12/11/2014 10:55 GMT+7

​Khó như tìm việc ở Hàn Quốc

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TT - Giới trẻ Hàn Quốc đang tự gọi mình là thế hệ buộc phải từ bỏ năm giấc mơ bất kể họ làm việc chăm chỉ tới đâu: tình yêu, hôn nhân, con cái, quan hệ xã hội và nhà cửa.

Sinh viên Hàn Quốc tại Trường đại học Dongguk (Seoul) - Ảnh: T.T.D.
Sinh viên Hàn Quốc tại Trường đại học Dongguk (Seoul) - Ảnh: T.T.D.

Hằng năm, học sinh tốt nghiệp bậc trung học ở Hàn Quốc đều sẽ tham dự kỳ thi CSAT tổ chức vào ngày 13-11. Đây là kỳ thi quan trọng nhất tuyển đầu vào đại học theo tiêu chuẩn quốc gia sẽ quyết định tương lai các bạn trẻ Hàn Quốc. Thế nhưng tương lai sau đó cũng chưa hẳn đã xán lạn.

Chỉ 59% sinh viên Hàn Quốc tốt nghiệp năm 2012 tìm được việc làm, số đó đã tính cả những người làm việc bán thời gian. Ngay những người có công việc toàn thời gian cũng không thật sự an tâm với “cần câu cơm” đang nắm giữ.

Theo báo Nikkei, bối cảnh xã hội Hàn Quốc với những cạnh tranh ngặt nghèo ngay từ kỳ thi đầu vào các trường đại học tới cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đang trở thành áp lực hết sức căng thẳng với giới trẻ ở xứ sở kim chi.

“Ác mộng” thi cử

Chưa nói tới các cấp học cao, ngay từ tiểu học, phụ huynh ở Hàn Quốc đã phải đồng hành với con trong chuyện tìm cơ hội học hành. Không vào được trường công lập, nhiều người lựa chọn các trường quốc tế.

Trường Chadwick gần sân bay quốc tế Incheon ở ngoại ô Seoul là một ví dụ. Mặc dù chỉ được giới hạn 40% học sinh là người Hàn Quốc, nhưng trên thực tế có tới 80% học sinh ở đây là người bản địa.

Để con được nhập học trường quốc tế, có bậc cha mẹ phải chi tới 40 triệu won (36.560 USD) cho môi giới làm giả giấy tờ quốc tịch cho con.

Đường vào các trường cao đẳng, đại học tại Hàn Quốc càng gian nan hơn. Nhiều học sinh trung học chen chúc học thêm ở trường tới khuya, thậm chí lúc về nhà rồi vẫn học vì sợ không đủ sức đương đầu tỉ lệ “chọi” khắc nghiệt tại cấp đại học.

Để tránh áp lực cho con, nhiều bậc phụ huynh chọn cách đưa con ra nước ngoài học. Tùy theo khả năng kinh tế, nhà “có điều kiện” gửi con tới Mỹ, Canada và Anh.

Nhà ít tiền hơn chọn Úc và New Zealand, ít hơn nữa thì gửi sang các nước Đông Nam Á như Singapore, Philippines.

Những sinh viên không có điều kiện ra nước ngoài buộc phải vào những trường có chương trình đào tạo tiếng Anh để chuẩn bị vốn liếng sinh ngữ cùng các bằng cấp khác đảm bảo cơ hội có việc làm sau khi ra trường. Không ít bạn trẻ rơi vào tình trạng nợ nần vì không thể trang trải các khoản vay nợ sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Về hưu bắt buộc ở tuổi 38

Ngoài một số thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, ngày càng nhiều bạn trẻ Hàn Quốc vẫn phải sống phụ thuộc cha mẹ vì không tìm được việc. Vài năm trước, có một cụm từ khá phổ biến tại Hàn Quốc có nghĩa “về hưu bắt buộc ở tuổi 38”.

Ý nói về tình trạng nhiều nhân viên, ngay cả những người làm tại các công ty lớn, đã bị gây áp lực để phải nghỉ hưu khi qua tuổi 38, độ tuổi sung mãn trong sự nghiệp của đời người. Tình trạng đó vẫn còn rất phổ biến.

Vì thế gần đây có hiện tượng các cửa tiệm “gà rán” mọc như nấm tại Hàn Quốc của người trung niên và cao tuổi. Góp một phần không nhỏ nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh này còn có các bạn trẻ.

Báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc thống kê sau bốn năm kể từ năm 2009, số doanh nghiệp tư nhân tăng từ 500.000 lên 5,37 triệu. Mức tăng đáng kể ở số tiệm bán thức ăn nhanh và chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Sang Việt Nam tìm cơ hội

Chị Lee Yu Nae (23 tuổi, đang kiếm việc ở TP.HCM):

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh Đại học Hanyang ở Seoul, tôi nhận học bổng sáu tháng của Chính phủ Hàn Quốc sang VN tập sự cho các công ty, tập đoàn Hàn Quốc.

Sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay khiến Chính phủ Hàn Quốc quyết định đầu tư vào những người trẻ thích sinh sống và làm việc ở nước ngoài như tôi.

Họ hi vọng tôi sẽ kiếm được việc làm ở VN sau khi kết thúc chương trình thực tập tại đây. Đó là cách họ giải quyết vấn đề thiếu việc làm trầm trọng trong giới trẻ hiện nay. Điều đó cho thấy hiện tại rất khó khăn để tìm kiếm việc làm ở nước tôi.

Tất cả bạn bè của tôi ở Hàn Quốc đều đang đi tìm việc. Thậm chí có nhiều người đã nộp đơn xin việc một vài năm nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Một số người bạn của tôi thậm chí khóc và cảm thấy nản chí vì kiếm việc khó quá.

Kỹ năng tiếng Anh cũng rất quan trọng trong quá trình kiếm việc làm. Tình trạng giới trẻ đổ xô ra nước ngoài học tiếng Anh rất phổ biến ở Hàn Quốc. Dù chương trình học ở đại học chỉ gói gọn trong bốn năm, nhưng nhiều sinh viên phải mất năm năm để tốt nghiệp.

Lý do chính là họ phải ra nước ngoài để học tiếng Anh từ sáu tháng đến một năm. Bản thân tôi cũng có năm tháng học tiếng Anh ở Philippines. Một số gia đình giàu và có điều kiện thì đưa con cái sang Mỹ hoặc Canada để học tiếng Anh.

Anh Tae Sung (22 tuổi, đang theo học ở Trường đại học KHXH&NV TP.HCM):

Ba tôi là nhân viên ngân hàng ở thành phố Busan. Ông khuyên tôi nên đến một nước đang phát triển để lập nghiệp vì sự cạnh tranh công việc diễn ra rất khốc liệt tại quê nhà. Để cạnh tranh cho các công việc tốt, bạn phải thật sự giỏi và nổi bật.

Tôi cân nhắc giữa ba lựa chọn: VN, Indonesia và Brazil vì đây là những nước đang phát triển và có nhiều cơ hội nghề nghiệp. Sau khi cân nhắc, tôi chọn VN vì nơi đây chi phí sinh hoạt rẻ và văn hóa cũng khá tương đồng với Hàn Quốc. Tôi học ngành VN học, hai năm ở Hàn Quốc và hai năm tại VN.

Tôi cũng tranh thủ dịp nghỉ hè dạy guitar và cờ vây cho cộng đồng người Hàn Quốc đang sinh sống ở khu Phú Mỹ Hưng (Q.7) nhằm trang trải sinh hoạt. Hiện tại tôi cố gắng học tiếng Việt thật giỏi để có nhiều lợi thế kiếm việc làm tốt trong các công ty, tập đoàn Hàn Quốc đang hoạt động ở VN sau này.

Tôi dự định làm việc trong ngành chứng khoán ở VN khoảng 4-5 năm để tích lũy kinh nghiệm và kiếm một số vốn rồi sau đó về nước.

QUỲNH TRUNG ghi

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên