09/06/2017 11:14 GMT+7

Khiếu nại việc kháng nghị bản án luật gia thắng kiện 54 tỉ

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Theo luật gia Đặng Đình Thịnh, pháp luật không bắt buộc giao dịch dân sự hứa thưởng phải được công chứng, chứng thực nên kháng nghị giám đốc thẩm ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của ông.

căn nhà số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai là tài sản phát sinh tranh chấp - Ảnh: Gia Minh
Căn nhà số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai là tài sản phát sinh tranh chấp - Ảnh: Gia Minh

Luật gia Đặng Đình Thịnh vừa có đơn khiếu nại gửi Viện trưởng Viện KSND tối cao, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đề nghị không hủy bản án “Tranh chấp hợp đồng hứa thưởng” giữa ông với bị đơn là ông Nguyễn Đắc Quang và bà Vương Thị Khanh (ngụ tại Hoa Kỳ).

Trước đó TAND cấp cao tại TP.HCM đã xét xử vụ án nêu trên và tuyên buộc bà Khanh và ông Quang phải trả cho ông Thịnh số tiền hơn 54 tỉ đồng.

Tuy nhiên mới đây, Chánh án TAND tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án nêu trên để xét xử lại.

Tại đơn khiếu nại, luật gia Đặng Đình Thịnh đã nêu các căn cứ để cho rằng quyết định kháng nghị giám đốc thẩm là không có cơ sở, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông.

Theo ông Thịnh, từ năm 2007 đến năm 2008, giữa ông, bà Khanh và ông Quang đã ký nhiều hợp đồng hứa thưởng với nội dung sau khi có bản án giao trả lại cho bà Khanh hai căn biệt thự song lập hoặc một trong căn biệt thự tại số 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai (phường 5, quận 3, TP.HCM) thì bà Khanh và ông Quang sẽ trả thưởng cho ông Thịnh 15% trên tổng giá trị nhà đất.

Đến năm 2008, cả ba người tiếp tục ký phụ lục hợp đồng tăng phần thưởng lên thành 25% rồi 30%.

Lần cuối cùng, cả ba ký lại thỏa thuận với nội dung tăng phần thưởng và thù lao tổng cộng là 35% trên tổng giá trị nhà đất mà ông Thịnh đòi lại được.

Kể từ ngày ký thỏa thuận sau cùng thì các văn bản ký trước đó không có giá trị. Thỏa thuận sau cùng này được công chứng bởi công chứng viên tại California - Hoa Kỳ.

Theo luật gia Đặng Đình Thịnh, vì gia đình bà Khanh không có điều kiện đi khiếu nại nên mới nhờ ông thay mặt bà đi đòi nhà và tự nguyện ký cam kết sau khi khiếu nại có kết quả sẽ trả phần thưởng cho ông.

Pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc giao dịch dân sự hứa thưởng phải được công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền.

Về việc bản kháng nghị cho rằng vợ chồng bà Khanh có 9 người con, tuy nhiên, các thỏa thuận hứa thưởng chỉ có cụ Khanh và ông Quang ký, vì vậy cần hỏi ý kiến của 8 người con còn lại.

Ông Thịnh cho rằng lập luận này là không có cơ sở bởi 8 người con của bà Khanh đều ở nước ngoài và hoàn toàn không tham gia vào việc đòi lại căn nhà nêu trên.

“Theo quy định của pháp luật bà Khanh được quyền sở hữu 50% giá trị căn nhà. Bà Khanh hứa trả thưởng cho tôi 35% trên tổng giá trị nhà đất cũng không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế khác”- Luật gia Thịnh cho biết.

Theo ông Thịnh, ông bắt đầu việc khiếu nại đòi nhà cho bà Khanh từ năm 2007 và đã tốn rất nhiều công sức, tâm huyết, chi phí.

Đến khi có kết quả thì bà Khanh lại bội ước không thực hiện nghĩa vụ trả thưởng và thù lao cho ông. Cuối cùng ông phải theo đuổi vụ kiện 5 năm nay để đòi quyền lợi cho mình.                                                         

 

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên