30/06/2013 05:10 GMT+7

Khi trẻ con không màng danh vọng

QUỲNH TRUNG - NGỌC ÐÔNG
QUỲNH TRUNG - NGỌC ÐÔNG

TT - "Nếu các bậc cha mẹ muốn nổi tiếng thì họ nên tham gia các cuộc thi ca hát, đừng bắt trẻ con làm điều đó khi chúng không muốn vì có thể gây hệ quả xấu", đó là lời chia sẻ của cậu bé Mỹ gốc Nigeria Amechi.

12 tuổi, Amechi là thành viên trẻ nhất Dàn hợp xướng thiếu nhi Boston trong chuyến lưu diễn tại TP.HCM (26-6) và Hà Nội (29-6).

0FYdJIzT.jpgPhóng to
Dàn hợp xướng Boston Children’s Chorus biểu diễn tại Nhà hát TP.HCM tối 26-6-2013 - Ảnh: Ngọc Đông

Hơn 60 thành viên trẻ của Dàn hợp xướng Boston (BCC) vừa đến từ Mỹ. Dù tuổi đời còn rất trẻ, lớn nhất đoàn cũng chỉ mới 17 tuổi, BCC đã chinh phục được khán giả VN với kỹ năng trình diễn chuyên nghiệp, tinh thần gắn kết và đam mê âm nhạc thuần khiết của mình.

"Được hát là vui rồi"

Có thể với nhiều người lớn, việc được nhiều người biết đến và có cơ hội lưu diễn khắp nơi trên thế giới là cả một giấc mơ, nhưng với các em nhỏ, từng có vinh dự biểu diễn cho Tổng thống Barack Obama, danh vọng không phải là mục tiêu các em theo đuổi dù dàn hợp xướng trẻ tuổi này cứ mỗi năm lại tập hợp và lưu diễn nước ngoài.

"Dàn hợp xướng của chúng tôi đã được nhiều người biết đến và tôi cảm thấy hạnh phúc vì điều đó. Tôi không nghĩ mình cần phải theo đuổi thêm danh vọng nữa. Ðược hát với mọi người thế này là vui rồi" - Amechi chia sẻ.

Nhiều thành viên trong đoàn cũng tin rằng được góp mặt trong một tập thể như BCC đã là niềm vinh dự lớn lao và sự nổi tiếng của bản thân đối với họ là không cần thiết. Ðối với họ, ca hát không phải là con đường đến với danh vọng, ca hát là để thỏa mãn đam mê và làm bản thân mình thấy hạnh phúc.

Cô gái 17 tuổi Lydia Guterman còn nói cô không hứng thú với việc trở nên nổi tiếng, trong khi Nora Telford, cô gái có mẹ là ca sĩ chuyên nghiệp và bản thân cũng là ca sĩ trong một ban nhạc rock, lại khẳng định: "Ðừng đánh đổi cuộc sống bình thường lấy sự nổi tiếng, nếu bạn không thật sự muốn".

Bắt đầu ca hát từ lúc còn rất nhỏ, các thành viên trung bình đều đã sinh hoạt trong dàn hợp xướng từ 4-6 năm. Trái với suy nghĩ của nhiều người, các em lại không xem đây là tiền đề để phát triển sự nghiệp solo sau này của mình. Cô gái xinh xắn người Mỹ gốc Ý Gambino nói rằng âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô, nhưng cô không muốn nổi tiếng bằng con đường ca hát.

"Tôi không muốn nổi tiếng nhưng nhất định tôi sẽ tiếp tục hát và chơi piano. Cha mẹ có thể đề nghị con cái tham gia các cuộc thi ca hát để nổi tiếng nhưng không nên ép buộc con cái làm điều chúng không muốn" - Gambino nói.

Thúc đẩy sự hòa hợp

Ông Đàm Đức Anh, đại diện Viện Trần Nhân Tông ở Hà Nội - đơn vị bảo trợ chính chuyến lưu diễn của BCC tới VN lần này, cho biết: “Boston Children’s Chorus được coi là sứ giả của sự hòa giải. Họ dùng âm nhạc như một phương tiện để xóa đi các rào cản về văn hóa và thúc đẩy sự tìm hiểu văn hóa giữa các quốc gia, vùng miền khác nhau trên thế giới. Chúng tôi quyết định mời họ đến VN để giúp truyền đi thông điệp âm nhạc và hiểu hơn về đất nước và con người VN”.

Trong đêm diễn tại TP.HCM, trên gương mặt các tài năng âm nhạc trẻ tuổi từng biểu diễn nhiều nơi và được nhiều người đón nhận này vẫn không giấu được ánh mắt hào hứng và nụ cười hạnh phúc trước những cơn mưa vỗ tay tán thưởng từ hàng ghế khán giả. Các thành viên lần lượt chia sẻ rằng họ rất bất ngờ và vô cùng hạnh phúc với sự chào đón nồng nhiệt nơi đây.

Theo ông Anthony Trecek-King, nhạc trưởng, hầu hết thành viên của đoàn khi mới tham gia đều chỉ đơn thuần là những đứa trẻ với niềm đam mê ca hát và chưa từng học qua trường lớp âm nhạc.

Các em ở nhiều lứa tuổi khác nhau, có nguồn gốc từ nhiều quốc gia, với gu âm nhạc và nhận thức về cuộc sống khác nhau, đã gắn bó với dàn hợp xướng mà chính các em gọi là đại gia đình này suốt nhiều năm thông qua niềm đam mê lớn nhất là âm nhạc.

"Với tình yêu âm nhạc, các em đã vượt qua ranh giới rào cản nguồn gốc của mình. Ðó có lẽ cũng chính là lý do mà dàn hợp xướng trẻ tuổi này được gọi là "Sứ giả của sự hòa hợp" - ông Anthony cho biết.

Đàn tranh, đàn bầu hay quá!

Trong thời gian lưu lại TP.HCM, các thành viên trong đoàn không ở khách sạn mà chọn ở homestay - một hình thức du lịch ở cùng các gia đình bản xứ - để trải nghiệm cuộc sống và tìm hiểu văn hóa địa phương.

Chị Nguyễn Hữu Thiên Nga, chủ khách sạn Faifoo ở Bình Thạnh, đã đón năm thành viên của BCC gồm Lydia, Nora, Valentina, Amechi và Kobi Russell về nhà mình để chăm sóc và chia sẻ niềm đam mê âm nhạc. Chị Thiên Nga là nghệ sĩ đàn tranh và là học trò ruột của giáo sư Trần Văn Khê.

"Chúng tôi quyết định chọn hình thức homestay để kết nối văn hóa với người Việt. Ðó cũng giống như là một sự trao đổi văn hóa. Các bạn có thể không trở thành bạn thân của nhau nhưng lại mang đến những điều tích cực cho nhau. Chuyến lưu diễn VN lần này quả thật ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi" - Lydia Guterman bộc bạch.

Trong buổi gặp mặt giữa BCC và các gia đình người Việt, ngoài buổi ăn tối ấm cúng, các thành viên trong đoàn còn được chiêu đãi một buổi tiệc âm nhạc truyền thống thịnh soạn gồm đàn tranh và đàn bầu do các nghệ sĩ đến từ Nhạc viện TP.HCM biểu diễn. "Các nhạc cụ truyền thống VN truyền cảm hứng cho chúng tôi rất nhiều. Âm thanh phát ra từ những dụng cụ này thật hay. Những nghệ sĩ VN trình diễn rất nhiều bài hát dân ca. Họ thật sự rất tuyệt vời" - một thành viên BCC bày tỏ.

Ðặc biệt, ban tổ chức còn dành tặng thêm cho đoàn một món quà văn hóa mang đậm hồn dân tộc Việt mang tên À Ố show, là sự kết hợp giữa kịch xiếc và biểu diễn nghệ thuật nhằm giúp các thành viên BCC hiểu hơn về đất nước và con người VN.

Ngoài giao lưu văn hóa, các thành viên trong đoàn còn được đưa đi tham quan địa đạo Củ Chi và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Ðáp lại những tình cảm đón tiếp nồng hậu đó, BCC cũng âm thầm chuẩn bị một món quà độc đáo và bất ngờ cho khán giả VN. Khán phòng Nhà hát thành phố tối 26-6 đã gần như vỡ òa trong tiếng vỗ tay khi hơn 60 "sứ giả hòa hợp" cùng hòa quyện lời ca "Yêu nhau cởi áo ối à trao nhau. Về nhà dối rằng cha dối mẹ a à a á a..." bắt đầu ca khúc dân ca Bắc bộ Qua cầu gió bay một cách nhuần nhuyễn và thành thục.

"Chúng tôi cố gắng tập nói vài câu tiếng Việt và nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ những đồng bào Việt kiều ở Boston. Vì tiếng Việt là một ngôn ngữ rất khó nên chúng tôi rất nỗ lực và dành tất cả thời gian rảnh để học thuộc lòng bài hát này" - một thành viên trong dàn hợp xướng chia sẻ.

Trong trang phục áo vest đỏ thắm, các giọng ca nhí đa chủng tộc, với giọng hát dày dặn khi cao vút khi trầm nhẹ, còn chinh phục khán giả thành phố qua các tác phẩm hợp xướng nổi tiếng khác mà nhóm từng biểu diễn khắp thế giới như We sing, Africa, Dreams Ain’t gonna let nobody turn me round.

QUỲNH TRUNG - NGỌC ÐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />