10/05/2021 14:08 GMT+7

Khó sống với cổ động viên Anh

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Cuộc nổi loạn ở Old Trafford một tuần trước có thể là giọt nước tràn ly, trong sự kiên nhẫn mà cả hai phía nhà Glazer cùng cổ động viên M.U đã dành cho nhau suốt hơn một thập niên qua.

Khó sống với cổ động viên Anh - Ảnh 1.

Hình ảnh một số CĐV M.U tràn vào sân Old Trafford để phản đối gia đình Glazer một tuần trước - Ảnh: AFP

Nhiều huyền thoại của đội bóng như Roy Keane hay Gary Neville đứng về phía các cổ động viên (CĐV), nhưng điều đó không nói lên điều gì. Bởi bản thân họ thật ra cũng chỉ là những CĐV.

Ghét từ... cái nhìn đầu tiên

Vì sao người hâm mộ "quỷ đỏ" căm ghét nhà Glazer? Luận điệu phổ biến nhất cho rằng các ông chủ Mỹ quá keo kiệt, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân hơn là việc xây dựng M.U hùng mạnh. Và kết quả rõ ràng, M.U sa sút hẳn trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Nhưng đào lại mối quan hệ giữa giới chủ Glazer và các CĐV M.U, chúng ta thấy sự xung đột đã đến ngay từ ban đầu.

Tháng 6-2005, vài ngày sau khi ban lãnh đạo đội bóng chính thức hoàn tất những thủ tục bán cổ phần đội bóng cho người Mỹ, gia đình Glazer đến thăm sân Old Trafford, và lập tức chạm trán cuộc biểu tình của các CĐV.

Khoảng 300 người tụ tập, hô vang "Chết đi, Glazer, chết đi", và ném một quả pháo vào xe cảnh sát. Phó chủ tịch hội CĐV chính thức của M.U tuyên bố "Gia đình Glazer là kẻ thù của đội bóng".

Những năm sau đó, CĐV M.U càng có lý do để căm ghét gia đình Glazer hơn nữa, khi thông tin về các khoản nợ mà những ông chủ người Mỹ bắt đội bóng phải gánh được tiết lộ. Lần đầu tiên kể từ năm 1931, M.U mới lại chìm trong nợ nần như thế.

Việc tỉ phú Sheikh Mansour bin Zayed Al-Nahyan đổ tiền vào Man City tiếp tục làm CĐV "quỷ đỏ" tức giận. Đó là một sự ghen tức dễ hiểu. Từ vị thế độc tôn, M.U giờ đây lép vế trước cả Chelsea lẫn Man City trên thị trường chuyển nhượng.

Cả cách quản lý nhân sự của gia đình Glazer cũng khiến nhiều người tức giận. Họ trao quyền lực quyết định chính sách chuyển nhượng của đội bóng vào tay Ed Woodward - một người hầu như không có kinh nghiệm gì về bóng đá trước đây.

CĐV "quỷ đỏ" căm ghét Woodward cũng như ghét Glazer. Quyết định tham gia European Super League (ESL) là một giọt nước tràn ly. Tách rời khỏi châu Âu, khỏi Vương quốc Anh, khỏi những giá trị truyền thống để chạy theo mô hình kiếm tiền kiểu Mỹ.

Có đến 6 đại diện Premier League tham gia ESL, nhưng riêng CĐV M.U là cảm thấy bị "chạm nọc" nhất vì họ đã có trải nghiệm rõ ràng với người Mỹ.

Biểu tình - vũ khí của CĐV Anh

Nhưng bỏ qua những vấn đề về cảm xúc, gia đình Glazer có đáng bị căm ghét đến thế ở M.U? Nói về hiệu quả công việc, thật ra nhà Glazer làm tốt nhiệm vụ quản lý của mình. "Quỷ đỏ" phải chịu các khoản nợ của họ, nhưng lại kiếm tiền tốt hơn nhiều trong bàn tay quản lý của người Mỹ.

Suốt giai đoạn từ 2007 đến 2012, năm nào M.U cũng được Forbes xác định là thương hiệu bóng đá đắt giá nhất thế giới. Và nói chung từ đó cho đến nay, M.U cùng Real, Barca luôn là 3 CLB bóng đá đứng đầu về giá trị thương hiệu.

Thật khó để đổ lỗi về sự sa sút chuyên môn cho nhà Glazer. Sir Alex Ferguson nghỉ hưu và sự thoái trào là tất yếu, ngay cả Sir Alex cũng đã sai khi lựa chọn người kế nhiệm chiếc ghế HLV trưởng của mình (David Moyes).

Những năm sau đó, họ đã cố gắng chọn ra những người tốt nhất trong làng chiến lược gia - từ Van Gaal cho đến Jose Mourinho. Và sự tín nhiệm với Ole Gunnar Solskjaer cũng thực sự tích cực.

CĐV M.U thường chạnh lòng khi nhìn sang Man City, nhưng sự thật là nhà Glazer chi không ít tiền cho thị trường chuyển nhượng.

Sau hơn 15 năm dưới thời Glazer, M.U chi hơn 1,6 tỉ euro để mua cầu thủ, và chỉ thu về 600 triệu euro theo chiều ngược lại. Tức khoản chi ròng cho việc chuyển nhượng trong 15 năm qua là hơn 1 tỉ euro, trung bình gần 70 triệu euro/năm. Đó không hề là con số tệ.

Nói chung, nhà Glazer ngay từ đầu đã không được chào đón ở M.U. Những người như Gary Neville là tiêu biểu cho tính cách đặc trưng của người Anh - bảo thủ, và dễ bị kích động khi đụng chạm đến truyền thông.

Trong những bài phát biểu kêu gọi, ý kiến của CĐV thường được nhắc đến như "kim chỉ nam", nhưng điều đó chưa chắc đã đúng, và đôi lúc chỉ mang tính lừa mị. Thực sự thì trong các lực lượng CĐV bóng đá ở châu Âu, CĐV Anh là kém độ tin cậy nhất.

Khái niệm "hooligan" ra đời từ Anh, ngay cả báo lá cải (tabloid) cũng ra đời từ đây. Trong quá khứ, bóng đá Anh ngập tràn những vụ bạo lực dẫn đến thương vong. Cả ở các kỳ World Cup và Euro, những CĐV quá khích của Anh cũng luôn là nguồn cơn gây ra xung đột. Nhìn từ góc độ đó, việc họ tụ tập biểu tình chưa chắc đã là một động thái của "chính nghĩa".

Liverpool thắp lại hi vọng

Rạng sáng 9-5 (giờ VN), Liverpool đánh bại Southampton 2-0 nhờ các pha lập công của Sadio Mane và Thiago Alcantara, qua đó thắp lại hi vọng đua tranh top 4. Liverpool hiện có 57 điểm, kém vị trí thứ 4 của Leicester 6 điểm nhưng vẫn còn một trận chưa đấu (với M.U).

Với việc ngược dòng đánh bại Man City, Chelsea cũng đã vượt mặt Leicester để vươn lên vị trí thứ 3 với 64 điểm.

Man Utd níu kéo hi vọng vô địch sau chiến thắng ngược trước Aston Villa Man Utd níu kéo hi vọng vô địch sau chiến thắng ngược trước Aston Villa

TTO - Khuya 9-5, Manchester United (Man Utd) lội ngược dòng, đá bại Aston Villa 3-1 trên sân khách ở vòng 35 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên