Phóng to |
Một cảnh quay trong clip do các bạn học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thực hiện - Ảnh chụp từ clip |
Có nên cấm HS nhảy Flashmob tổng kết năm học?200 học trò nhảy flashmob chia tay thời áo trắng
Tôi hiểu tâm trạng bức xúc của các em học sinh khi bị cấm cản trong việc tổ chức trò chơi này, nhưng tôi cũng rất đồng cảm với tâm trạng bối rối của các thầy cô giáo đồng nghiệp khi đứng trước hành động này của chính học sinh mình.
Về phía học sinh, chắc rằng, trước ngày lễ ra trường, các em luôn mong đợi một tâm thế thoải mái nhất trong suốt ba năm học. Đây là lúc các em được cởi bỏ những quy định trong khuôn khổ của nhà trường, những ràng buộc mà dù muốn dù không các em cũng phải chấp hành. Mà phải chăng, để giữ được nề nếp kỷ cương của chốn học đường, thông thường những quy định đó thường được ban hành từ phía người quản lý nên chắc hẳn sẽ có những điều không hoàn toàn được các em đón đợi.
Nên với ngày Lễ ra trường, phải chăng các em đã "tự cho mình một quyền ưu tiên", thoát ra khỏi những ràng buộc ngày thường để thể hiện tình cảm và cá tính của mình. Và với việc nhảy flashmob, các em đã chọn một cách chơi phù hợp với lứa tuổi của mình. Cách thể hiện mang tính cộng đồng cao, sôi động, trẻ trung âu cũng là đã giúp các em có thêm một kỷ niệm đẹp trong ngày chia tay học đường.
Clip học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong nhảy flashmob chia tay năm học
Ở góc độ những người quản lý, thực tế cũng dễ rơi vào trường hợp mang nặng ý thức trách nhiệm muốn buổi lễ diễn ra trong sự kiểm soát của mình, tránh những điều bất ngờ không như ý. Vì thế, việc học sinh có một hành động nào ngoài hình dung, ngoài tầm kiểm soát đều dễ khiến người quản lý lúng túng.
Và hành động cấm cản học sinh nhảy flashmob có thể cũng là một sự lúng túng như thế? Nên, trong cảm nhận cá nhân tôi, hơn lúc nào hết, nhà trường và tổ chức Đoàn cần lường được sự việc sẽ diễn ra như thế nào để chủ động quản lý.
Tôi xin được mạo muội góp ý kiến của mình trong việc tổ chức một buổi lễ ra trường như sau: Một buổi lễ với cả phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ diễn ra trang trọng trong khoảng thời gian 1 tiếng đồng hồ dưới sự điều khiển của nhà trường. Riêng phần hội còn lại sẽ diễn ra lâu hơn mà giáo viên chỉ đóng vai trò hậu thuẫn phía sau.
Việc tổ chức phần hội như thế nào, nhà trường thông qua tổ chức Đoàn trưng cầu ý kiến của toàn thể học sinh khối 12 trước đó 1 tháng, ghi nhận tất cả những ý kiến đề đạt của các em. Từ những ý kiến đó, hãy cùng sắp xếp và tổ chức một chương trình hoàn toàn do các em thiết kế, bản thân giáo viên phụ trách phần này sẽ nắm bắt, điều chỉnh nội dung phù hợp và theo dõi tiến trình diễn ra trong phần hội của các em chứ không can thiệp quá nhiều.
Chắc rằng mỗi tập thể lớp luôn ý thức được hình ảnh mình sẽ để lại trong buổi cuối cùng của đời học sinh nên các em sẽ chấp hành tốt những quy ước đã đề ra trước đó.
Sau nữa, thời gian để tổ chức Lễ ra trường có thể bắt đầu từ 16g. Với thời điểm này trở đi, các em có điều kiện để vui chơi thoải mái mà không bị hạn chế bởi sự nắng nóng của mùa hè.
Tất nhiên, bản thân từ thầy Hiệu trưởng đến giáo viên, nhân viên, giám thị, bảo vệ… đều phải chấp nhận vất vả hơn ngày thường để theo cùng các em. Nhưng có lẽ khi nhìn những gương mặt học trò của mình rưng rưng ngồi lại quây quần bên nhau dưới ánh đèn cầy thắp lên trước cửa phòng học lớp mình, trong từng khuôn viên của nhà trường… mỗi thầy cô đều thấy yêu thương gần gũi.
Vì những điều ấy, nên hoàn toàn có thể, khi học sinh lên sân khấu nhảy múa, thì giáo viên thậm chí ngay cả những thầy cô trong Ban giám hiệu, những giáo viên ngày thường nghiêm nghị, cùng sẽ đứng dậy hòa chung điệu nhảy với các em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận