27/12/2018 10:37 GMT+7

Khó lường nhóm “đại gia”

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Ai là ứng cử viên vô địch số 1? Trung Quốc có thực sự là “đại gia”? Asian Cup 2019 - giải đấu sẽ được khởi tranh vào đầu tháng 1 tới - đang bắt đầu nóng với nhiều ý kiến chuyên môn trái chiều.

Khó lường nhóm “đại gia” - Ảnh 1.

Tuyển Iran đang có thế hệ cầu thủ được đánh giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây - Ảnh: British GQ

Dựa trên thành tích quá khứ, phong độ lẫn đánh giá của nhà cái, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia và Úc được xem là nhóm ứng cử viên vô địch số 1 của Asian Cup 2019. Kế đến là UAE, Iraq, Uzbekistan, Trung Quốc, Qatar... Nhưng những nhận định này cũng chỉ mang tính tương đối, thể hiện qua sự mâu thuẫn của các nhà cái khi ra tỉ lệ kèo cho đội vô địch.

Trong thế giới bóng đá đỉnh cao, hiếm khi nào người hâm mộ chứng kiến sự mâu thuẫn đến vậy của các nhà cái hàng đầu thế giới. Theo đó, Nhật Bản và Iran có cùng tỉ lệ cược đặt 2 ăn 9 (9/2) cho chức vô địch, là ứng cử viên số một. Nhưng theo những nhà cái khác, Iran và Hàn Quốc mới là 2 đội mạnh nhất...

Sự dao động trong tỉ lệ cược dành cho nhóm kế cận lại càng lớn hơn. Điển hình như Thái Lan, có nhà cái ra tỉ lệ cược 66/1 nếu họ đoạt chức vô địch, nhưng cũng có nhà cái lại ra tỉ lệ những 125/1. Có nhà cái ra tỉ lệ cược 150/1 cho VN (gần ngang ngửa Thái Lan) nhưng cũng có nhà cái đặt tỉ lệ 1.500/1, tức xem tuyển VN nằm trong nhóm đội yếu nhất giải (chỉ nhỉnh hơn tỉ lệ 2.000/1 của Turkmenistan, Kyrgyzstan, Ấn Độ, Palestine, Yemen và Philippines).

Sự mâu thuẫn của các nhà cái đơn giản thể hiện một điều: Asian Cup 2019 đặc biệt khó lường khi khoảng cách giữa các nền bóng đá ngày càng được thu hẹp. Lượt trận giao hữu trước thềm giải đấu càng thể hiện điều đó khi Iran - 1 trong 3 ứng cử viên vô địch hàng đầu của giải - mới đây bị Palestine cầm hòa 1-1 dù tung ra sân đội hình khá mạnh.

Do Palestine nằm trong nhóm những đội bóng bị đánh giá yếu nhất Asian Cup 2019 nên kết quả này khiến người hâm mộ Iran không hề hài lòng. Chưa kể trước trận đấu, HLV Carlos Queiroz còn bị chỉ trích vì đặt mục tiêu "khiêm tốn" cho Iran: một vị trí trong top 4.

Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng bị nghi ngờ về tư cách nằm trong "nhóm 2" của mình. Sở hữu giải vô địch quốc gia đắt giá nhất châu lục nhưng đội tuyển của Trung Quốc lại không hề tương xứng. Suốt nửa năm qua, Trung Quốc đá đến 6 trận giao hữu với các đội trong châu lục, toàn bộ đều là những đối thủ bị đánh giá yếu hơn nhưng rồi chỉ giành duy nhất một chiến thắng (trước Syria). Còn lại, họ thua Qatar, hòa Bahrain, Ấn Độ, Palestine và vừa thua thêm Iraq. Không lạ khi người hâm mộ Trung Quốc mới đây lại thêm một phen trút giận lên HLV Marcelo Lippi.

Trái lại, một số đội bóng vốn bị đánh giá yếu như Palestine đang dần "lên hạng" trong mắt giới chuyên môn nhờ liên tiếp có các chiến thắng thời gian gần đây. Trong khi đó, nhiều đại gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Saudi Arabia lại chuẩn bị khá sơ sài trước giải.

Cụ thể, trong khi Nhật Bản không đá trận giao hữu nào thì Hàn Quốc và Saudi Arabia cũng chỉ đá một trận (hai đội sẽ gặp nhau vào ngày 31-12 tới).

HLV Queiroz bị chỉ trích

Ngay sau khi ông Queiroz tuyên bố mục tiêu là lọt vào top 4, cựu danh thủ Khodadad Azizi của Iran giận dữ chỉ trích HLV này trên tờ Tehran Times: "Chúng tôi không phải những kẻ ngốc. Iran được xem là đội mạnh nhất giải, Ali Daei được xem là tiền đạo xuất sắc nhất và giờ ông Queiroz bảo ông ấy mơ đến việc lọt vào top 4. Ông ấy đã dẫn dắt Iran 8 năm rồi và là một trong những HLV được trả lương cao nhất thế giới. Chúng ta cần một người có thể chấm dứt cơn khát danh hiệu của đội nhà".

Tuy từng 3 lần vô địch Asian Cup nhưng danh hiệu gần nhất của Iran đã cách đây những 38 năm. Hàn Quốc còn tệ hơn nữa khi lần gần nhất vô địch là vào năm 1960.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên