27/01/2011 00:30 GMT+7

Khổ ải đường về miền Trung

Nhóm PV - CTV
Nhóm PV - CTV

TT - Đường về miền Trung của hàng vạn dân nghèo đang mưu sinh ở các tỉnh phía Nam và hàng ngàn sinh viên về quê nhà đón tết là một hành trình không mấy suôn sẻ. Đường sá hư hỏng làm cuộc trở về nhọc nhằn hơn.

rN02gyvx.jpgPhóng to
Đường hư ở đoạn Phú Yên, công nhân cầu đường phải làm hiệu để đầu kia dừng cho đầu này xe qua -Ảnh: Duy Thanh

Mãi đến 10g ngày 26-1, sau khi xuất bến 14 giờ, hành khách đi xe chất lượng cao của Hãng Thuận Thảo từ TP.HCM đi Đà Nẵng mới được ăn bữa sáng tại Tuy Hòa, Phú Yên sau khi xe phải “nằm” vì tắc đường gần bốn giờ ở Vạn Ninh, Khánh Hòa.

WL7Bz7xz.jpgPhóng to
Khách đón xe dọc đường gần ngã tư Bình Phước (TP.HCM) luôn là đối tượng của “cò” xe - Ảnh: SƠN LÂM

Nút thắt đèo Cả - Phú Yên

Ông Lê Minh Đức, hành khách trên chuyến xe này, than thở: “Xe rời bến xe miền Đông lúc 20g15 ngày 25-1, nhà xe thông báo theo lộ trình bình thường thì khoảng 17g ngày 26-1 tới Đà Nẵng. Vậy mà khoảng 3g sáng 26-1 thì xe nằm chết gí ở huyện Vạn Ninh bởi đèo Cả bị tắc do tai nạn giao thông. Mãi đến 7g sáng xe mới tiếp tục chạy, nhích từng tí một vì hàng ngàn xe bị kẹt hai bên đầu đèo”.

Người đàn ông 51 tuổi ở quận Liên Chiểu này rời quê vào TP.HCM làm nghề đóng giày, nay mới về thăm nhà. Chẳng riêng gì ông, hàng ngàn bà con lao động, sinh viên từ TP.HCM về quê ăn tết trên hàng trăm chiếc xe bị kẹt đường nhiều giờ liền cùng chung tâm trạng.

Xe 32 ghế chở... 72 người

Tại Đồng Nai, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ ở chốt giao thông ngã ba Dầu Giây, tuy chưa đến ngày cao điểm nhưng tình trạng nhồi nhét khách đã xảy ra. Trong đó, “thâm hậu” nhất là xe khách 36M-3077, số ghế chỉ được chở là 32 người nhưng đã “nhét” đến 72 người. Lực lượng chức năng đã buộc các chủ xe chở vượt người phải trả tiền lại để khách tự đón xe về quê hoặc hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải đưa khách đi đúng lộ trình. Thiếu tá Nguyễn Văn Tư, đội cảnh sát giao thông trạm Suối Tre, cho biết phải sau 25 tháng chạp, tình trạng nhồi nhét xảy ra mới nhiều vì đó là những ngày cao điểm.

Anh Lê Oanh Khoa, tài xế xe khách Thuận Thảo tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng, nói: “Đèo Cả là nỗi ám ảnh thường trực đối với cánh lái xe” vì chỉ cần một sự cố trên đèo là tắc đường ngay. Sự cố rạng sáng 26-1 là một chiếc xe đầu kéo rơmooc bị hỏng máy nằm chình ình trên đèo, các xe đi chiều ngược lại không chịu nhường đường, thế là giao thông ùn tắc.

Thượng tá Nguyễn Hữu Bình - phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Phú Yên - cho biết: “Những ngày qua, tình trạng tắc đường trên đèo Cả thường xuyên xảy ra vì lưu lượng xe rất lớn. Do đó, một tổ gồm bảy cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông Công an Phú Yên đã lập chốt ở đây 24/24 giờ để sẵn sàng điều tiết giao thông nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc có thể xảy ra”.

Không chỉ đèo Cả, quốc lộ 1A qua Phú Yên bị hư hỏng khá nặng sau mùa lũ lụt vừa rồi cũng là nguyên nhân làm chậm các chuyến hành trình.

Trưa 26-1, chúng tôi lên xe khách 29 chỗ của anh Lê Đình Nghĩa, đi từ Tuy Hòa đến Quy Nhơn và chứng kiến đoạn quốc lộ từ xã An Dân (huyện Tuy An) đến hết phường Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) dài hơn 10km đường sá nham nhở đang được khẩn trương vá víu, san lấp vội vã, xe cộ qua lại giảm tốc độ luân phiên chạy một chiều.

Tài xế Nghĩa vừa điều khiển xe chậm rãi lăn từng vòng bánh, tay lái xoay trở liên tục, mắt căng thẳng dán xuống từng mét đường vừa cố pha trò cho hành khách bớt nóng ruột: “Đấy các bác thấy chưa, đường sá thế này làm sao chạy nhanh được”.

Bị nhồi nhét và ăn cơm “chém”

Trên quốc lộ 1A đoạn tỉnh Quảng Trị, phóng viên Tuổi Trẻ đón xe ra Vinh. Hơn một giờ đứng vẫy xe, có khoảng 20 xe khách hối hả vụt qua và liên tục lắc tay báo không còn chỗ. Mãi sau mới có xe chạy tuyến TP.HCM - Hải Dương dừng lại. Phụ xe hét giá 300.000 đồng, gấp đôi giá bình thường.

Tuy nhiên, chiếc xe 45 chỗ ngồi chật cứng người và hàng hóa, đoạn nửa sau của xe nhiều người phải ngồi ngay trên những bao hành lý. So với số ghế quy định, trên xe lúc này “thừa” ít nhất trên chục người. Tuy nhiên, phụ xe vẫn nhiệt tình thò đầu ra vẫy vẫy mỗi khi thấy có khách đợi xe.

Du di cho khách có vé sai quy định

Bước sang ngày thứ hai cao điểm phục vụ hành khách đi lại trong dịp tết, ga Sài Gòn có 19 đoàn tàu Bắc - Nam và các đoàn tàu địa phương chở khoảng 12.000 hành khách về quê. Theo ông Nguyễn Văn Thành - phó ga Sài Gòn, bình quân mỗi đoàn tàu có khoảng 18 hành khách trình vé không đúng tên ghi trên vé. Theo quy định, những người trình vé không đúng tên sẽ không được đi tàu. Tuy nhiên ga Sài Gòn đã linh động giải quyết cho những người trong cùng gia đình được đổi vé nhưng phải nộp lệ phí 10% giá trị vé. Các trường hợp khác phải nộp 30% trị giá vé mới được ga đổi vé.

Theo ông Thành, ngành đường sắt quy định hành khách lên tàu trình vé không đúng tên, nhân viên tàu sẽ buộc hành khách mua giá vé gấp đôi cho đoạn đường đến ga gần nhất và buộc hành khách phải xuống ga đó. Thế nhưng xét thấy người đi tàu đã tốn tiền mua vé nên Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn chấp nhận cho người sử dụng vé tàu nộp lệ phí đổi vé và cho đi tiếp. Đây cũng là biện pháp để ngành đường sắt chống nạn “cò” vé chợ đen. Ga Sài Gòn khuyến cáo bà con đổi vé trước một ngày và chậm nhất là trước 1-2 giờ tàu chạy để không bị lỡ chuyến tàu.

Lê Thành Châu, một hành khách quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa), gà gật ngay giữa lối đi, mệt mỏi cho biết: “Chen chúc nhau thế này nên cả đêm qua có chợp mắt được phút nào đâu...”.

Bên cạnh, vài người khác cũng lừ đừ. Đến địa phận xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị), thấy chốt cảnh sát giao thông, phụ xe giục: “Ngồi thấp xuống kẻo công an”. Xe dừng, một cảnh sát giao thông bước lên xe nhìn vói vào rồi nhanh chóng tụt xuống. Xe tiếp tục cuộc hành trình.

Đến giáp địa phận huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khi khách kêu đói nhiều lần, nhà xe mới tấp vào một quán cơm. Một đĩa cơm với ít thịt, rau và bát canh lạnh ngắt bị “chém” 40.000 đồng! Có vẻ không còn cảnh cơm tù nhưng tình trạng “chặt chém” vẫn còn đất sống.

Xe dù đầy rẫy bất an

Tại TP.HCM, tuy lượng khách về quê ăn tết trong ngày 23 tháng chạp chưa nhiều nhưng cũng đầy rẫy sự nhọc nhằn.

Dọc quốc lộ 1A từ ngã tư Bình Phước đến ngã ba Vũng Tàu, rải rác các quán nước đều có những người ngồi chờ xe về quê. Đây là miếng mồi ngon cho lực lượng “cò” xe.

12 giờ trưa, tại ngã tư Bình Phước, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Hòa và Trần Thị Trúc đón xe về Thanh Hóa dù ra sức tránh né nhưng cũng bị “cò” chèo kéo, ép đẩy lên một chiếc xe dù. Một chủ quán nước tại đây cho biết mỗi ngày có hàng chục hành khách, chủ yếu là nữ và người già, bị ép lên xe như thế.

Tại chân cầu Bình Triệu, khi đứng chờ xe chúng tôi cũng chịu chung số phận: chiếc xe chạy tuyến Sài Gòn - Quảng Nam trờ tới, chưa kịp lên tiếng thì tôi và một số hành khách bị lơ xe giật túi đẩy lên xe. Sau khi bắt khách, xe tiếp tục chạy lòng vòng chậm rãi trên quốc lộ 13 tìm khách. Những hành khách tiếp theo đều bị nhà xe giật túi đẩy lên.

Xe thong dong chạy tới cầu vượt Sóng Thần rồi... quay lại địa điểm cũ là bến xe miền Đông để tiếp tục lượt bắt khách thứ hai. Kết thúc lần thứ hai khi đến Suối Tiên mất gần hai giờ rưỡi.

Một hành khách đón xe về Quy Nhơn ảo não: “Hơn hai giờ mà vẫn nằm đây, không biết đến bao giờ mới về nhà nữa”.

Trên chuyến hành trình bắt khách, chủ xe và “cò” phối hợp với nhau liên tục chửi, quát tháo bằng lời lẽ rất thô tục với hai hành khách nữ phía sau vì không đòi được tiền như ý: “Mày đưa đủ tiền cò và tiền xe cho bọn tao, không thì cút xuống”. Vừa chửi, hai tay “cò” vừa tát vào mặt hai hành khách rồi thò tay móc túi. Cuối cùng hai khách nữ vừa khóc vừa phải móc hết số tiền 1,2 triệu đồng đưa cho hai tên “cò” trong khi họ chỉ về tới Quảng Nam.

Hai đoạn đường “đổ bệnh” nặng

Chiều 26-1, trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên Phạm Văn Hóa nói: “Quốc lộ 1 từ Hà Nội vào Bình Thuận có rất nhiều đoạn đường bị hư hỏng nhưng đoạn qua Phú Yên là hư hỏng nặng nề và xử lý phức tạp nhất”.

Theo số liệu của công ty này, đoạn qua Phú Yên có đến 19.000m2 mặt đường bị bong tróc, có ổ gà; 15.300m2 mặt đường bị sình lún, “ổ trâu”, “ổ voi” sau mùa mưa 2010.

Ông Hóa cho biết: “Chúng tôi nhận quản lý đoạn quốc lộ này từ năm 2004, đến nay thì cung đường này đã hư hỏng, sình lún, cong vênh gần như toàn tuyến, nhất là đoạn qua đèo Cả và huyện Tuy An, thị xã Sông Cầu. Chúng tôi đã triển khai chiến dịch sửa chữa quốc lộ 1 và đến nay sắp hoàn tất. Tuy nhiên chỉ là nỗ lực vá mặt đường bị hỏng. Muốn đường êm thuận, phải có vốn lớn để xử lý cả nền đường”.

Trong khi đó, trên quốc lộ 1A đoạn tránh TP Huế, từng đoàn xe tải, xe khách nối đuôi nhau ì ạch trên con đường đã hư hỏng nặng nề. Trên suốt chiều dài 37km của tuyến đường, gần như nơi đâu cũng có ổ gà, ổ voi và sình lún ken đặc.

Tuyến này được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2003 với tổng mức đầu tư gần 400 tỉ đồng. Nhiều đoạn vừa được sửa chữa tại các km5, km9, km16, km26... cũng bị bong tróc từng mảng lớn khiến xe cộ nhảy chồm chồm.

a0pbd1fE.jpgPhóng to
Đoạn qua thị xã Sông Cầu (Phú Yên) xe chỉ chạy được một làn, nhích từng chút một - Ảnh: BẢO TRUNG
Nhóm PV - CTV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên