30/01/2021 14:53 GMT+7

Khi trẻ em làm... 'ông bà nghị'!

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Ba năm thí điểm hình thành, Hội đồng trẻ em đã tạo ra một diễn đàn hoạt động hiệu quả để các bạn nhỏ bày tỏ quan điểm và được lắng nghe nhiều hơn trước nhiều vấn đề.

Khi trẻ em làm... ông bà nghị! - Ảnh 1.

Thành viên Hội đồng thành viên các tỉnh, thành trình bày đúc kết sau khi thảo luận phát huy vai trò thành viên hội đồng để hoạt động hiệu quả hơn - Ảnh: Q.L.

"Tiếp tục duy trì mô hình hoạt động mới này song song với kiên trì đeo bám, giải quyết các vấn đề trẻ kiến nghị một cách quyết liệt, thực chất.

Anh NGUYỄN NGỌC LƯƠNG

Tổng kết hoạt động thí điểm của mô hình này trên cả nước tại TP.HCM ngày 29-1, Bí thư Trung ương Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Đội trung ương Nguyễn Ngọc Lương đánh giá: "Hội đồng trẻ em thực sự là kênh thông tin, diễn đàn hiệu quả, chính thống để tiếp nhận, lắng nghe trẻ em, giúp chính quyền đề ra những chính sách, chủ trương liên quan đến trẻ em sát thực tiễn".

Nâng vị thế của trẻ

Bạn Tuấn Đạt (TP.HCM) cho rằng Hội đồng trẻ em đã tạo cơ hội để trẻ mạnh dạn trình bày tiếng nói của mình một cách chân thực, gần gũi trước những vấn đề gặp phải không chỉ trong học đường mà cả ngoài xã hội. 

Dẫn chứng cụ thể, Đạt nói mỗi kỳ họp của Hội đồng trẻ em tại TP.HCM đều có chủ đề riêng, cũng chính là ý kiến của đại diện tuổi nhỏ TP trước vấn đề ô nhiễm môi trường, thực trạng giao thông, vui chơi giải trí lành mạnh cho trẻ. 

"Nhiều vấn đề tụi mình nêu lên tại mỗi kỳ họp đã được các cô chú lãnh đạo quan tâm, giải quyết và có phản hồi, tạo sự liên kết giữa trẻ em với lãnh đạo sâu hơn" - Đạt chia sẻ.

Chị Lâm Như Quỳnh (Bến Tre) nói Hội đồng trẻ em giúp vị thế của trẻ được nâng lên, thông qua việc lãnh đạo tỉnh quan tâm, giải trình đầy đủ các đề xuất, ý kiến của các em trong mỗi kỳ họp, đồng thời chuyển các sở, ngành liên quan giải quyết khi các em nêu ý kiến. 

Đại diện Tỉnh đoàn Yên Bái cho biết dù khó khăn nhưng lãnh đạo tỉnh rất ủng hộ mô hình này, mỗi năm đều dành kinh phí chi cho hoạt động của hội đồng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoài Nam (Quảng Trị) cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh luôn thiết kế cuộc gặp với thành viên Hội đồng trẻ em của tỉnh mỗi năm để kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các cử tri nhỏ tuổi. 

"Nhiều đề đạt, kiến nghị của các em được đưa vào chương trình làm việc, giám sát của đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh" - ông Nam thông tin.

Tuy vậy, một vài "ông bà nghị nhí" thẳng thắn nói, cũng có nơi các cô chú lãnh đạo còn trả lời chung chung, hoặc trả lời bằng văn bản trước các ý kiến của thành viên Hội đồng trẻ em mà chính các bạn đọc vào cũng... không hiểu gì! 

Bạn Bảo Hân (Bình Định) đề xuất: "Cho thành viên Hội đồng trẻ em dự thính kỳ họp của HĐND huyện, tỉnh để tụi mình học được cách trình bày ý kiến, giải quyết vấn đề để mỗi thành viên thể hiện tốt hơn vai trò của mình khi tham gia Hội đồng trẻ em".

Nhân rộng có lộ trình

Theo quyết định của Thủ tướng phê duyệt "Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2017-2020", Trung ương Đoàn đã chọn thí điểm thành lập Hội đồng trẻ em tại năm địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái và Bình Định. Đến nay, đã có 14 Hội đồng trẻ em cấp tỉnh cùng 17 Hội đồng trẻ em cấp huyện đang hoạt động trên cả nước.

Nhiều ý kiến cho rằng cần nhân rộng mô hình này ra 63 tỉnh, thành cả nước để giúp trẻ em có điều kiện thể hiện vai trò, tiếng nói của mình. Tuy vậy, cũng có ý kiến băn khoăn không nên thành lập đại trà mà cần lộ trình và để các tỉnh được quyết định việc ra mắt, hoạt động Hội đồng trẻ em sao cho phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. 

Anh Nguyễn Ngọc Lương chia sẻ ý kiến này và thông tin tiếp tục duy trì hoạt động mô hình Hội đồng trẻ em và sẽ nhân rộng ra các tỉnh, thành khác song cần lộ trình phù hợp để khi đi vào hoạt động hội đồng phải thật sự hiệu quả, không làm hình thức hay hành chính hóa.

Nhiều thành viên Hội đồng trẻ em các tỉnh đều thừa nhận học được nhiều kỹ năng, trưởng thành hơn khi tham gia hội đồng. Song các bạn mong muốn truyền thông tốt hơn để phụ huynh hiểu về Hội đồng trẻ em vì có nơi "con muốn tham gia nhưng cha mẹ không cho vì lo ảnh hưởng việc học". 

Cùng với đó, các trường, lãnh đạo địa phương tạo điều kiện để thành viên Hội đồng trẻ em được tiếp cận các bạn nhỏ trong trường, địa phương nhiều hơn để kịp thời lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các bạn làm cơ sở hình thành đề xuất, chủ đề mỗi kỳ họp.

Kỳ họp lần 7 Hội đồng trẻ em TP.HCM

Trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết ba năm của Hội đồng trẻ em, TP.HCM đã tổ chức kỳ họp lần 7 của Hội đồng trẻ em TP mở rộng chiều 28-1 với sự có mặt của một số thành viên Hội đồng trẻ em các tỉnh, thành khác. Đây cũng là kỳ họp để chia sẻ kinh nghiệm, cách thức thực hiện một kỳ họp của Hội đồng trẻ em dành cho các tỉnh đang chuẩn bị ra mắt sắp tới.

Kỳ họp với chủ đề "Trẻ em và quyền tham gia của trẻ em" đã nhận được nhiều ý kiến của các thành viên tham dự. Trong đó, các bạn nhỏ cùng bàn về việc phát huy vai trò thành viên Hội đồng trẻ em trong việc lắng nghe ý kiến của trẻ em tại địa phương, đơn vị; các hoạt động phát huy quyền tham gia của trẻ vào các vấn đề quan tâm tại trường học, địa phương; giải pháp và đề xuất, kiến nghị đối với lãnh đạo, các cơ quan chức năng để phát huy quyền tham gia của trẻ em.

Hội đồng trẻ em TP.HCM: kênh lắng nghe và phản biện Hội đồng trẻ em TP.HCM: kênh lắng nghe và phản biện

TTO - Tính từ ngày thành lập đến nay, Hội đồng trẻ em TP.HCM đã có 6 kỳ họp với chủ đề riêng cho mỗi kỳ.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên