Theo thống kê năm 2016 của Hội Nhà báo Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây có khoảng 50 vụ tấn công nhà báo. |
QUỐC CƯỜNG |
Ngày 14-6, chỉ sau một ngày nhóm phóng viên Đài truyền hình Việt Nam (VTV) bị một cá nhân uy hiếp, làm hư hỏng máy quay, Công an huyện Sóc Sơn TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản.
Xử tội gì?
Nhóm nhà báo trên gặp nạn khi đi xác minh về tình trạng một loạt ao hồ tại huyện Sóc Sơn bị lấn chiếm làm hàng quán và nhà riêng.
Trong lúc đang tác nghiệp, một người đàn ông được cho là chủ nhà lái ôtô lao thẳng vào nhóm phóng viên VTV. Nữ phóng viên và người quay phim kịp thời tránh được, nhưng chiếc máy quay đã bị chiếc xe này đâm trúng gây hư hỏng nặng.
Ở nhiều vụ việc khác, các cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính, hoặc họa hoằn lắm mới truy cứu trách nhiệm hình sự về tội... cố ý gây thương tích.
Tháng 1-2010, một nhà báo của báo Người Lao Động bị nhiều đối tượng hành hung khi đang tác nghiệp tại khu vực Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.
Lúc đầu, Công an huyện Cao Lộc không đồng ý khởi tố vụ án hình sự. Sau đó từ đề nghị của nhiều báo, đài, các cơ quan chức năng, Công an huyện Cao Lộc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích.
Sở dĩ có tình trạng này là do tác nghiệp của báo chí trong một thời gian dài không được xem là hoạt động công vụ.
Cho rằng nhà báo bị đánh cũng tựa như những trường hợp bình thường khác bị đánh, các cơ quan công an chỉ căn cứ vào tỉ lệ thương tích để giải quyết. Nếu thương tích không có hoặc dưới mức quy định thì hoặc không xử lý gì cả, hoặc chỉ xử phạt hành chính.
Vì thế tuy có nhiều nhà báo bị đánh nhưng ít có việc xử lý hình sự, do đa số trường hợp tấn công nhà báo chỉ nhằm đe dọa, thị uy... để nhà báo sợ hãi mà không tiếp tục tác nghiệp chứ không nhằm mục đích gây thương tích cho nhà báo.
Khi nào được xem là “thi hành công vụ”?
Do tính đặc thù của nghề mà nhà báo luôn cần được đảm bảo sự thuận lợi, an toàn trong tác nghiệp.
Vì lẽ này mà điều 9 Luật báo chí 2016 “nghiêm cấm việc đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Tuy nhiên, phải xử lý sao cho đúng mức đối với những hành vi vi phạm các điều cấm trên để không làm ảnh hưởng lớn đến vai trò, chức năng của báo chí hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Trong quá trình Quốc hội bàn thảo để thông qua Luật báo chí 2016, một số đại biểu đã đề nghị phải xác định tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ.
Ngược lại, nhiều ý kiến khác cho rằng không nên đồng nhất nghiệp vụ chuyên môn của nhà báo với hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng.
Theo giải thích của nghị định số 208/2013 (quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ), người thi hành công vụ là “cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội”.
Viện dẫn quy định này, luật sư Trần Thị Miền (Đoàn luật sư TP.HCM) nêu ý kiến: “Tôi được biết nhiều nhà báo ở một số cơ quan báo chí làm việc theo chế độ viên chức. Nếu các nhà báo của VTV thuộc trường hợp này thì họ cũng là một trong những người thi hành công vụ.
Như vậy, khi họ được đài truyền hình quốc gia phân công đi làm nhiệm vụ và bị người khác cản trở thì có nghĩa đã có xảy ra hành vi chống người thi hành công vụ”.
Đồng tình với ý kiến này, nhưng luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) tỏ ra băn khoăn vì không phải nhà báo nào cũng là viên chức để được xem là người thi hành công vụ trong lúc tác nghiệp báo chí.
“Qua việc khởi tố vụ án liên quan đến việc tấn công các nhà báo VTV, tôi đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần thống nhất xác định tính chất hoạt động công vụ của tất cả nhà báo hành nghề theo đúng Luật báo chí, không phân biệt họ có là công chức, viên chức hay không.
Có như thế, nhà báo mới thực sự được pháp luật bảo hộ để có thể yên tâm hành nghề” - luật sư Ly Tao đề xuất.
Pháp luật hiện hành bảo vệ nhà báo như thế nào? Theo Luật báo chí 2016, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Liên quan đến hành vi này, nếu nhẹ sẽ bị xử lý hành chính theo điều 7 nghị định 159/2013/NĐ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản về hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động báo chí. Theo đó, phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên. Phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp. Phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi như uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên; hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên; thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên. Ngoài phạt tiền, người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo điều 257 Bộ luật hình sự 1999, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm và mức cao nhất của hành vi phạm tội này là từ 2-7 năm tù. |
Ông Trần Bá Dung (trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo VN):
Cần phải xem hoạt động báo chí là thi hành công vụ Quan điểm của cá nhân tôi cũng như quan điểm của Hội Nhà báo VN là phải lên án những việc cản trở, hành hung, tấn công, hủy hoại tài sản, phương tiện hành nghề của nhà báo. Thực tế nhiều vụ việc tấn công, hành hung nhà báo phải một thời gian sau mới được khởi tố dù dấu hiệu vi phạm hình sự rất rõ ràng. Điều này phần nào làm hạn chế tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. Việc Công an Sóc Sơn, Hà Nội khởi tố vụ án cố ý hủy hoại phương tiện và xâm phạm nhà báo VTV vừa rồi là kịp thời, hợp lý. Nhưng điều đáng nói hơn là vụ án được khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản. Theo tôi, nếu nhà báo đi tác nghiệp theo yêu cầu của cơ quan, theo đúng các quy định của pháp luật thì phải được coi là người đi thi hành công vụ, kể cả khi tác nghiệp ngoài giờ làm việc hành chính như công an, kiểm lâm... |
Không phải tất cả là “thi hành công vụ” Theo các chuyên gia pháp lý, các cơ quan báo chí như VTV chẳng hạn trực thuộc Chính phủ nên nhà báo, phóng viên của đài là cán bộ công chức nhà nước. Họ nhân danh Nhà nước thực hiện chức năng báo chí nên được xác định là người thi hành công vụ. Trong khi đó, các nhà báo, phóng viên của các cơ quan báo chí khác khi tác nghiệp không nhân danh Nhà nước, không đại diện cho Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ của mình mà hoạt động theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Do vậy, không thể coi tất cả hoạt động tác nghiệp của nhà báo là thi hành công vụ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận