15/02/2021 10:08 GMT+7

Khi gã lang thang phải ở nhà

NICOLAS CORNET
NICOLAS CORNET

TTO - Vào lúc viết những dòng này, tôi có cảm giác đang kể về mình như một kẻ bị lưu đày, bị ngăn trở tới quốc gia mình muốn tới. Từ tháng 12-2019, tôi đã không được trở về Việt Nam.

Khi gã lang thang phải ở nhà - Ảnh 1.

Paris vắng lặng và ướt át - Ảnh: Nicolas Cornet

Lúc này đây, chúng tôi đang sống với một lệnh giới nghiêm trên toàn nước Pháp mỗi ngày từ 6h chiều tới 6h sáng. Các rạp phim, nhà hát, tiệm cà phê, nhà hàng và bảo tàng đều đóng cửa. 

Paris không còn là Paris nữa.

"Dừng hình"

Là nhiếp ảnh gia, với tôi, năm của dịch bệnh vừa qua lưu lại một dư vị bất toàn. Chiếc máy ảnh của tôi đã chẳng được nhấc lên bấy lâu, nằm im lìm trên kệ như một con thú nhồi bông. 

Mùa hè vừa rồi, tôi khởi động dự án chụp ảnh phim một đề tài mới: chân dung những cái cây ấn tượng và những câu chuyện mạnh mẽ, lạ kỳ kèm theo. Cuộc trở lại tự nhiên đấy chẳng phải ngẫu nhiên. 

Bị khóa trong nhà từ tháng 3 tới cuối tháng 6, tôi ra khỏi đợt phong tỏa thứ nhất như một người tù được giải phóng. 4 tháng đó, tôi chỉ thoát ra ngoài được bằng ba cách: khi được phép ra ngoài cho những việc thiết yếu hay tập thể dục, ngồi thiền và qua những giấc mơ.

Hồi những năm 1980, con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp mà tôi lựa chọn là con đường của phiêu lưu, gặp gỡ, cởi mở và tò mò về những người khác trên hành tinh vẫn rất tuyệt diệu - ngôi nhà chung cho biết bao con người kỳ thú này.

Không được đi lại và bị "lưu đày" suốt thời gian dài trong đời sống tĩnh tại là điều thật khó khăn với tôi, nhưng cũng giúp tôi có được khoảnh khắc "dừng hình" quan trọng với một người chụp ảnh. 

Xem lại những bức ảnh của mình, tiếp tục công việc xây dựng trang web cho cuối năm 2021, chuẩn bị hai dự án triển lãm mới ở Thụy Sĩ và Pháp cho năm 2022, tiếp tục những cuốn sách, nhất là cuốn về "Văn hóa ẩm thực Việt Nam" cho năm 2023, gặp gỡ lại những nhà xuất bản và tạp chí ở châu Âu.

Không được đi đâu

Tôi trở lại với việc đạp xe, đi bộ, những cuốn sách, viết lách và mối quan hệ với yếu tố cấu thành nhỏ nhất của xã hội - gia đình.

Ở bốn phòng trong căn hộ của chúng tôi, bốn con người độc lập với nhau sinh sống: vợ tôi, hai con trai và tôi chia sẻ không gian như một thủy thủ đoàn trên con tàu lênh đênh giữa đại dương. 

Hai con trai tôi, còn tuổi thanh niên, làm việc và học tập trong phòng ngủ, tập thể dục và giải trí trong phòng khách. Vợ tôi làm việc qua những cuộc gọi video. Những bữa tối là thời khắc chính chúng tôi tương tác, khi những góc nhìn khác nhau của chúng tôi về các biến cố gặp nhau.

Lúc đầu, chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều thông tin, nhưng rồi những cuộc nói chuyện trở nên bồn chồn, xa cách. Việc dõi theo số ca bệnh và số người chết tác động lên và đe dọa sự sáng sủa của tinh thần. 

Một cách thận trọng, tôi nhanh chóng thay đổi đề tài, cố gắng vun đắp quan điểm rằng giống như mọi biến cố, ngay cả nếu đại dịch có tiếp diễn, rồi nó cũng phải có ngày kết thúc.

Cuối cùng, bên gia đình và bè bạn, tôi khám phá lại những giá trị từng gắn chặt với thời thơ ấu của tôi ở một vùng lao động và nông nghiệp - sự tương trợ lẫn nhau và tình đoàn kết, điều mà trước kia tôi thấy Paris và cả vùng này rất thiếu.

Khi sóng biển và gió giật mạnh ngoài khơi, một thủy thủ đoàn đồng tâm nhất trí trên con thuyền gia đình sẽ có cơ hội để sống sót hay vượt qua khó khăn. 

Tinh thần kiên cường đó được nuôi dưỡng bởi sự tương trợ lẫn nhau và trong những thời kỳ bất trắc, ta càng phải khẳng định năng lực tập thể và cá nhân vượt qua khó khăn, lòng tin rằng ta sẽ tìm được hướng ra, cùng trí tưởng tượng để có giải pháp cho mọi vấn đề - và không bỏ lại ai phía sau.

Khi gã lang thang phải ở nhà - Ảnh 2.

Những ngày Paris u ám - Ảnh: Nicolas Cornet

Trạng thái phong tỏa

Ở ngoài kia, những đường phố Paris vắng tanh chỉ nghe tiếng còi hụ của xe cấp cứu chở người bệnh. Buổi đêm, ánh sáng phát ra từ chiếc đèn xoay trên nóc xe như những thanh gươm cắt xẻ những đường phố tối tăm. 

Một thành phố bị phanh thây, được đánh dấu bằng hàng nghìn tia sáng như thế, tượng trưng cho những con người đang ngộp thở, đang được hồi sức ở những bệnh viện đã quá đông đúc. Ngay cả nếu ta tắt radio, tivi và máy tính đi, dấu hiệu kinh hoàng kia vẫn hiện rõ mồn một trước mắt, trước khi chìm dần vào đêm.

Trong đời sống thường nhật, mối đe dọa từ con virus đã xâm nhập rất sâu. Nếu muốn ra khỏi nhà chỉ một tiếng để mua sắm, tập thể dục hay khám bệnh, chúng tôi phải điền vào một tờ đơn. Trong nhà, mọi thứ mang từ bên ngoài vào được tẩy rửa tỉ mỉ, khẩu trang vải được nhúng nước sôi và căn hộ được thông khí vài lần mỗi ngày, vệ sinh tay và mặt cũng khác trước. 

Đối mặt với đại dịch, chúng tôi đã rơi vào một trạng thái phong tỏa lâu dài về y tế thật sự.

Đại dịch cũng đã nhanh chóng dạy cho chúng ta một lần nữa phúc lành của sự toàn vẹn thân thể, những lợi ích tuyệt vời của phép vệ sinh giản đơn. Và dù các bệnh viện ở đây cũng quá tải, những gì diễn ra chứng tỏ tầm quan trọng của hệ thống y tế công lập, một mô hình tuy tốn kém với tất cả mọi người vì tất cả phải đóng góp, vẫn là tối quan trọng và cần thiết. 

Qua những số liệu về các ca tử vong, ta thấy giai cấp lao động và trung lưu ở Anh và Mỹ đang khổ sở thế nào vì những thiếu sót với một hệ thống như thế. Ngược lại, nước Pháp, nhờ một hệ thống y tế mở cho tất cả mọi người, đã chứng minh họ có thể bảo vệ được những người dễ tổn thương nhất.

Sống, đi lại và ăn uống có lương tâm

Hầu hết người Pháp không nghĩ họ đã làm gì sai trái để rốt cuộc phải bị giam giữ trong một đại dịch thế này. Nhưng thái độ đó cũng nêu ra nhiều câu hỏi cả ở tầm triết học và với đời sống thường nhật. 

Chẳng lẽ chúng ta đều là những người lạ với chính số phận của mình? Phải chăng chúng ta đều là những nạn nhân vô tội?

Cuộc đời và khoa học đã nhanh chóng chỉ ra trách nhiệm thuộc về chính chúng ta. Ngàn đời đã vậy, bệnh dịch truyền từ động vật sang con người và ngược lại, các mầm bệnh là vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Nhưng vài thập kỷ qua, giới khoa học đã cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng sinh ra vì hành vi của chính chúng ta. 

Một mặt, thói quen ăn uống của chúng ta dẫn tới sự bóc lột tự nhiên quá mức, như chăn nuôi ở quy mô công nghiệp trên toàn cầu dẫn tới hàng chục tỉ động vật bị đối xử tàn tệ trong những điều kiện vệ sinh nguy hại. 

Mặt khác, sự tận diệt các loài hoang dã và xâm chiếm môi trường sống của chúng, trong rừng, trên những dòng sông và khắp các đại dương, đã để lại những hệ quả tai họa cho chính sự tiến hóa của chúng ta.

Cuối cùng là mối nguy của việc đi lại: Khi đến nơi mình muốn với tốc độ mình muốn, chúng ta cũng mang theo virus, vi khuẩn và ký sinh trùng đến những vùng xa lạ, nơi các tổ chức hữu cơ chưa có cơ chế để tự vệ trước chúng. 

Giờ đối mặt với những mối đe dọa mới, chúng ta không thể coi mình là những nạn nhân nữa, mà chính là tác nhân và người ra quyết định phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Đã đến lúc phải ăn uống, sống và đi lại có lương tâm.

Những ai biết tôi sẽ hiểu tôi nhớ Việt Nam và châu Á đến nhường nào. Vào tháng 3-2020, vì phong tỏa, tôi phải dừng công việc với một đài truyền hình tiếng Anh về loài vượn trên bán đảo Sơn Trà.

Đã 34 năm liền, năm nào tôi cũng sang Việt Nam 2-3 lần và đã đặt chân tới mọi tỉnh thành của đất nước ấy. Không được phiêu lưu quả là một nghịch cảnh với tôi.

Trong lần phong tỏa đầu tiên, rất nhiều giấc mơ của tôi liên quan tới những cuộc lãng du. Tôi đã mơ thấy vé máy bay trễ ngày, visa không còn hạn khi đến nơi, thậm chí thấy mình trần truồng ở quầy "check-in" và không được lên máy bay.

Nhưng bây giờ, là một thủy thủ đã biết ý thức trên con tàu của mình, tôi coi giai đoạn tạm "cập cảng" này là thời gian để chiêm nghiệm lại và càng thấy mình may mắn ra sao vì đã có thể chu du bao nhiêu năm khắp châu Á.

Hết tuần này tới tuần khác, tôi vẫn dõi theo sự phát triển của Việt Nam và nghĩ về những người bạn của tôi, nhất là những người làm trong nghề du lịch, đã bị mất công ăn việc làm suốt thời gian qua.

Vào tháng 1, tôi làm việc trực tuyến trong vai trò giám đốc nghệ thuật cho một triển lãm của hai nhiếp ảnh gia trẻ về đề tài "Phụ nữ Việt Nam", dự kiến diễn ra ngày 8-3 tới ở IDECAF, TP.HCM, rồi Huế và Hà Nội. Tôi phóng chiếu bản thân mình tới Việt Nam thông qua hai nhiếp ảnh gia trẻ này, hi vọng rằng tới cuối mùa xuân hay mùa thu lại được nhìn thấy mảnh đất tươi đẹp đấy.

Cẩm nang Michelin thời COVID-19: Không ai bị hạ cấp Cẩm nang Michelin thời COVID-19: Không ai bị hạ cấp

TTO - Ngày 17-1, Cẩm nang Michelin (Michelin Guide) - vốn được coi là giải Oscar trong làng ẩm thực - đã công bố về những xếp hạng nhà hàng đầu bảng ở Pháp.

NICOLAS CORNET
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên