10/05/2012 07:49 GMT+7

Khó lắm thay, ôi phim chính luận!

PHẠM NGỌC TIẾN
PHẠM NGỌC TIẾN

TT - Từ hôm phim Đàn trời lên sóng mình nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi han này nọ, trong đó không ít nhà báo phỏng vấn.

IFc8DWCe.jpgPhóng to
Nhiều tập phim bắt đầu bằng tiếng sáo của ông lão mù Xẩm Ky (diễn viên Hồng Chương - trái) cất lên trước mỗi biến cố của người dân trong Đàn trời - Ảnh đoàn phim cung cấp

Mình phải từ chối dù rất thông cảm cho cánh phóng viên trẻ cần có tin bài. Chẳng phải chảnh gì đâu, ngồi ru rú bên bàn máy cả ngày nhạt mồm nhạt miệng có người đàm thoại sướng thôi rồi cắc cớ gì mà phải chối. Nhưng nói về phim của mình thì đó lại là điều tối kỵ. Khán giả bây giờ tinh tường lắm, họ có quyền quay lưng, có quyền phán xét.

Nói điều này là thật lòng, một bộ phim chiếm được cảm tình của khán giả không phải dễ. Nhất là phim chính luận. Loại phim này đụng chạm nhiều thứ, lại hay bị suy luận, quy chụp và rất dễ bị sa vào khô cứng, khó hay nên việc sản xuất rất chi là rắc rối. Thôi thì tán nhảm về phía sau nó một chút vậy để mọi người hiểu thêm về phim chính luận.

“Tự thú” của nhà biên kịch

Thuật ngữ “chính luận” được gắn vào dòng phim phản ánh những vấn đề nóng, bức xúc của xã hội không biết từ bao giờ. Chỉ biết là dân làm phim rất ngại nó, thậm chí là sợ. Trước hết là áp lực an toàn để được lên sóng. Lấy phim Chuyện làng Nhô làm thí dụ. Khi mình viết xong kịch bản, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ ở vai trò biên tập giao cho đạo diễn Trần Quốc Huấn. Lúc đọc kịch bản phân cảnh của đạo diễn mình toát mồ hôi hột. Những gì gay cấn nhất mình cố tình làm chìm đi, ẩn ý thì ông đạo diễn kiêm nhà văn đàn anh mình rất kính trọng này lại bắt được hết và đẩy nó nổi bềnh lên. Trời ạ, thế này thì ai duyệt cho sản xuất được.

Sau nhiều tới lui, cực chẳng đã mình và Thu Huệ phải bàn bạc không thể sử dụng bản phân cảnh này vì chấp nhận nghĩa là không bao giờ phim được lên sóng. Sau đó mình ở danh nghĩa biên kịch phải viết một bản đề nghị từ chối kịch bản phân cảnh. Và kết cục như mọi người biết, phim được phát sóng với một đạo diễn khác. Về việc này mình thú nhận là vô cùng ân hận vì hèn. Đến tận bây giờ dù đã xin lỗi Trần Quốc Huấn thì mình vẫn coi đó là một hành động thiếu đứng đắn không thể tha thứ.

Chính luận... có một nỗi niềm

Sự đụng chạm ở bối cảnh có lẽ là điều quan trọng nhất với một phim chính luận. Tiểu thuyết Đàn trời của nhà văn Cao Duy Sơn dày hự, in quãng năm 2005. Mình đọc và thấy có quá nhiều vấn đề hay được ông nhà văn người dân tộc Tày này tải trong đó. Bối cảnh không gian tiểu thuyết dù đã được lái chệch tên gọi thì vẫn nhận ra đó là mảnh đất Cao Bằng.

Đọc xong mình quyết định chuyển tiểu thuyết sang kịch bản. Nhưng cũng phải đến bảy năm sau mới hoàn thành được phim này. Bối cảnh phim chính luận không như bối cảnh của phim giải trí. Phim giải trí có thể làm ở trường quay. Hàng trăm tập phim được thực hiện với bối cảnh cố định. Nhưng phim chính luận thì đừng có mơ được như thế. Thậm chí bối cảnh được hình thành hai lần từ biên kịch đến đạo diễn.

Làm Đàn trời, mình đã cùng với nhà văn Cao Duy Sơn đi khảo sát ròng rã các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng. Đi để hình dung nhân vật với những bối cảnh cần xây dựng trong kịch bản. Trước hết, từ trên giấy địa danh phim dứt khoát không thể là Cao Bằng. Mình đã mò mẫm vào tận bản xa xôi của người Dao Tiền tìm hiểu đời sống của họ. Nhân vật tuy cũng khó nhưng không nan giải bằng bối cảnh. Cái thác nước biểu tượng đàn trời trong kịch bản không thể quay ở những thác nổi tiếng vì điều đó sẽ gây ra những ngộ nhận, những hiểu lầm, những suy đoán ở địa phương có thác.

Cầy cục rồi thì kịch bản cũng hoàn thành và giao cho đạo diễn Bùi Huy Thuần. Mình chỉ có một đề nghị, ông quay thế nào cũng được nhưng trừ Cao Bằng ra. Vị đạo diễn từng làm nhiều phim chính luận này gật gù, hiểu rồi, hiểu rồi. Và toàn bộ bối cảnh thực quay đã được đạo diễn quy hoạch một cách công phu và vô cùng gian khổ. Tất nhiên nó rất khác với bối cảnh trên giấy của kịch bản. Đào đâu ra một trụ sở ủy ban tỉnh thật nào xuất hiện trong phim được. Phải biến báo, phải tạo ra một trụ sở khác cho cái tỉnh giả định trong phim (tên tỉnh đã được đổi chệch đi thành Bình Lãng).

Phim được quay ở nhiều tỉnh thành, trong đó có những vùng sâu vùng xa rừng núi không có nơi ăn chốn nghỉ. Các bối cảnh ủy ban, tỉnh ủy, đài truyền hình... nhạy cảm phải được họa sĩ cấu trúc hết sức thận trọng. Nghệ sĩ Hoàng Dũng (vai chủ tịch tỉnh) kể thậm chí ông phải thoại thầm trong miệng chỉ để lấy khẩu hình cho diễn viên lồng tiếng sau này chứ không dám thoại to vì sợ chủ nhà biết phim chống tiêu cực sẽ không chấp nhận. Bị đuổi đi giữa chừng vỡ bối cảnh thì coi như... tong.

Bí mật... như hoạt động tình báo

Bối cảnh là như vậy, những gì thể hiện cũng phải rất tỉnh táo. Có lần cơ quan truyền hình tá hỏa vì cái công văn của một vị tướng tư lệnh quân khu phản đối do trong phim có xe biển đỏ chở gỗ lậu của bọn lâm tặc. Công văn đề rõ quân đội không như thế, cần phải cải chính. Chao ôi là họa. May cái xe biển đó ở tập kế tiếp bị công an bắt. Hóa ra đám lâm tặc làm biển giả để vận chuyển. Hú vía cú xe biển đỏ. Thế nên trong các phim chính luận biển số xe địa phương cũng phải tính. Họa sĩ phải mò tận Cục Đường bộ để hỏi xem những con số nào chưa được cấp cho địa phương để đoàn phim sử dụng.

Vậy mới có xe biển số 10, 96... xuất hiện trong phim. Điểm này có lẽ chỉ VN mình có. Và cũng vì những đụng chạm này nên mọi hoạt động ở địa phương của đoàn phim chính luận phải bí mật như hoạt động tình báo. Cũng bởi do điều kiện quay động không có phim trường, nên mọi cảnh quay nếu địa phương không tạo điều kiện thì không thể thực hiện nổi. Nếu họ biết là phim chính luận lập tức hiểu ngay sang chống tiêu cực thì thôi rồi đừng quay kiếc gì hết. Mình đã nếm trải điều này ở phim Ma làng. Bối cảnh câu chuyện ở Tuyên Quang và mọi thứ đều rất thuận lợi, thật từ bối cảnh đến nhân vật. Nhưng khi đặt vấn đề nhờ giúp đỡ, đoàn phim không được đón nhận đành phải bỏ Tuyên Quang chạy sang Hà Giang và sau cùng là chuyển về Hòa Bình.

Tạm vài điều kể trên đã thấy làm phim chính luận phức tạp thế nào. Chưa kể vấn đề định tải đến đâu còn phụ thuộc vào bản lĩnh, ý thức và tài năng của người làm nữa. Rồi kinh tế, rồi... trăm thứ “rồi”, chả trách chỉ mấy hãng phim nhà nước mới dám xài chính luận. Các hãng tư nhân cứ giải trí, tình yêu, hôn nhân cho nó lành, cho nó an toàn. Khó lắm thay, ôi phim chính luận!

Đàn trời: phơi bày chuyện đấu đá nội bộ

Bộ phim Đàn trời xoay quanh cuộc sống nhiều thăng trầm của người dân miền núi tỉnh Bình Lãng. Không ngần ngại phơi bày những thủ đoạn tranh giành, đấu đá nội bộ cũng như nhiều “tiểu xảo” chốn quan trường “dính” bóng hồng nhan, nhân vật chính trong phim là ông quan đầu tỉnh Đinh Xuân Ấn (NSND Hoàng Dũng). Cả một chính quyền vận hành dưới tay quan tham háo sắc, ông câu kết với doanh nghiệp tìm mọi cách cướp từng tấc đất, miếng ao của dân cho đến khi những nhà báo nỗ lực tìm cách lôi sự thật ra ánh sáng.

Khởi chiếu từ ngày 18-4, đến nay đã chiếu được chín tập (tính đến ngày 9-5), dù chưa được các trang diễn đàn điện ảnh bàn luận sôi nổi, song tại nhiều trang đăng phim trực tuyến, phần lớn bình luận khen ngợi bộ phim “mang tính thời sự”, “đã miêu tả sát thực tế những sự việc từng gây chấn động trong xã hội”. Phim hiện đang phát sóng vào 20g từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần trên VTV1.

PHẠM NGỌC TIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên