Một luống bắp cải đã có vài cây cuộn chặt chờ thu hoạch.
Từ tháng 8-2022 đến nay, vợ chồng chị Bùi Thị Thương, một phụ huynh đam mê làm vườn sân thượng có con đang học tại trường mầm non này, đã tự nguyện bỏ thời gian, công sức để giúp trường duy trì vườn rau, hoa rực rỡ hoàn toàn miễn phí.
Kiến thức trong khu vườn
Đầu buổi sáng và cuối buổi chiều, khi trời dịu mát, học sinh các lớp sẽ lần lượt được học ngoài trời ở vườn trường. Nhiệm vụ của các con là lấy nước tưới cây. Cô giáo giải thích: cây lớn cần nước, cần phân bón và cần người chăm sóc hằng ngày cần mẫn, yêu thương cây.
Buổi học sáng 8-2 do cô Lê Thị Kiều Diễm hướng dẫn các bé lớp lá nhổ cỏ và quan sát cây. Cô đố các con tên của các loại hoa, rau đang trồng: cà chua, khổ qua, bắp cải, hướng dương, vạn thọ... Các bé cũng quan sát và mô tả cây: có lá, có hoa, có hoa lớn hoa bé, có trái, hoa hướng dương tàn để lại một cái nhụy lớn với nhiều hạt bên trong.
Chứng kiến những lớp học sinh động này luôn khiến chị Bùi Thị Thương xúc động, rộn rã vui trong lòng. Tháng 8-2022, ba tháng sau khi con vào học ở Trường mầm non Hương Sen, đắn đo nhiều lần, chị đề xuất với cô hiệu trưởng về ý tưởng cải tạo giúp vườn rau cho nhà trường.
Chị Thương là nội trợ nhưng với cộng đồng những người mê trồng rau sân thượng ở Việt Nam, chị là một "tay chơi" thứ thiệt. Hình ảnh vườn rau sân thượng nhà chị đã xuất hiện đó đây khắp cõi mạng và trên nhiều mặt báo, được nhiều người ngưỡng mộ, nhắn tin hỏi kinh nghiệm. Chị muốn giúp mang lại tấm áo mới, xanh hơn, đẹp hơn, có hoa nhiều màu, có trái quả cho mảnh vườn của ngôi trường nơi con mình đang học.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị nói: "Tự tay chăm sóc cho khu vườn riêng của gia đình thì rất nhiều người làm được, nhưng tự tay chăm sóc miễn phí liên tục cho trường thì rất ít ai làm được. Trung bình mỗi ngày tôi dành từ 3-4 tiếng để chăm sóc vườn trường. Với niềm đam mê trồng cây và muốn các con học được nhiều điều từ khu vườn, gia đình tôi đã làm được".
Ban đầu, để cải tạo đất, cả hai vợ chồng chị cùng làm trong khoảng 10 ngày. Khi vườn rau đã ổn định, chỉ cần chăm sóc hằng ngày, sáng sau khi đưa con vào học là chị Thương tranh thủ chạy ra nhổ cỏ, tưới cây. Nhiều khi mặc bộ đồ đẹp, mang đôi giày mới đi công việc nhưng thăm vườn, thấy cần chỉnh sửa, chăm sóc cây, lại mải mê làm.
Chiều chị đến trường sớm để tưới cây xong trước giờ đón con. Riêng mỗi lần tưới đúng, tưới đủ để đất vẫn ẩm phải cần 45 phút, ngày hai lần sáng và chiều. "Đôi giày tôi đặt hàng cả tháng trời mới nhận được, yêu thích vô cùng nhưng mang đi tưới cây thường xuyên quá mà giờ ọp ẹp thế này", chị Thương nói khi tôi thắc mắc sao mang giày hiệu mà đi tưới cây.
Thời gian dành cho vườn cần nhiều hơn vào những lúc hết một đợt rau, hoa vì phải làm đất để trồng lứa mới. Khi đó sau đi chợ, cơm nước ở nhà, chị Thương trở lại trường làm đất từ 10h đến 2h-3h chiều, bỏ cả cơm trưa để mau xong việc.
Thứ bảy, chủ nhật, các bé không đi học, vợ chồng chị Thương cũng vẫn vào trường chăm cây vì cây đã trồng, không thể thiếu nước. Chồng chị Thương chơi với con, cho con chạy nhảy trong thời gian chờ vợ chăm vườn. Mặc dù không thường trực hằng ngày như chị Thương, mỗi tháng anh cũng bỏ ra 40-50 tiếng phụ vợ cuốc đất, làm giàn ở vườn trường.
Từ mảnh đất khô cằn, chính bàn tay vợ chồng chị Thương đã cuốc sâu, lật từng cục đất chai, trộn vỏ trấu, vỏ đậu, xơ dừa để đất tơi xốp hơn. Họ tự gieo hạt, làm phân bánh dầu, phân chuối tại nhà rồi chở vào trường để tưới chứ nhất quyết không sử dụng phân hóa học. "Công sức là rất nhiều", chị Thương cho biết.
Chị Thương chia sẻ ban đầu hai vợ chồng dự định sẽ hỗ trợ cải tạo lại vườn cho đẹp trong ba tháng rồi sẽ bàn giao lại cho nhà trường quản lý và chăm sóc. Tuy nhiên, khi thấy khu vườn đầy màu sắc được các học sinh ra tham quan mỗi ngày, vợ chồng chị quyết định sẽ hỗ trợ trường tiếp khi còn điều kiện.
"Trong lúc làm vườn nghe các bé nói những câu rất ngây ngô dễ thương, như gọi trái khổ qua là trái sầu riêng, cây bắp (lúc chưa có trái) các con tưởng là cây dừa, rồi thấy các cô dạy các con kiến thức về quá trình sinh trưởng của hoa, dặn các con bảo vệ cây, không hái bẻ đạp lên cây..., tôi thấy vui. Đó là sự bù đắp cho những mệt nhọc trong lúc làm vườn của tôi", chị Thương tâm sự.
Trăm phụ huynh chưa có một người
Ban đầu, thấy người phụ nữ đội nón lá, làm đất, làm giàn, chăm cây thành thạo, nhiều phụ huynh và cả cô giáo trong trường tưởng chị Thương là nông dân được phụ huynh nào đó thuê tới làm vườn giúp trường. Không ai nghĩ chính phụ huynh lại có thể dành quá nhiều thời gian, công sức để chăm vườn trường hoàn toàn vô vụ lợi.
Chị Thương cho biết mấy tháng qua, có lúc cả gia đình cùng bị sốt nhưng sợ cây héo, hoặc cây giống chuẩn bị sẵn phải trồng đúng tuổi, cả nhà uống thuốc hạ sốt, chờ cơn sốt hạ ba người lại chở nhau đi chăm vườn.
Mặc dù có nhiều năm trồng rau sân thượng thành công, chị Thương cho biết trồng cây trên đất "vất vả hơn nhiều". Đất bạc màu, cằn cỗi, chai, không tơi xốp như đất tự trộn ở nhà khiến chị phải bỏ nhiều công sức cải tạo. Cây trồng dưới đất, trong trường, không sâu sát như ở nhà nên ốc sên, chuột đến cắn phá cây ban đêm và trong lúc người chăm sóc không có mặt nên chị phải giặm cây liên tục.
"Số cây con giặm vào luống do bị ốc sên, chuột, chim ăn còn nhiều hơn số cây trồng. Có ngày sáng tôi vào giặm 5 cây chiều lại phải giặm 5 cây nữa, rất nản nhưng tôi không bỏ cuộc", chị tâm sự.
Cây giống, hạt giống chị Thương dùng đa số là giống ngoại để các học sinh và thầy cô thấy trực quan nhiều loại rau khác nhau mới lạ. Khi được hỏi chi phí số tiền mỗi tháng hay tổng số tiền giống cây đến nay là bao nhiêu, chị Thương nhất định không tiết lộ. Chị cười xuề xòa: "Không cộng đâu vì mất công tôi lại tiếc".
Cô Diệp Tú Anh, phó hiệu trưởng Trường mầm non Hương Sen, quận Bình Tân, cho biết trước đây vườn trường có trồng rau thơm, rau cải nhưng chị Thương đã biến khu vườn thành một khu vườn đa dạng, có nhiều loại rau, loại hoa mà trước đây trường không trồng được.
Cô Tú Anh cho biết các bé rất thích khu vườn, đặc biệt là khi được trải nghiệm thu hoạch rau. Cũng theo cô Tú Anh, có rất ít phụ huynh nhiệt tình như chị Thương khi sẵn sàng bỏ thời gian bền bỉ chăm cây mỗi ngày. Chỉ có tấm lòng cũng như kinh nghiệm của phụ huynh về kỹ thuật làm vườn mới có thể xử lý và kiên trì xử lý các khó khăn trong trồng và chăm cây ở vườn trường. Điều này, người làm vườn của trường cũng không làm được.
Rất nhiều trường có vườn nhưng để duy trì một khu vườn xanh tươi, đẹp đẽ thì nhiều trường không làm được. Theo chị Thương, nếu các trường trả lương để tuyển một người chăm sóc vườn trường với yêu cầu trồng nhiều loại rau, hoa mới, rau xứ lạnh như chị đã làm chắc ít ai dám nhận lời. Khu vườn nở hoa vì chị đã dành vào đó sự yêu thương, tâm huyết, không quản nắng mưa, mệt nhọc. Chị nói: "Cần thật sự yêu thương, chăm sóc, hy sinh, thương cây có khi còn hơn thương cả bản thân mình cây mới lớn từng ngày".
Chị Thương kể mình cũng thất bại do gặp sâu bệnh, cây lớn chậm nhưng gan lì không nản chí. Thấy cây không lớn, biết nguyên nhân do lớp đất bên dưới chai, cây không bén rễ, chị sẵn sàng bứng toàn bộ cây và bầu đất lên rồi cuốc bật nền đất bên dưới, xử lý toàn bộ rồi lại trồng cây xuống.
Chị cũng cho biết một số hiệu trưởng các trường công và tư ở TP.HCM có liên hệ mời chị đến tham quan vườn trường và nhờ chia sẻ, tư vấn cách cải tạo vườn.
Chị dự định sẽ đến các trường gần nhà trong thời gian sớm nhất. Với trường xa, chị Thương sẽ chia sẻ kinh nghiệm miễn phí hết mình trong khả năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận