn ghi số của năm 2004 là 249 (bài 9 - Các dân tộc, sự phân bố dân cư), dân số trên các châu lục (bài 17 - Châu Á, bài 20 - Châu Âu, bài 24 - Châu Phi, bài 26 - Châu Mỹ, bài 27 - Châu Ðại Dương và châu Nam Cực), lâm nghiệp, sản lượng thủy sản của nước ta (bài 11- Lâm nghiệp và thủy sản), hàng hóa vận tải... quá lỗi thời, không còn tính mới và thời sự nữa.

Muốn học trò có hứng thú học tập môn học thì giáo viên phải “lao tâm khổ tứ” đi tìm kiếm số liệu từ nhiều nguồn khác nhau mà môn địa lý lớp 5 rất cần phải có để phân tích, minh họa, khắc sâu kiến thức.

Thế là thay vì giáo viên để dành thời gian nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin lại phải mày mò tìm số liệu cho bài giảng.

Anh bạn tôi dạy một tiết địa lý lớp 5 bài Dân số nước ta hay bài Các dân tộc, sự phân bố dân cư phải bở hơi tai, toát mồ hôi hột với việc tìm số liệu về dân số, mật độ dân số từ phường, thành phố đến tỉnh rồi cả nước cho bài giảng của mình.

Nếu cứ dạy theo sách thì bị đánh giá tiết dạy không hiệu quả là cái chắc. Quả là phải tốn công sức, mất rất nhiều thời gian để mong bài giảng cuốn hút, tạo hứng thú cho học trò tiếp thu kiến thức.

Không chỉ ở tiểu học, ngay như đồng nghiệp dạy môn địa lý ở THCS cũng than trời về vấn đề này. Số liệu trong sách cũng vẫn của cả hơn chục năm trước. Ðành rằng ngày nay công nghệ thông tin phát triển, giáo viên chỉ cần vài cái nhấp chuột trên mạng là có ngay tư liệu mình cần.

Thế nhưng, không phải giáo viên nào cũng tích cực tìm tòi tư liệu, cũng làm được; không phải nơi nào cũng có điều kiện thuận lợi để tìm kiếm số liệu. Và nói thật thẳng thắn rằng còn không ít giáo viên lơ là trong vấn đề này, vẫn bám sách giáo khoa. Chưa kể giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, miền núi thì việc cập nhật thông tin hết sức khó khăn.

Năm học nào giáo viên cũng đều góp ý về chương trình, sách giáo khoa nhưng mọi việc vẫn y như cũ. Mong rằng hằng năm Nhà xuất bản Giáo Dục cần chỉnh lý, bổ sung số liệu mới, mang tính thời sự. Ðừng để giáo viên khổ sở, học sinh chán học vì mãi phải “nhai” lại những thông tin cũ rích, lỗi thời trong thời đại bùng nổ thông tin này.

Tuần qua, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả: Hải Anh, Hải Linh, Diễm Hương, Nguyễn Thị Liên Hơn (Hà Nội), Ðào Ngọc Ðệ (Hải Phòng), Trần Ngọc Khánh (Nghệ An), Nguyễn Văn Tú (Ðà Nẵng), Phạm Văn Dương (Ðắk Lắk), Thái Hoàng, Nguyễn Ðước, Nguyễn Hoàng Thảo, Nguyễn Xuân Phương, Ðặng Trung Thành (TP.HCM), Nguyễn Thanh Hùng Hai, Nguyễn Duy Phong (Long An), Huỳnh Hiếu, Lê Minh Hoàng (Tiền Giang), Lê Dân, Bùi Quý Khiêm (Ðồng Tháp), Lý Thanh Thảo (An Giang) cùng các bạn đọc Lan Anh, Xuân Anh, Hà Giang, Việt Thy, Nguyễn Hùng, Phan Chung, Nguyễn Trung Nguyên, phamvanbay28@gmail.com, dongdo9X@gmail.com.

Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ email giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

Những bài viết hay, được nhiều bạn đọc quan tâm chia sẻ trong tháng sẽ được ban biên tập báo Tuổi Trẻ trao quà lưu niệm là phần thưởng trị giá 1 triệu đồng. Cuối mỗi quý, những bài viết hay nhất sẽ được trao giấy chứng nhận và phần thưởng trị giá 3 triệu đồng.

TUI TR

NGUYỄN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên