Cảnh trong phim Mắt biếc
Giải Cánh diều và cả giải Bông sen ở Liên hoan phim Việt Nam đều quá cũ về tiêu chí, thậm chí không có tiêu chí rõ ràng nào cả. Cánh diều là giải của một hội nghề nghiệp nhà nước, gần như không hoạt động mà lại chấm cho những phim tư nhân, giải trí. Giải Cánh diều chỉ có uy tín từ năm 2000 trở về trước.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm
Các chủ đề chính khiến nhiều khán giả bàn tán là chiến thắng áp đảo 7 giải của phim Hạnh phúc của mẹ, trong khi các phim trăm tỉ Hai Phượng, Mắt biếc vắng mặt ở nhiều giải, giải nam nữ diễn viên chính của Kiều Minh Tuấn - Cát Phượng.
Kiều Minh Tuấn trong Anh trai yêu quái
Nhân vật Ngạn không "có ý nghĩa xã hội tốt"?
Về chiến thắng áp đảo của Hạnh phúc của mẹ - phim kể về sự hi sinh của mẹ Tuệ, người mẹ đơn thân nuôi đứa con nhỏ tự kỷ, đạo diễn, NSND Thanh Vân - trưởng ban giám khảo (BGK) hạng mục phim truyện - cho là "hoàn toàn xứng đáng". Ông nói: "Phim tốt xứng đáng được hưởng. BGK không có ý định chia đều giải thưởng, phim này nhiều rồi thì chia bớt cho phim kia".
Bên cạnh đó, BGK "nuối tiếc rất lớn" ở Hai Phượng, một phim thương mại với doanh thu tầm 200 tỉ đồng trong và ngoài nước. Bộ phim về hành trình tìm lại con gái bị bắt cóc của Hai Phượng - một người mẹ làm nghề đòi nợ thuê đoạt Cánh diều bạc nhưng trượt Nữ diễn viên chính xuất sắc (cho Ngô Thanh Vân) và giải về Âm thanh.
Cát Phượng (phải) trong Hạnh phúc của mẹ
"Vai của Cát Phượng (trong Hạnh phúc của mẹ) được đánh giá cao nhưng tiếc cho Ngô Thanh Vân vì cống hiến của cô ấy - ông Vân nói - Cát Phượng tiết chế diễn xuất tốt nhất so với nữ chính trong các phim khác và rõ ràng tạo được xúc cảm".
Ở hạng mục Âm thanh, Hai Phượng được đánh giá rất cao nhưng "đáng tiếc là do người nước ngoài làm, có yếu tố nước ngoài. Giải Cánh diều không thể trao cho người nước ngoài, việc này nằm trong điều lệ giải. Giải chỉ trao cho người Việt hoặc người Việt ở nước ngoài" - ông Vân nói.
Trường hợp đáng chú ý khác là Mắt biếc - phim ăn khách bậc nhất 2019 với doanh thu 172 tỉ đồng kể về mối tình đơn phương của Ngạn dành cho Hà Lan và tấm lòng hướng về quê hương. Đạo diễn Thanh Vân nhận định phim "chuyển tải tốt tác phẩm văn học gốc" nhưng BGK không đánh giá cao vì hai lý do.
"Ở Mắt biếc, khi tác giả (đạo diễn Victor Vũ) không vượt qua chính mình thì không có gì đáng khuyến khích cả. So với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Mắt biếc chỉ ở mức làm tốt, chuyên nghiệp chứ không có sự khám phá, thay đổi lớn" - trưởng BGK nói.
Lý do thứ hai nằm ở nhân vật chính Ngạn, ông Vân nhận xét: "Ngạn là nhân vật cam chịu, thiếu sự thúc đẩy, phát triển. Trái lại, nhân vật chính trong Hạnh phúc của mẹ và Hai Phượng đều là những phụ nữ rất mạnh mẽ, tìm mọi cách đi đến đích, có ý nghĩa xã hội tốt. Cả hai nhân vật đó đều tốt hơn Ngạn".
Bên cạnh đó, khá lạ khi Kiều Minh Tuấn giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc cho cùng lúc hai phim thay vì một phim. Theo đạo diễn Thanh Vân, riêng với vai trong Anh trai yêu quái, Kiều Minh Tuấn đã đủ tiêu chuẩn nhận giải. Còn BGK trao thêm cho vai diễn trong Nắng 3 vì muốn tôn vinh khả năng hóa thân đa dạng của anh.
Ngô Thanh Vân trong phim Hai Phượng
Không rõ tiêu chí
Tuổi Trẻ liên lạc với một đạo diễn Việt có phim dự liên hoan phim quốc tế, anh cho biết không còn quan tâm đến Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam trong vài năm qua.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm - người khá bám sát thời sự điện ảnh - nhận định: "Giải Cánh diều và cả giải Bông sen ở Liên hoan phim Việt Nam đều quá cũ về tiêu chí, thậm chí không có tiêu chí rõ ràng nào cả. Cánh diều là giải của một hội nghề nghiệp nhà nước, gần như không hoạt động mà lại chấm cho những phim tư nhân, giải trí. Giải Cánh diều chỉ có uy tín từ năm 2000 trở về trước".
Ông Lâm cho rằng phim Hạnh phúc của mẹ kể chuyện nhân văn nhưng thủ pháp cũ nên việc giành hầu hết giải điện ảnh quan trọng là không hợp lý. Và về mặt nghề nghiệp, Mắt biếc vượt trội so với Hạnh phúc của mẹ và tốt hơn Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.
Phim Gái già lắm chiêu 3
Về hai phim đoạt giải Cánh diều bạc, ông Lâm nhận định: "Truyền thuyết về Quán Tiên phù hợp với cách chấm giải của Hội Điện ảnh, là phim Nhà nước đặt hàng. Còn Hai Phượng là phim giải trí thuần túy. Tôi đánh giá cao tính giải trí của phim nhưng trên thế giới, dạng phim như Hai Phượng chẳng ai mang đi dự thi cả. Tương tự với Gái già lắm chiêu 3".
Một phim bị bỏ qua nữa là Thưa mẹ con đi (không gửi dự giải), đây là phim được nhiều người đánh giá nhân văn, cách kể hiện đại. Trong khi đó, Gái già lắm chiêu 3 được tặng bằng khen (sau giải Cánh diều vàng và Cánh diều bạc) cùng Anh trai yêu quái.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm đề xuất: "Cần có một giải thưởng điện ảnh trung lập của một tổ chức tư nhân, hiệp hội phê bình độc lập hoặc báo chí. Giải phải có tiêu chí rõ ràng và phản ánh đúng nền điện ảnh tư nhân chứ không lỗi thời".
Đạo diễn Phan Đăng Di:
Vì sao tôi không quan tâm Cánh diều?
Giải thưởng của hội nghề nghiệp, nếu muốn nhà làm phim quan tâm thì phải thể hiện được tiếng nói mạnh mẽ trong việc ủng hộ những đổi mới trong điện ảnh. Nhưng qua một thời gian dài, tôi không hề thấy xu hướng ủng hộ cái mới ở hội. Tôi nhấn mạnh chữ mới, vì giải không thể trao đi trao lại cho những giá trị cũ.
Hội nghề nghiệp, nếu không chủ động tạo cho mình nguồn phim chắc chắn thì mỗi năm đều phải chờ đợi các phim gửi về. Có những phim không đủ uy tín. Vị thế như vậy không thể là vị thế của một hội nghề nghiệp. Họ đáng ra phải nhìn trước vấn đề, song hành cùng nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ, giúp đỡ họ có tác phẩm. Vì hội không làm được điều đó nên những tài năng trẻ Việt Nam có phim được quan tâm ở các liên hoan phim quốc tế, họ không có nhu cầu gửi phim cho hội nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận