Tòa: “Anh sử dụng xe mười mấy năm, bây giờ anh không thể yêu cầu nguyên đơn trả lại số tiền 10 triệu đồng mua xe được”.
Bị đơn gay gắt: “Tôi đâu có yêu cầu cô ta để lại xe cho tôi?”.
“Cô ta để đó thì tôi sử dụng. Nếu tôi không sử dụng, chiếc xe đã thành đống sắt vụn lâu rồi”. Tòa: “Chị trả anh 10 triệu đồng, anh trả xe, chị đồng ý không?”. Người phụ nữ lạnh tanh: “Không. Lý lẽ của anh ta là lý cùn”. Nguyên đơn và bị đơn ném vào nhau ánh mắt hằn học, tức tối...
Chung sống năm 2000, hai năm sau cặp đôi đăng ký kết hôn. Nhưng đến năm 2013, vợ bỏ về nhà cha mẹ ruột sau đó vào Sài Gòn sinh sống đến bây giờ. Sau hơn 10 năm đường ai nấy đi, vợ “đứng” nguyên đơn yêu cầu tòa cho ly hôn.
Cuối tháng 2-2015, TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) xét xử. Không con cái. Vợ và chồng đều khai trước tòa không còn tình cảm, đồng ý ly hôn. Nhưng họ nhất quyết đôi co, hơn thua khoản nợ 10 triệu đồng mà chồng cho rằng đã vay để bù lại khoản tiền mua chiếc xe máy đứng tên vợ, khiến ai chứng kiến cũng phải lắc đầu ngao ngán.
Đôi co khoản 10 triệu đồng
Trước lúc rời phòng xét xử, bị đơn hậm hực thách thức: “Còn lâu mới xong...”. Nguyên đơn “trả lời” người mình từng yêu đến nỗi bỏ gia đình mà theo bằng cái nhìn trống rỗng. Tôi gặp vị thẩm phán trong lúc ông ôm hồ sơ xuống cầu thang, ông lại lắc đầu ngao ngán: “Từ khi vào ngành đến giờ, xử bao nhiêu vụ, tôi chưa bao giờ gặp vụ nào như vụ này”. |
Nguyên đơn trình bày trước cuộc hôn nhân với bị đơn, chị đã qua một lần đò, có con riêng. Vợ trước của bị đơn mất, để lại ba đứa con nhỏ.
Gia đình không đồng ý, cấm cản nhưng vì yêu nên chị vẫn về nhà bị đơn cùng chung sống.
Con ruột để lại cho cha mẹ chăm sóc, còn chị đi nuôi con người khác. Vậy mà tiền kiếm được chồng không đưa cho chị đồng nào, phung phí vào cà phê, thuốc lá và bài bạc hết.
Kinh tế thiếu thốn triền miên và thái độ vô trách nhiệm của chồng khiến chị bức bối, không kiềm chế được lời ăn tiếng nói.
Trong lúc mâu thuẫn, cãi cọ, vợ nói hỗn, chồng đánh vợ. Nguyên đơn trần tình nhiều lần chị bỏ về nhà cha mẹ ở, cho nên tiếng là vợ chồng với nhau ba năm, nhưng thời gian chung sống cộng lại chỉ chừng vài tháng. Chồng đánh đập quá, chị phải trốn đi, vào Sài Gòn sống đến nay. Từ lâu đã nhạt phèo chẳng còn chút tình cảm nào.
Tòa hỏi: “Anh chị có con chung, tài sản chung không?”. Nguyên đơn: Chúng tôi không có con chung. Tài sản chung có một chiếc xe máy, tôi bỏ tiền ra mua, đứng tên tôi. Nhưng khi bỏ đi, tôi phải trốn nên chiếc xe tôi cũng để lại cho anh ta sử dụng từ lúc đó đến bây giờ”.
Tòa: “Chị có yêu cầu chia tài sản này không?”. Nguyên đơn nói không. Tòa hỏi bị đơn: “Anh có ý kiến gì về chiếc xe máy không?”. Bị đơn nói không.
Tòa: “Chị không yêu cầu, anh cũng không có ý kiến gì về chiếc xe máy nên tòa không giải quyết về chia tài sản”. Bị đơn: “Không còn tình cảm nên tôi thuận tình ly hôn, nhưng về nợ chung, trong thời kỳ hôn nhân tôi có vay của ngân hàng 10 triệu đồng. Số tiền này tôi yêu cầu cô ta phải trả”. Tòa hỏi: “Anh vay với mục đích gì?”.
Bị đơn: “Tôi vay để mua xe máy cho cô ta”. Tòa: “Anh mua xe trước hay vay tiền trước?”. Bị đơn: “Tôi mua xe trước. Sau đó tôi vay ngân hàng để bù lại số tiền đã bỏ ra mua xe”. Tòa hỏi bị đơn có còn nợ 10 triệu đồng vay ngân hàng? Bị đơn nói mình đã trả hết, nhưng yêu cầu nguyên đơn trả lại.
Tòa hỏi nguyên đơn: “Chị có ý kiến như thế nào về vấn đề này?”. Nguyên đơn: “Tôi không đồng ý. Anh ta vay tiền khi nào và làm gì tôi đâu có biết. Còn khi mua xe tôi bỏ ra hơn một nửa số tiền. Số còn lại anh ta nói để anh ta lo. Chiếc xe khi mua đứng tên tôi, nhưng anh ta sử dụng từ đó đến nay”.
Vẫn khăng khăng nguyên đơn phải trả số tiền, bị đơn gay gắt: “Lúc thì bảo bỏ tiền ra mua xe, khi lại nói bỏ một nửa số tiền. Đó, tòa đã thấy cô ta dối trá chưa. Tôi phải vay ngân hàng 10 triệu đồng bù lại khoản đã mua xe máy cho cô ta. Tôi yêu cầu cô ta trả lại khoản nợ”.
Tòa: “Chiếc xe anh sử dụng đã mười mấy năm, bây giờ anh không thể yêu cầu nguyên đơn trả lại số tiền 10 triệu đồng mua xe được”. Mặt bị đơn phừng phừng: “Tôi đâu có yêu cầu cô ta để lại xe cho tôi? Tôi đâu có cần. Cô ta để đó thì tôi sử dụng. Nếu tôi không sử dụng, chiếc xe đã thành đống sắt vụn lâu rồi”.
Ngao ngán
Kiểm sát viên: “Một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng, tranh chấp 10 triệu đồng mà anh cho rằng đã dùng để mua chiếc xe anh đã sử dụng hơn mười năm nay, anh thấy có hợp lý không?”. Bị đơn định cãi. Kiểm sát viên: “Để tôi nói cho hết đã. Mười triệu đúng là to thật nhưng so với tình cảm vợ chồng từng có...”.
Không để vị kiểm sát viên nói hết câu, bị đơn trợn mắt: “Cô ta là con người vô lương tâm. Tôi muốn cô ta có danh phận, có vị trí trong nhà nên mới đăng ký kết hôn, mua xe máy để cô ta đứng tên. Vậy mà cô ta phá thai...”.
Tòa cắt: “Tòa chỉ giải quyết vấn đề ly hôn của anh chị, những vấn đề không liên quan đề nghị anh chị không “tố” nhau ở đây”. Nguyên đơn phân bua: “Sự thật là khi tôi về sống, anh ta đi làm được bao nhiêu tiền thì cà phê thuốc lá bài bạc hết, không đưa tôi đồng nào.
Kinh tế cực khổ quá, một mình nuôi ba con chồng không nổi, tôi có nói hỗn nên bị anh ta đánh đập. Anh ta vô trách nhiệm như vậy nên tôi chủ động không có con chung, chứ không hề có chuyện phá thai. Anh ta bịa đặt để bêu riếu tôi”.
Tòa hỏi bị đơn: “Anh nói không cần chiếc xe, sao lúc vợ anh đi anh không đưa xe cho vợ?”. Bị đơn hung hăng xỉa tay về phía nguyên đơn: “Cô ta trốn đi, tôi không báo công an đã là may, chứ hồi đó nếu tôi báo cô ta lấy cắp của tôi 30 cây vàng trốn đi thì cô ta chỉ có đường chết. Tôi đề nghị tòa không đưa xe vào diện khấu hao vì tôi đã sử dụng. Tôi có thuê đâu”.
Thẩm phán và hai vị hội thẩm ai nấy không kìm được những cái lắc đầu ngao ngán. Tòa quay qua hỏi nguyên đơn: “Chị trả anh 10 triệu đồng, anh trả xe, chị đồng ý không?”. Người phụ nữ cũng lạnh tanh: “Không. Lý lẽ của anh ta là lý cùn...”. Tòa: “Thôi được rồi, chị ngồi xuống”.
Sau khi nghị án, tòa công bố công nhận sự thuận tình ly hôn giữa nguyên đơn và bị đơn. Khoản tiền 10 triệu đồng mà bị đơn cho rằng đã vay trong thời kỳ hôn nhân, quá trình giải quyết vụ án tòa đã yêu cầu bị đơn làm thủ tục phản tố, nhưng bị đơn không thực hiện. Tại phiên tòa, hai bên không thỏa thuận được nên bị đơn có thể khởi kiện bằng một vụ kiện dân sự khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận