Các phụ huynh Trung Quốc bắt đầu nói không với việc khổ luyện đến đến tàn nhẫn trong các lò đào tạo thể thao ở Trung Quốc. Ảnh: BARCROFT |
Tổng cộng, đoàn Mỹ đoạt 21 HCV so với 12 của Trung Quốc. Nếu chỉ xét riêng bơi lội, Mỹ càng áp đảo hơn nữa với con số 18 so với 3 của Trung Quốc. Kết quả này cũng phù hợp với chuỗi thành tích tính từ Olympic Rio 2016. Từ chỗ được xem là so kè với Mỹ cho ngôi vị cường quốc thể thao số 1 thế giới, Trung Quốc giờ đây kém xa đối thủ. Vì đâu?
Cách đây 5 năm, Hãng tin Barcroft đưa ra một loạt ảnh bên trong các lò đào tạo thể thao Trung Quốc gây chấn động thế giới. “Tàn nhẫn”, “dã man”... là bình luận của hầu hết độc giả khi xem những bức ảnh các HLV ép trẻ em khổ luyện như tra tấn qua việc bẻ gập người, đạp lên chân, treo trẻ lên xà ngang... Khẩu hiệu “Vượt qua người Mỹ” tồn tại xuyên suốt những màn huấn luyện tra tấn đó, khi tất cả những đứa trẻ Trung Quốc đều được dạy hằng ngày, hằng giờ về nhiệm vụ tối cao của chúng.
Cách đây không lâu, Hãng tin Reuters cũng thực hiện một phóng sự thâm nhập các lò luyện thể thao Trung Quốc. Dù những hình ảnh khổ luyện tàn nhẫn vẫn còn nhưng kết quả khảo sát lại khác. Theo đó, số lượng học viên nhí của các trung tâm thể thao tại Trung Quốc ngày càng giảm. Ông Huang Qin, một quan chức của Pudong New Area - trường học thể thao số 1 Thượng Hải, nói với Reuters: “Cách đây vài năm, những trường học như chúng tôi luôn rất cuốn hút. Nhưng các phụ huynh bây giờ không còn mặn mà với việc gửi con đến đây”.
Theo Reuters, điều này bắt nguồn từ việc phụ huynh Trung Quốc ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về con đường gian khổ, hà khắc mà các VĐV nhí phải chịu đựng. Trước những lời kêu gọi của các phụ huynh, nhiều trường thể thao đã phải thay đổi cơ chế. Trong đó, quan trọng nhất là việc không còn ép học sinh phải ở nội trú, học văn hóa ngay tại đây.
Hiện tại, hơn 50% trong số 700 học viên của Pudong New Area đã theo học văn hóa ở trường ngoài. Trường thể thao Thượng Hải ngày nay cũng loại bỏ những VĐV không đủ trình độ học vấn sau khi các phụ huynh phản đối về tình trạng học vấn tệ hại của con em họ. Các phụ huynh Trung Quốc giờ đây cũng muốn noi theo con đường thể thao học đường của phương Tây: thể thao chỉ nhằm bổ trợ cho sức khỏe thay vì là mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời con em họ.
Nhiều VĐV chuyên nghiệp lên tiếng ủng hộ quan điểm mới này của thể thao Trung Quốc. Wang Linwen - một cựu võ sĩ wushu - nói: “Tôi đã đánh mất rất nhiều thứ trong cuộc đời vì không được giáo dục đúng cách. Tôi ủng hộ cải cách, sẽ không còn tình trạng VĐV bước ra ngoài sân đấu mà chẳng biết chút gì”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận