Các giáo viên (trái) phản ánh bức xúc với các phóng viên báo chí chiều 9-3 - Ảnh: TRUNG TÂN
Từ góc nhìn pháp lý, luật sư Đặng Đức Trí (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết theo điều 38 Bộ luật lao động 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.
Trường hợp thứ nhất, người sử dụng lao động được chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn với người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động. Điều 12 Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thêm về quy định này.
Người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế. Quy chế đó do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Trường hợp thứ hai, người lao động ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ (hợp đồng này tối đa 12 tháng)
Thứ ba, do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Thứ tư, người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định
Và khi đơn phương chấm dứt hợp đồng thì người sử dụng lao động phải thông báo ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Nói về trường hợp các giáo viên đã làm việc đến 7, 8 năm bị cắt ngang hợp đồng, theo luật sư Trí điều này là không đúng quy định pháp luật.
Theo điều 22 Bộ luật lao động 2012, tối đa thời hạn lao động được ký kết trong hợp đồng xác định thời hạn là không quá 36 tháng. Và nếu hai bên tiếp tục ký hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần.
Nghĩa là chỉ được phép hai lần ký hợp đồng có thời hạn (tối đa là 72 tháng - 6 năm). Còn nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Điều 22 Bộ luật lao động 2012 quy định: Khi hợp đồng lao động có thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới.
Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết xác định thời hạn trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo mùa vụ hoặc theo công việc với thời hạn dưới 12 tháng trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
"Vì vậy,trong trường hợp có những giáo viên đã làm việc đến 7 năm thì không thể nói ký hợp đồng có thời hạn với họ và đến hết thời hạn thì cắt hợp đồng được. Đã làm việc qua 6 năm thì phải là hợp đồng không xác định thời hạn. Và khi hợp đồng không xác định thời hạn thì người sử dụng lao động chỉ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của luật lao động. Còn vì sai sót tuyển dư thừa mà lại cắt ngang hợp đồng lao động, làm họ mất việc giữa chừng là trái luật", luật sư Trí nói.
Luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) bổ sung thêm, theo quy định pháp luật có ba loại hợp đồng: hợp đồng dưới 12 tháng, hợp đồng từ 12 đến 36 tháng, hợp đồng không xác định thời hạn.
Theo nguyên tắc, đã là hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 36 tháng), đã ký hai lần hợp đồng xác định thời hạn rồi thì lần thứ ba phải là hợp đồng không xác định thời hạn.
"Trong trường hợp hàng loạt giáo viên mất việc, theo tôi, "rắc rối" là ở công tác tuyển dụng. Người tuyển dụng phải biết được chỉ tiêu bao nhiêu, giảm biên chế ra sao để tuyển chọn cho hợp lý. Còn việc tuyển chọn đông, khiến người lao động nghĩ rằng sẽ được làm việc lâu dài. Tự nhiên bị cắt ngang hợp đồng thì gây tâm lý hoang mang, bức xúc là hợp lý", luật sư Học nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận