Ông Nguyễn Ngọc Ân - chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho biết để chuẩn bị cho chương trình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tập hợp hơn 200 ý kiến của nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, các trường học trên cả nước.
Các ý kiến đề cập vấn đề thu nhập của giảng viên, phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo làm công tác quản lý, nhân viên khối phòng ban trong các trường đại học; vấn đề tự chủ đại học, thu học phí, chỉ tiêu tuyển sinh...
Một số ý kiến nêu không nên dùng điểm học bạ xét tuyển vào đại học, cao đẳng vì điều này không đảm bảo chất lượng, tỉ lệ sinh viên ra trường làm không đúng ngành nghề đào tạo...
Bao giờ giảng viên có thu nhập xứng đáng?
TS Trần Trọng Đạo - chủ tịch Công đoàn Trường đại học Nha Trang - cho biết thực tế công việc của viên chức, người lao động ngành giáo dục rất nhiều áp lực, tuy nhiên thu nhập của họ lại thấp, đời sống khó khăn, đây là vấn đề "cả xã hội biết".
Điều này dẫn đến không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác hoặc đi học và không quay trở về Việt Nam công tác. Nhiều viên chức, người lao động đang công tác trong ngành lại làm thêm các công việc khác như bán hàng online, dẫn đến "việc chính đem lại thu nhập phụ, việc phụ đem lại thu nhập chính".
Ông Đạo đề xuất nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo. Đồng thời có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành. Nhà nước có thể cho vay để mua đất, xây nhà, đi học với các ưu đãi về lãi suất, thời gian vay (10 - 20 năm), phương thức trả nợ vay...
PGS.TS Phạm Ngọc Minh - trưởng bộ môn ký sinh trùng, trưởng phòng tổ chức cán bộ Trường đại học Y Hà Nội - chia sẻ đào tạo ở trường y tương đối dài, chẳng hạn bác sĩ đa khoa có thời gian đào tạo 6 năm. Muốn trở thành giảng viên thì phải có thêm ít nhất 3 năm đào tạo bác sĩ nội trú.
Ngoài ra, giảng viên Trường đại học Y Hà Nội còn làm công tác kiêm nhiệm ở bệnh viện. Thời gian làm việc ở bệnh viện ít nhất bằng thời gian làm việc ở trường, thậm chí là nhiều hơn. Tuy nhiên giảng viên chỉ được hưởng một loại lương, phụ cấp. PGS.TS Phạm Ngọc Minh đề xuất cần có cơ chế chính sách đặc thù, thu hút tương xứng...
Về vấn đề thu nhập, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết cần tính toán để đảm bảo cuộc sống của cán bộ giảng viên, viên chức, người lao động.
Thực tế thu nhập của giảng viên chưa cao, để giảng viên có mức thu nhập xứng đáng là câu chuyện của tương lai và còn phải có rất nhiều giải pháp.
“Trong nghị quyết 29 có nêu rằng tiến tới phấn đấu ngành giáo dục, giáo viên sẽ được hưởng mức lương cao nhất trong bảng lương của các viên chức trong khối sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, thời điểm này để có một bảng lương riêng là rất khó”, ông Sơn nói.
Giải tỏa điểm nghẽn thể chế cho tự chủ đại học
Trước nhiều ý kiến liên quan đến tự chủ đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết tự chủ đại học đã thực hiện từ hơn 30 năm trở lại đây, với sự khởi đầu của hai đại học quốc gia, sau đó là các trường đại học khác trong vòng 10 năm trở lại đây.
Điểm vướng khi thực hiện tự chủ đại học chính là thể chế, giữa các quy định vẫn có sự xung đột, chưa tương thích, sự chưa đồng bộ trong các hệ thống bộ luật của các cơ quan, bộ ngành, khiến cho những quyền tự chủ của các trường đại học khó thực hiện một cách đầy đủ.
Bộ trưởng cho biết theo kế hoạch đến năm 2024, Chính phủ và Quốc hội dự kiến sẽ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, sửa đổi Luật 34, điều chỉnh thể chế để tiếp tục "mở đường" cho tự chủ đại học đúng hơn và có chiều sâu cho các cơ sở giáo dục đại học.
"Tự chủ không phải là tự túc, tự chủ không phải phó thác tự lo liệu về mặt kinh phí, tự chủ với giáo dục vẫn phải cần được đầu tư nhưng đầu tư như thế nào, đầu tư lúc nào, đầu tư theo cách gì... Điều này tiếp tục phải kiến nghị chính sách", ông Sơn đặt vấn đề.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, ngoài điểm nghẽn về thể chế, giáo dục đại học còn có điểm nghẽn về cơ sở vật chất, hạ tầng.
"Hai đại học quốc gia được đầu tư mấy chục năm vẫn dang dở, một số đại học khác cơ sở vật chất vẫn thiếu thốn. Hệ thống phòng thí nghiệm không đáp ứng được các nghiên cứu ở góc độ đỉnh cao. Bao giờ thoát nghèo về cơ sở vật chất thì các trường đại học mới có cơ hội phát triển mạnh", ông Sơn cho biết.
Theo bộ trưởng, thời gian tới cần phải sớm hoàn thành quy hoạch và sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục, đổi mới hệ thống quản trị đại học theo cơ chế tự chủ, tiếp tục phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia làm "hạt nhân" hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.
Bộ trưởng kỳ vọng và đề nghị các nhà giáo lưu ý về vấn đề tự chủ đại học. Đối với các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục, dù mức độ tự chủ nào cũng phải tìm hiểu sâu thêm và thực hiện đầy đủ.
"Cán bộ, giảng viên cần phải tham gia tích cực trong việc xây dựng quy tắc, định hướng chiến lược của nhà trường, chương trình đào tạo, cơ chế tuyển sinh... Tự chủ phải xuống cấp khoa, cấp bộ môn, tới giảng viên và từng nhà khoa học", ông Sơn nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận