09/09/2017 11:11 GMT+7

Khổ luyện chờ ASEAN Para Games

TẤN PHÚC - KHƯƠNG XUÂN
TẤN PHÚC - KHƯƠNG XUÂN

TT - Chỉ hơn một tuần nữa, Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) 2017 sẽ khởi tranh tại Kuala Lumpur (Malaysia). Các VĐV người khuyết tật VN cũng bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho hành trình chinh phục những chiếc huy chương.

Bích Như thu mình chuẩn bị xuất phát một đợt bơi kiểm tra. Ảnh: T.P

Bộ VH-TT&DL đã có quyết định thành lập đoàn thể thao người khuyết tật (NKT) VN tham dự Para Games 2017 với 188 thành viên, do ông Nguyễn Ngọc Anh - vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng (Tổng cục TDTT) - làm trưởng đoàn.

Những ngày cuối cùng trước khi lên đường, các VĐV đang nỗ lực tập luyện tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội và TP.HCM. Họ - người chỉ có một tay, người ngồi xe lăn, người bị mù đôi mắt... nhưng có chung một đích ngắm: những chiếc huy chương lấp lánh.

Tập luyện miệt mài

Vì không thể cúi xuống, VĐV đẩy tạ Nguyễn Thị Tú phải nhờ tình nguyện viên dùng hết sức siết đôi chân bị tật vào ghế để bắt đầu một buổi tập. Mồ hôi rịn ra trên gương mặt anh tình nguyện viên trẻ vì phải dùng lực nhưng Tú vẫn tươi cười. Ngồi hàng giờ trên ghế, đầu không nón, bàn tay Tú chai sần và rắn rỏi vì cả trăm lần ném tạ sắt 3kg đi xa gần chục mét mỗi ngày.

Nhưng Tú không hề lẻ loi. Cách cô không xa, HCV Para Games 2015 Cao Ngọc Hùng cũng đang nghiến răng chịu đựng khi sợi dây ràng siết lên da thịt chuẩn bị cho một ngày tập vất vả. “Chỉ riêng việc siết chặt đôi chân lên ghế đấu để không phạm quy lúc đấu cũng mất gần 5 phút. Xong mỗi buổi tập, chân tê buốt một lúc sau mới đi lại được” - Hùng nói.

Cao Ngọc Hùng là niềm hi vọng vàng của điền kinh VN tại ASEAN Para Games 2017. Ảnh: T.P

Trên đường piste, tổ chạy tiếp sức 4x100m í ới phân chia nhiệm vụ theo... thương tật của mình: người mắt mờ chạy đường thẳng, người cụt tay ráng “gánh” thời gian cho người bị yếu chân. Dù vậy, khi hiệu lệnh phát ra, họ nỗ lực tăng tốc trên đường chạy dù biết rằng sau đó rất mệt và lúc này chuyện họ vướng vào nhau té ngã là điều không thể tránh. Chứng kiến họ tập luyện, chỉ mỗi hình ảnh hai cánh tay bị cụt của Mai Anh Minh và Nguyễn Hoàng lắc lư cố chạm vào nhau cũng đủ sức lay động lòng người.

Những hình ảnh bên trong hồ bơi lại càng cảm động hơn bởi người chỉ còn một tay, người thì liệt hẳn đôi chân phải di chuyển bằng xe lăn... Kình ngư HCB Paralympic Võ Thanh Tùng nói: “Tuy chân bị teo nhưng mỗi ngày tôi vẫn nuốt trọn giáo án bơi vài kilômet với hai tay, nhiều lúc mệt không ăn nổi”.

53 tuổi và đã có cháu nội, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Thủy có lẽ là VĐV cao tuổi nhất của đoàn thể thao NKT VN đến Malaysia lần này. Bị mất một chân bởi tai nạn giao thông từ khi là cô thiếu nữ 17 tuổi xinh đẹp, đời chị Thủy từ đó chuyển sang một chặng mới cay đắng, gập ghềnh. Hết làm nghề may đến xoa bóp bấm huyệt để mưu sinh, thế nhưng thể thao đã giúp chị Thủy thay đổi.

Năm 2003, ở tuổi 39, lần đầu tiên chị Thủy tham dự Para Games tại VN. 14 năm qua, nhờ tập luyện điền kinh, chị sống lạc quan, vui vẻ hơn bao giờ hết. Tham dự Para Games 2017, chị Thủy phấn đấu bảo vệ thành tích 2 HCV cự ly chạy 100m, 200m và HCĐ nội dung nhảy xa nữ. “Thể thao cho tôi sức khỏe, sự trẻ trung và niềm tin vào cuộc sống. Mặt khác, nếu giành HCV, tôi sẽ có thêm tiền để cải thiện cuộc sống gia đình” - chị Thủy tâm sự.

Mỗi người một nỗi lo

Kình ngư Trịnh Thị Bích Như chia sẻ: “Nhiều năm bơi lội, tôi và chồng vẫn ở trọ rày đây mai đó, chưa dám có con vì cuộc sống còn khó khăn. Bằng mọi giá, tôi sẽ dốc sức thi đấu để có huy chương”. Khó khăn là mẫu số chung của nhiều VĐV khuyết tật khi họ không được hưởng lương như VĐV bình thường mà chỉ có chế độ ăn, tập khoảng 450.000 đồng/ngày kể từ đầu tháng 8. Do đó, tiền thưởng từ việc đoạt huy chương là cứu cánh của họ trong cuộc sống.

Cuộc chiến giành huy chương đã gian nan, không ít VĐV còn lo lắng về sự công tâm của ban tổ chức, trọng tài tại Malaysia như báo chí nhiều lần đưa tin ở SEA Games 29 vừa qua. Trước mắt, Malaysia đã cắt 8 cự ly bơi chuẩn Paralympic thế mạnh của VN để tổ chức các cự ly dễ lấy huy chương cho các kình ngư chủ nhà.

Ở một góc sân điền kinh, VĐV ném lao hạng thương tật F42 Võ Thị Thu Thuận vừa tập vừa lo vì đã sát ngày lên đường mà không biết mình có được thi đấu hay không. Mong mỏi của Thuận chỉ là: “Hạng thương tật của mình có đủ VĐV để được tổ chức thi đấu. Nếu không đủ VĐV, công sức tập luyện gần hai năm trời cũng tan thành mây khói”.

Cuộc chiến huy chương đã khó, nhưng nỗi buồn trong lòng VĐV ném đẩy Nguyễn Thị Hải còn lớn hơn. Hải tâm sự: “Hai vợ chồng cùng đi thi đấu, tôi phải gửi hai con, trong đó cháu nhỏ mới hơn 1 tuổi, về quê nhờ bà ngoại chăm sóc. Tôi nhớ con mà không dám gọi nhiều vì sợ càng làm con lưu luyến. Cũng vì cuộc sống cả thôi, nên tôi quyết tâm phải giành huy chương để có tiền lo cho tương lai và bù cho công sức khó khăn tập luyện”.

Giọt nước mắt trước ngày lên đường

Ít nhất 5-6 VĐV của đoàn thể thao NKT VN bất ngờ phải ở nhà vì chủ nhà Malaysia cắt giảm nội dung thi đấu. Có mặt tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội sáng 8-9 để tập luyện, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Xuyến đã bật khóc nức nở vì biết tin mình không được đến Malaysia.

Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết đây là điều vô cùng đáng tiếc bởi điền kinh có hơn 400 nội dung nhưng Malaysia đã cắt giảm chỉ còn 137 nội dung thi đấu. Điều đáng nói, cách đây ít ngày họ lại thông báo cắt giảm thêm nội dung. Vì thế một số VĐV đã tập huấn từ ngày 1-8 sẽ không được đến Malaysia. “Các VĐV đã được gọi lên tập huấn lẽ ra họ sẽ được đi thi nhưng trong hoàn cảnh này đoàn thể thao NKT VN buộc phải để Xuyến ở nhà cùng với 5-6 VĐV khác” - ông Ngọc Anh nói.

Đoàn thể thao NKT VN, được tài trợ dinh dưỡng chính thức bởi Herbalife Nutrition, sẽ lên đường sang Malaysia vào ngày 13-9 ở hai đầu Hà Nội, TP.HCM. Các VĐV sẽ tham gia tranh tài ở 6 môn: điền kinh, bóng bàn, cờ vua, cử tạ, cầu lông, bơi lội.

TẤN PHÚC - KHƯƠNG XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên