Theo các chuyên gia, công đoạn phơi khô ớt rất dễ phát sinh chất aflatoxin. Trong ảnh: phơi ớt tại Đồng Tháp - địa phương thuộc 11 tỉnh thành được thanh tra Bộ NN&PTNT chọn lấy mẫu vừa qua - Ảnh: THANH TÙNG
Thanh tra Bộ NN&PTNT đánh giá các cơ sở sản xuất, kinh doanh ớt bột hầu hết quy mô đều là hộ gia đình, điều kiện chế biến bảo quản không đảm bảo dẫn tới có độc tố vi nấm aflatoxin trong sản phẩm ớt bột. Trong khi chế biến ớt hiện chủ yếu là ở quy mô nhỏ.
Chủ yếu do khâu bảo quản
Ngày 18-5, theo ghi nhận tại các chợ sỉ ở TP.HCM như Bình Tây (Q.6) hay đến chợ lẻ như Thị Nghè, Bà Chiểu (Bình Thạnh) đều có kinh doanh sản phẩm ớt bột, xay. Tuy nhiên, phần lớn dưới dạng 3 không: không bao bì, không nhãn mác, không thông tin chất lượng. Theo đó, các sản phẩm ớt bột được người bán đựng trong các bao lớn cả vài chục ký, ai mua thì xớt ra bán lẻ.
Theo bà T. - tiểu thương kinh doanh ớt bột tại chợ Bà Chiểu, không thể có bao bì nhãn mác do phần lớn được mua từ các cơ sở sản xuất dạng gia đình, nhỏ lẻ.
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Như Tiệp - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) - khẳng định các sản phẩm ớt bột có độc tố vi nấm aflatoxin chủ yếu do khâu bảo quản.
Trước chế biến, ớt tươi thường bị giập, không có thiết bị sấy, chủ yếu phơi tự nhiên. Sau chế biến lại bao gói sơ sài, bảo quản ở độ ẩm không phù hợp (theo như TCVN 2080: 2007 thì độ ẩm bảo quản ớt bột là 11%).
"Vì vậy đã dẫn đến ớt bột thường bị nhiễm nấm mốc Aspergillus flavus, Aspergillus parasiticus, đây là nguyên nhân chính sinh ra độc tố aflatoxin" - ông Tiệp nói.
Không quá đáng ngại?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết hiện ban đang chờ thêm thông tin từ Bộ NN&PTNT về vấn đề này. Tuy nhiên, chất aflatoxin cũng chỉ là một trong các nguy cơ, đã và đang được tiến hành đánh giá nguy cơ và kiểm soát khi quản lý nông sản. Theo bà Lan, bản chất aflatoxin có mặt trong nhiều nông sản là bình thường.
"Vấn đề là điều kiện bảo quản, hàm lượng vượt chuẩn hay không. Ngoài ra, ớt bột thường được sử dụng với liều thấp nên nguy cơ độc hại không cao nhưng cũng nên cảnh giác" - bà Lan nói.
Đồng quan điểm, theo bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, việc nhiễm chất aflatoxin nhiều có thể dẫn đến nguy cơ bị ung thư, đặc biệt là ung thư đường ruột và gan.
Tuy nhiên, tỉ lệ để nhiễm độc từ chất aflatoxin phải dựa theo thể trạng cân nặng, liều lượng sử dụng tùy trường hợp. Trong khi đó lượng sử dụng ớt loại này thường là không nhiều.
Khó tránh triệt để
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 18-5, ông Lê Hồng Minh - quản lý bộ phận kinh doanh tại chợ Bình Tây - thừa nhận sản phẩm ớt bột khô tại các điểm bán trong và xung quanh chợ hầu như không có bao bì nhãn mác, hoặc chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Mới đây, chợ sau khi phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành để lấy mẫu ớt bột kiểm tra chất lượng, ban quản lý chợ cũng tiến hành lập biên bản nhiều đơn vị kinh doanh mặt hàng này để nhắc nhở vì vi phạm quy định bán hàng không nhãn mác của chợ" - ông Minh nói.
Tuy nhiên theo ông Minh, khó giải quyết dứt điểm vì nhiều người bán cho biết họ lấy ớt bột lại từ nông dân nên khó đáp ứng tiêu chuẩn nguồn gốc, xuất xứ.
Về giải pháp quản lý thời gian tới, ông Nguyễn Văn Tiến - quyền chánh thanh tra Bộ NN&PTNT - cho biết Chính phủ quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước, pháp lý kiểm tra, kiểm soát.
Bộ NN&PTNT quản lý công đoạn sản xuất, chế biến, chợ đầu mối; Bộ Công thương quản lý tại các chợ và siêu thị; Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn an toàn đối với các nhóm sản phẩm, tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm...
"Các quy chuẩn phân công trách nhiệm quản lý về ớt bột khô giữa các bộ là rõ ràng và có căn cứ pháp lý để phục vụ công tác quản lý. Vấn đề ở đây là các cơ sở chế biến, bảo quản và kinh doanh chưa tuân thủ các quy định của pháp luật và hoạt động kiểm tra, giám sát, phối hợp của cơ quan chức năng chưa thực hiện đầy đủ, chặt chẽ và thường xuyên" - ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, do kiểm tra thấy hầu hết quy mô sản xuất ở mức hộ gia đình, điều kiện chế biến bảo quản không đảm bảo đã dẫn tới có độc tố vi nấm aflatoxin trong ớt bột.
"Vì vậy, chúng tôi yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh phải có phòng bảo ôn, điều hòa nhiệt độ hoặc hút ẩm" - ông Tiến nói và cho biết cơ quan chức năng sẽ triển khai kế hoạch giám sát chủ động chỉ tiêu aflatoxin.
Nên mua ớt được bao gói tốt
Ông Nguyễn Văn Tiến khuyến cáo các cơ sở sản xuất kinh doanh ớt tuân thủ các quy định về đóng gói, bảo quản ớt bột khô nhằm ngăn ngừa độc tố aflatoxin. Về lựa chọn của người tiêu dùng để tránh nguy cơ, ông Tiến cho rằng người dân cần kiểm tra kỹ bao bì, nhãn hàng hóa.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp cho hay chất aflatoxin xuất hiện ở nhiều sản phẩm nhóm gia vị, nông sản khô, và mắt thường không phát hiện được. Ngoài ra, việc đun sôi nấu chín không phân hủy được loại chất này. "Người tiêu dùng nên sử dụng ớt tươi rửa sạch, hoặc lựa chọn cơ sở sản xuất ớt khô, bột uy tín, có thông tin về việc kiểm soát tốt quy trình sản xuất" - bà Diệp nói.
Theo một chuyên gia nông nghiệp, việc cấp giấy an toàn thực phẩm cho các doanh nghiệp nói chung cũng như kinh doanh mặt hàng ớt hiện thường có thời hạn 3 năm, mỗi 6 tháng thanh tra, kiểm tra một lần và chủ yếu theo phương pháp đại diện nên nhiều trường hợp chất lượng trong việc thanh tra, kiểm tra không cao. Vị này kiến nghị phải tăng tần suất và chất lượng kiểm tra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận