02/11/2020 12:18 GMT+7

Khó kiểm soát cho vay ngang hàng

ĐẶNG TUÂN
ĐẶNG TUÂN

TTO - Hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) biến tướng chủ yếu do người Trung Quốc điều hành, không đặt máy chủ tại Việt Nam nên khó kiểm soát rủi ro.

Khó kiểm soát cho vay ngang hàng - Ảnh 1.

Người dân cần tìm hiểu kỹ quy định về cho vay của các ứng dụng, lựa chọn ứng dụng cho vay uy tín, không có các hành vi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo Bộ Công an, hiện chưa có quy định pháp luật về hoạt động cho vay ngang hàng nhưng cả nước đang có khoảng 100 công ty cho vay ngang hàng. Các công ty cho vay ngang hàng hoạt động biến tướng, không đúng bản chất của loại hình này là kết nối người cho vay với người vay. Một số công ty cho vay ngang hàng lách luật thu thêm phí dịch vụ, nâng lãi suất lên tới 700%/năm.

Các công ty cho vay ngang hàng đang cấu kết với cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính, bán dữ liệu, thông tin cá nhân người vay để quảng cáo, môi giới, tiếp thị theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống.

Trong đó, có công ty cho vay ngang hàng sau 3 năm hoạt động có tới 14.000 tổ chức, cá nhân tham gia với vai trò bên cho vay, 1,5 triệu cá nhân tham gia với vai trò người vay. Công ty có hoạt động cho vay ngang hàng đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh như dịch vụ cầm đồ, tư vấn tài chính, môi giới tài chính nên khó kiểm soát.

Đối với hoạt động cho vay ngang hàng, Bộ Công an, công an các địa phương đã thu thập thông tin, hồ sơ các công ty đăng ký hoạt động cho vay, trung gian cho vay ngang hàng có biểu hiện tín dụng đen thông qua các website, ứng dụng trên nền tảng điện thoại di động. 

Cơ quan công an đã tập hợp hồ sơ 51 tổ chức, công ty có liên quan đến tín dụng đen, gồm 15 công ty Việt Nam, 7 công ty Trung Quốc, 2 công ty Singapore, 1 công ty Hoa Kỳ, 1 công ty Scotland, 25 công ty chưa xác định được nơi đặt trụ sở chính, nơi đăng ký kinh doanh.

Với hoạt động cho vay trực tuyến, lực lượng công an đã lập danh sách theo dõi 25 website hoạt động quảng cáo, mời đánh bạc, huy động vốn liên quan đến tín dụng đen, đồng thời bắt giữ 114 đối tượng liên quan.

* Ông Đậu Bá Tạo (TP Long Khánh, Đồng Nai): Có ai bỏ tiền cho nhóm "tín dụng đen" cho vay không?

Thời gian qua chuyện tạt sơn, đe dọa đòi nợ giảm rõ rệt vì lực lượng công an đã quyết tâm bắt nhiều băng nhóm và "điểm mặt, chỉ tên" ở nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, không ít người đã hỏi liệu "tín dụng đen" sắp tới có còn tồn tại không? Bởi, người dân từng đặt vấn đề có hay không chuyện ai đó đã bỏ tiền cho các nhóm "tín dụng đen" cho người nghèo vay với lãi suất "cắt cổ", coi pháp luật không ra gì.

Báo chí cũng từng đề cập người vay bị đe dọa đến sinh mạng, bị cướp đất nhưng khi xử có khi chỉ là tranh chấp dân sự. Ngoài việc xử lý nghiêm minh, triệt phá các nhóm cho vay nặng lãi, cần có chính sách tạo điều kiện cho người nghèo có vốn làm ăn...

H.MI

* Trung tá Ngô Hồng Vương (đội trưởng Phòng trọng án, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an): Cảnh giác với lãi suất cho vay trên 20%/năm

Hiện nở rộ ứng dụng cho vay như vay qua các phần mềm (app) trên điện thoại. Tuy nhiên, một số đối tượng thu lãi suất rất cao hoặc lách quy định bằng cách thu thêm các khoản phí, về bản chất là lãi suất thu thêm. Nếu cộng cả phí và lãi quy ra lãi suất có thể lên đến 1.400%/năm (gấp 700 lần so với quy định).

Khi đi vay người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định cho vay của các ứng dụng, lựa chọn ứng dụng cho vay uy tín, không có các hành vi đòi nợ theo kiểu "xã hội đen", lăng mạ, xúc phạm. Đặc biệt, cần cảnh giác với lãi suất cho vay vượt quá quy định là 20%/năm để tránh bị đưa vào vòng xoáy lãi mẹ đẻ lãi con.

L.THANH

'Tín dụng đen' phải ngăn từ gốc!

TTO - Sau khi đăng loạt bài 'Vòi bạch tuộc bẫy nợ", Tuổi Trẻ Online nhận được bài viết của bạn đọc là luật gia Phạm Văn Chung góp thêm giải pháp cho vấn nạn "tín dụng đen" gây bức xúc dư luận thời gian qua.

ĐẶNG TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên