Kỳ 1: 1.001 loại hình kinh doanh
Phóng to |
Tình nguyện viên nhóm Bus Yêu Thương chuẩn bị hoa bán nhân dịp 8-3. Số tiền thu được từ các hoạt động kinh doanh được các bạn góp hết vào quỹ từ thiện của nhóm - Ảnh: Lê Vũ |
Trên thực tế, những mô hình kinh doanh của tình nguyện viên - sinh viên vẫn vấp phải khó khăn chung của loại hình kinh doanh nhỏ lẻ... Nhưng dù khó dù lỗ, thậm chí thất bại, người trong cuộc vẫn cho rằng các bạn được nhiều hơn mất.
Khó khăn: từ lớn đến lắt nhắt
Đã một tháng qua các thành viên nhóm Bus Yêu Thương vẫn chưa hết hụt hẫng do quán ăn của nhóm bỗng dưng bị lấy lại mặt bằng. Vậy là cái bếp thường được tranh thủ nấu cơm miễn phí cho bệnh nhi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (Q.Bình Thạnh) không còn. Hàng trăm thành viên không có chỗ hội quân. Nguồn thu ổn định cho những chuyến xe mang quà đến trẻ em vùng biên, vùng nông thôn nghèo khó mất một điểm tựa. Đây không phải trở ngại đầu tiên kể từ ngày nhóm mở quán vào tháng 4 năm ngoái.
Trước đó, quán ăn nhỏ trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh) phục vụ các món nướng, lẩu, hải sản... cho giới trẻ với giá bình dân đã có một khoảng thời gian lao đao khi việc kinh doanh không suôn sẻ. “Toàn bộ đội ngũ nhân viên, từ chạy bàn, kế toán đến quản lý đều là sinh viên. Các bạn làm với nhiệt tình là chính chứ đâu ai có kiến thức, kỹ năng kinh doanh dịch vụ...” - thầy Nguyễn Hữu Bình, chủ nhiệm nhóm Bus Yêu Thương, chia sẻ.
Thầy Bình thổ lộ ngoài bán hoa tươi, bán áo thun nhân dịp lễ lạt, các hình thức kinh doanh khác của nhóm trước khi mở quán ăn như bán đĩa game, nước hoa, mỹ phẩm online đều phải làm “rón rén”, không dám tiếp thị rộng rãi, sợ người ta đồn “nhóm thiện nguyện mà tối ngày thấy buôn bán”. “Nhiều người vẫn nghi ngại khi nghe mình gây quỹ từ thiện bằng hình thức kinh doanh” - thầy Bình trăn trở.
Không vấp phải quá nhiều trở ngại lớn dẫn đến phải tạm ngưng kinh doanh, nhưng nhiều nhóm vẫn va chạm những sự cố hằng ngày trong nỗ lực gây quỹ duy trì hoạt động từ thiện. Như nhóm Vòng Tay Ấm bị dân bán báo dọa nạt do tưởng... giành địa bàn làm ăn khi nhóm triển khai bán báo mỗi sáng chủ nhật tại công viên Tao Đàn. Hoặc người dân không dám mua, thậm chí xua đuổi vì tưởng... lừa đảo gắn mác từ thiện. “Khó khăn còn đến từ việc tạo dựng niềm tin cho khách hàng trong bối cảnh nhiều kẻ xấu lợi dụng danh nghĩa từ thiện để trục lợi như hiện nay” - chị Lê Thị Phượng, phó chủ nhiệm CLB Vì Cộng Đồng, bộc bạch.
Động lực vượt khó
Hiện các tình nguyện viên trẻ nhóm Bus Yêu Thương đang tìm kiếm mặt bằng mở lại quán ăn. “Điều đáng quý là dù khó trăm bề, lại không có thu nhập do các bạn góp toàn bộ lương vào quỹ hoạt động của nhóm nhưng không ai bỏ quán, bỏ nhóm, dùng thời gian, công sức ấy ra ngoài làm thêm. Ai cũng quyết tâm gầy dựng lại quán, hi vọng có nguồn thu ổn định, duy trì những chuyến xe thiện nguyện” - thầy Bình xúc động.
Với các tình nguyện viên, động lực giúp các bạn vượt khó, bám trụ hoạt động từ thiện, hoạt động kinh doanh gây quỹ đến từ những thứ không cân đông đo đếm được bằng vật chất. Ở trường hợp của giải ba hội thi đầu bếp tài năng Việt Nam năm 2013 Huỳnh Ngọc Duy thì đó là những bài học cuộc sống chắt lọc được từ quá trình công tác xã hội - những bài học thay đổi đời anh đầu bếp trẻ.
Trước đây có dạo Duy sống hoang phí, vung tiền vào những trận cá độ đá banh, thậm chí nợ nần đến mức phải bỏ nhà trốn mất biệt. “Có lẽ mình vẫn sống như vậy nếu không có lần tình cờ tham gia một chuyến thiện nguyện cùng Bus Yêu Thương. Năm 2011, lần đầu tiên tiếp xúc những đứa trẻ người dân tộc lấm lem, ốm o vì đói, chỉ đôi mắt sáng rực niềm vui khi có người đến tặng quà, mình chạnh lòng nghĩ về cuộc sống ích kỷ, vô nghĩa của mình trước đây...” - Duy hồi tưởng.
Sau lần đó, bạn bè lẫn gia đình Duy đều ngạc nhiên khi thấy anh chàng “phá gia chi tử” lột xác. Từ người sống phung phí, đầu bếp Duy biết đắng lòng tiếc nguyên liệu thừa mỗi tối đóng cửa tiệm. Cậu bạn lò dò lên Facebook đăng status kêu gọi mọi người đến quán, cậu nấu ăn miễn phí để không phải đổ nguyên liệu đi. Ngôi nhà thiện nguyện còn là trường học của Duy, khi ở đó Duy được các tình nguyện viên khác gom sách cho đọc, rồi người dạy Duy vi tính, người đề nghị kèm thêm tiếng Anh... Đến nay khi đã sở hữu trong tay kha khá danh hiệu qua những cuộc thi nghề bếp, có công việc làm ăn riêng nhưng anh chàng vẫn đeo bám tất tần tật hoạt động của nhóm.
Câu chuyện của Duy không phải cá biệt trong các đội nhóm thiện nguyện. Mỗi tình nguyện viên đều có một lý do riêng làm chiếc neo bám nhóm. Quá trình tự kinh doanh nhiều khó khăn cũng tạo điều kiện tốt cho người trẻ rèn luyện kỹ năng.
Bạn Nguyễn Thị Hạnh (sinh viên năm 3 ĐH Nông lâm TP.HCM) cho biết mình đã biết chịu khó hơn, sống tiết kiệm hơn kể từ ngày tự xắn tay áo cuốc đất nhổ cỏ, trồng rau bán gây quỹ hoạt động cho nhóm Vì Cộng Đồng. Những ngày đội nắng bán báo, chào mời khô giọng giúp Hạnh học thêm nhiều sàng khôn khi rong ruổi trên những con đường, nhìn thấy và tiếp xúc với nhiều lớp thị dân. Hạnh còn khoe kỹ năng giao tiếp của cô nàng lên hẳn chỉ sau vài đợt bán báo.
Khởi nghiệp của người trẻ bao giờ cũng gian nan. Với các tình nguyện viên, đi làm ăn để nuôi việc thiện nguyện lại càng khó. Nhưng nói như thầy Bình: “Ở người trẻ không có chuyện né cái khó hay thất bại rồi bỏ”, hoặc như Hạnh: “Tự tay làm ra đồng tiền duy trì hoạt động thiện nguyện thiết thực và ý nghĩa hơn đi xin tài trợ”, nên sắp tới theo đánh giá của nhiều ban chủ nhiệm đội nhóm thiện nguyện, hình thức tự chủ kinh phí có nhiều khả năng tiếp tục được nhân rộng, là hướng đi chủ đạo của các đội nhóm, CLB thiện nguyện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận