Mẹ bé cho hay trong lúc mẹ ra khỏi bếp thì bé lẫm chẫm bước tới bốc lấy thanh cời lò đưa lên miệng. Kết quả là miệng và nhất là hai bàn tay của bé bị phỏng khá nặng. Mẹ bé đã xử trí rất đúng là ngâm hai bàn tay bé vào nước sạch ngay, sau đó đưa bé đến trạm y tế. Tuy nhiên do vết phỏng khá nặng làm cháy hết da lòng bàn tay nên khả năng di chứng sẹo co rút bàn tay rất cao.
Trường hợp thứ hai là bé T.T.H., 14 tháng tuổi, bị phỏng nước nóng do bình thủy để trên bàn đổ vào người bé lúc mẹ pha sữa. Trong lúc bối rối, người nhà lấy kem đánh răng thoa khắp chỗ phỏng với suy nghĩ kem đánh răng lạnh sẽ làm mát vết phỏng. May mắn là bé chỉ bị phỏng độ 2.
Hai trường hợp trên cho thấy phần lớn mọi người đều biết cách xử trí khi bé bị phỏng, nhưng vẫn còn đó những phương pháp dân gian chưa chính xác như bôi kem đánh răng, nước mắm, giấm... để làm mát vết phỏng. Khi bị phỏng thì da, vốn là tấm áo bảo vệ cơ thể, bị tổn thương nên bôi bất kỳ hóa chất lạ nào lên cũng sẽ khiến tình hình thêm trầm trọng.
Phỏng là tai nạn rất thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân phỏng rất đa dạng nhưng phần lớn (hơn 70%) là do phỏng với chất lỏng nóng như nước sôi, lửa bếp, nước quá nóng trong vòi tắm, phỏng do bàn ủi, do điện giật hay rờ vào ổ cắm điện... trong đó khoảng 1/3 trẻ phải nhập viện do vết phỏng sâu và nhiễm trùng.
Phỏng không chỉ là một tai nạn ngoài da mà trong những trường hợp nặng sẽ gây ra các rối loạn lan rộng cơ thể khiến cơ thể suy sụp có thể dẫn đến tử vong. Dù có nhiều tiến bộ trong công tác điều trị phỏng nhưng tỉ lệ tử vong ở trẻ phỏng nặng vẫn còn cao (khoảng 7% các trường hợp nhập viện). Vì vậy việc dự phòng phỏng là hết sức cần thiết và nên được chú ý thường xuyên.
Khi trẻ đã bị phỏng dù ít hay nhiều, đa số đều để lại di chứng sẹo co rút và chấn thương tâm lý về sau. Do đó “phòng bệnh hơn trị bệnh” vẫn là cách tốt nhất hiện nay.
Khi bé bị phỏng, cha mẹ cần phải bình tĩnh tiến hành các biện pháp sơ cứu cần thiết như sau: * Loại bỏ ngay các tác nhân gây phỏng: - Lửa cháy dập lửa bằng nước - Nếu điện thì cắt ngay nguồn điện, dùng cây gỗ gạt bỏ dây điện, kéo nạn nhân ra xa nguồn điện. - Nếu tác nhân gây phỏng là thức ăn nóng, nước sôi phải cởi bỏ ngay quần áo nạn nhân, rửa trôi thức ăn còn bám trên da. * Ngâm rửa vết phỏng vào nước lạnh càng sớm càng tốt sẽ hạn chế được phỏng sâu. * Băng ép tạm thời vết phỏng bằng gạc, vải sạch để hạn chế vết thương nhiễm khuẩn. * Nếu bé quá đau đớn thì có thể cho bé uống thuốc giảm đau paracetamol (biệt dược Hapacol 150mg, 250mg hoặc Efferalgan 150mg, 250mg) với liều 10-15mg/kg trước khi đưa đến cơ sở y tế gần nhất. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận