20/07/2018 15:25 GMT+7

Khi nào miễn trách nhiệm hình sự cho người đưa hối lộ?

H.ĐIỆP - T.HOÀNG - V.LAM
H.ĐIỆP - T.HOÀNG - V.LAM

TTO - Trong vụ án đường dây đánh bạc ngàn tỉ, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã kết luận và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Khi nào miễn trách nhiệm hình sự cho người đưa hối lộ? - Ảnh 1.

Trong đó có đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) cho bị can Nguyễn Văn Dương (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CNC) về tội "đưa hối lộ".

Việc này đã đặt ra vấn đề: khi nào thì được miễn trách nhiệm hình sự đối với tội đưa hối lộ? Trong bối cảnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đang ở giai đoạn rất quyết liệt, việc xem xét miễn TNHS cho tội đưa hối lộ có khuyến khích tố cáo hành vi nhận hối lộ hay không? 

Ý kiến của các chuyên gia luật, những người làm công tác tố tụng về việc này như thế nào?

Chưa thuyết phục

Theo ThS luật Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp Kon Tum), Cơ quan điều tra Công an Phú Thọ đã xác định bị can Nguyễn Văn Dương đưa hối lộ cho hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa số tiền rất lớn.

Theo kết luận điều tra, việc Dương khai biếu ông Vĩnh 1 đồng hồ trị giá 7.000 USD, 27 tỉ đồng và 1,75 triệu USD; biếu ông Hóa 22 tỉ đồng là có cơ sở. Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra lại đề nghị miễn TNHS cho bị can Dương về tội "đưa hối lộ" là chưa thuyết phục.

Lý do là theo điều 29 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người phạm tội được miễn TNHS khi có một trong những căn cứ sau đây: khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; 

Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; 

Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận; người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng...

Đối chiếu với quy định trên, bị can Nguyễn Văn Dương không rơi vào trường hợp nào.

Nếu áp dụng điểm c khoản 2 điều 29 BLHS 2015 thì Dương chỉ có thể mới đáp ứng một điều kiện, một "vế": "Người phạm tội... khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận" nhưng không đảm bảo điều kiện "người phạm tội tự thú". 

Bởi vì theo thông tin của cơ quan chức năng thì bị can Dương bị khám xét, bắt giữ chứ không phải tự thú.

"Theo tôi, cơ quan chức năng không nên miễn TNHS cho bị can Dương vì số tiền đưa hối lộ là rất lớn, lên đến hàng chục tỉ đồng (chính Dương thừa nhận). Trong khi theo điều 364 BLHS 2015 thì người phạm tội đưa hối lộ trên 1 tỉ đồng có thể bị phạt tù lên đến 20 năm", ông Chung nói.

Luật hiện nay quy định khá chi tiết

Theo ông Thân Quốc Hùng, (phó chánh án TAND tỉnh Bắc Giang): Tại khoản 7 điều 364 BLHS 2015 xem xét miễn TNHS đối với người đưa hối lộ chủ động khai báo. 

Do đó, nếu việc đưa hối lộ mà người đưa chủ động khai báo và đầu thú thì có thể được cơ quan tố tụng xem xét để miễn TNHS.

Thực tế có thể thấy người đưa hối lộ thì yếu thế hơn, bởi vậy sau khi bị ép buộc đưa hối lộ rồi chủ động đi tố cáo thì có thể được miễn TNHS. 

Chủ thể của tội nhận hối lộ là những người có chức vụ, quyền hạn. Nếu xác định được người đưa hối lộ trong tình thế buộc phải đưa thì có thể xem xét miễn TNHS.

Có thể hiểu rằng người đưa hối lộ là người không có vai trò gì và nhờ vả người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện việc gì đó. 

Do đó nếu đủ căn cứ thì miễn TNHS. Như vậy, cần căn cứ vào từng vụ việc cụ thể, hành vi cụ thể và bối cảnh cụ thể mà có thể xem xét cho hành vi này. BLHS đã quy định rất chi tiết và tương đối ổn.

Tiền hối lộ quá lớn thì không thể miễn được!

BLHS 2015 quy định trong chính sách hình sự đối với người đưa hối lộ chủ động khai báo để cơ quan điều tra phát hiện tội phạm và khám phá vụ án thì có thể miễn TNHS vì người đưa ở trong tình trạng "cửa dưới", ví như vì lợi ích gì đó mà phải đưa.

Nhưng với số tiền hoặc vật chất quá lớn thì khó để xem xét miễn TNHS, với số tiền bạc tỉ thì là trường hợp đặc biệt và khó áp dụng được điều khoản trong BLHS 2015.

Trước đây, trong quá trình sửa đổi BLHS đã có ý kiến cho rằng cần bỏ tội đưa hối lộ ra khỏi quy định của bộ luật để khuyến khích người đưa hối lộ tố cáo người nhận hối lộ, để xử lý triệt để việc phòng chống tham nhũng.

Nhưng theo tôi, quan điểm "không đưa hối lộ" là chưa chính xác, vì có người chủ động đưa. Họ đưa vài trăm triệu nhưng thu lợi hàng tỉ. Còn nếu họ bị ép buộc thì mới miễn. Nếu bỏ hẳn tội đó thì nguy hiểm lắm. Và thế giới cũng có tội đưa hối lộ, kể cả quốc gia tiến bộ chứ không phải chỉ nước mình.

Đối với trường hợp bị can Nguyễn Văn Dương, với số tiền đưa hối lộ lớn trên cả tỉ đồng và hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng thì việc miễn TNHS là không hợp lý.

Ông BÙI QUANG SƠN (phó chánh án TAND tỉnh Bến Tre)

Bị can Dương bị khởi tố tội “đưa hối lộ” vào ngày 12-7-2018, sau đó được cơ quan điều tra đề nghị miễn TNHS đối với tội này theo điều 29 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) nhằm đảm bảo chính sách khoan hồng của pháp luật trong phòng ngừa đấu tranh đối với tội tham nhũng.

Không loại trừ trách nhiệm hình sự người gây nợ xấu Không loại trừ trách nhiệm hình sự người gây nợ xấu

TTO - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã nhận định như vậy tại Hội thảo 'Xử lý nợ xấu nhìn từ góc độ chính sách pháp luật' tối 23-5.

H.ĐIỆP - T.HOÀNG - V.LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên