29/03/2013 09:30 GMT+7

Khi nhà hát cần một cái... thang máy!

QUANG THI
QUANG THI

TT - Thành lập Câu lạc bộ Diễn viên trẻ, rồi một mùa tết “ào ạt” ra đời bốn vở mới gồm Chia tay hoàng hôn, Nơi tình yêu bắt đầu, Hạnh phúc ở đâu, Chờ... để cạnh tranh cùng các sân khấu khác, tất cả như những tín hiệu mới được phát đi từ Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần, TP.HCM).

Mọi năm, chuyện dựng vở của nhà hát này rất khó khăn vì tình trạng “èo uột” diễn viên. Nhưng giờ đây, nghệ sĩ Thanh Hoàng - giám đốc Nhà hát 5B Võ Văn Tần - đang hướng đến sự cạnh tranh, hướng đến sự thay đổi!

s4FQMQy6.jpgPhóng to
Những tầng thang dốc ở nhà hát 5B là một trở ngại cho cả khán giả và ban giám đốc nhà hát - Ảnh: T.T.D.

Từng có một quá khứ huy hoàng, được xem là cái nôi đã sản sinh ra những danh tài như Thành Lộc, Việt Anh, Kim Xuân, Hồng Vân, Hồng Đào... của sân khấu TP.HCM, nhưng một thời gian dài sân khấu này gần như “mất tiếng”, loay hoay tìm một lối đi. “Chúng tôi phải hoạt động theo mô hình xã hội hóa nhưng không được phép tư nhân hóa. Những tiết mục vở diễn luôn phải đảm bảo tính tư tưởng, định hướng thẩm mỹ chung. Cho nên có những vở kịch ở sân khấu khác là bình thường, nhưng nếu ở nhà hát chúng tôi thì bị phản ứng ngay: “Kịch 5B mà cũng chạy theo như những sân khấu khác vậy à?”. Còn những vở được khen: “Ồ, đây chính là kịch của 5B đấy!” thì lại... không có khán giả” - ông giám đốc nghệ sĩ ưu tư.

Ở TP.HCM có hai đơn vị sân khấu kịch trực thuộc phải có nhiệm vụ tuyên truyền là Nhà hát Kịch TP (thuộc Sở VH-TT&DL) và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (thuộc Hội Sân khấu TP.HCM). Tuy nhiên, Thanh Hoàng cho rằng dù gì Nhà hát Kịch TP cũng được sở trả tiền lương mỗi tháng, còn Nhà hát 5B Võ Văn Tần phải hoàn toàn tự túc. Thanh Hoàng than thở: “Ngày thường còn đỡ chứ vào mùa mưa thì... rầu lắm! Sân khấu không diễn thì phải ưu tiên trả tiền lương nhân viên, diễn viên trước. Còn tiền lương của ban giám đốc coi như... cắt luôn”.

Đó là cái khó của ban giám đốc, nhưng còn một cái khó nữa cho khán giả là chuyện... cái cầu thang. Trong khi các sân khấu khác ở TP.HCM thường nằm ở lầu 1 thì khán giả xem kịch ở sân khấu 5B phải leo lên ba tầng thang dốc. Người trẻ còn ngán ngại, huống hồ chi khán giả của nhà hát thường là người có tuổi. Có những nghệ sĩ của nhà hát tâm sự họ thường chứng kiến những người già leo lên tầng 3 để xem kịch, đến nơi bước chân run rẩy, miệng thở hổn hển... trông thật se lòng. Với khán giả - nhất là khán giả có tuổi, dù thích xem kịch nhưng nghĩ đến chuyện leo lên những bậc thang cao cũng thấy phiền toái, đắn đo nhiều lắm!

Mà đó mới là chuyện khó lâu nay. Nói nhiều đến nỗ lực cạnh tranh của nhà hát, giám đốc Thanh Hoàng cho rằng về chất lượng vở diễn thì không ngại so với các sân khấu khác. Nhưng trở ngại lớn nhất hiện nay ở sân khấu 5B vẫn là... nỗi khổ leo lầu xem kịch của khán giả. Nhà hát có nhiều phương án kêu gọi đầu tư, có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nhảy vào. Tuy nhiên, có những quy định về thiết chế văn hóa khiến Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ không thể thực hiện điều này. Cũng không thể khoanh tay ngồi nhìn, nghệ sĩ Thanh Hoàng tiết lộ sắp tới nhà hát sẽ đầu tư một chiếc thang máy để phục vụ khán giả. So với việc đập phá và xây mới sẽ vướng phải nhiều quy định, phải chờ đợi thì việc đầu tư một cái thang máy xem ra hiệu quả trước mắt nhất.

Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ nói với vẻ quyết tâm: “Nếu nhắm mắt cho qua như những năm qua thì cũng qua, nhưng lần này chúng tôi không thể không làm!”. Một cái thang máy không làm nên chất lượng của một sàn diễn, nhưng thang máy với sân khấu 5B lúc này rõ ràng là một cầu nối thiết thực giữa nghệ sĩ và khán giả.

QUANG THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên