Phóng to |
Bối cảnh phim Những nụ hôn rực rỡ - Ảnh: Đặng Minh Tùng |
Vì cảnh và vì tình
Không phải "từ trên trời rơi xuống" mà Chính phủ New Zealand bỗng quyết định thúc đẩy phát triển điện ảnh để quảng bá hình ảnh của New Zealand, một đất nước ít ai để ý cho đến khi loạt phim Chúa tể những chiếc nhẫn ra đời. Trong ba năm loạt phim này ra mắt, số khách du lịch đến New Zealand tăng từ 1,6 triệu lên trên 2 triệu người. Các tour du lịch tham quan những điểm quay ba bộ phim này luôn sốt vé. Trong suốt 20 năm trước đó, Chính phủ New Zealand đã nỗ lực hết sức để khuyến khích phát triển điện ảnh, mà thành quả là giành được quyền sản xuất loạt phim siêu phẩm kinh điển này.
Cam Ranh với Những nụ hôn rực rỡ “Hiệu ứng Mamma Mia!” cũng là một trong những đích nhắm của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khi thực hiện bộ phim Những nụ hôn rực rỡ, bộ phim ca nhạc có nhiều màu sắc ảnh hưởng từ Mamma Mia!: cũng biển xanh mây trắng, trai gái váy áo sặc sỡ, múa hát rộn ràng, và tình yêu rực rỡ với những nụ hôn. Đương nhiên, với một câu chuyện Việt Nam, con người Việt Nam, phong cảnh Việt Nam, Những nụ hôn rực rỡ sẽ gần gũi hơn với khán giả Việt Nam. Cả đoàn phim Những nụ hôn rực rỡ đã đóng đô suốt một tháng trời ở khu nghỉ mát Ngọc Sương (chạy dài theo vịnh Cam Ranh, một trong những vịnh đẹp nhất Việt Nam) để thực hiện cảnh quay những buổi sáng tinh mơ nắng vừa lên khỏi mặt biển, những buổi chiều nắng vàng, với biển xanh, cát trắng. Nhà tài trợ không chỉ tài trợ bộ phim về bối cảnh, ăn uống, nhà nghỉ mà còn xây hẳn cả một cây cầu uốn mình trên biển để đạo diễn tha hồ “tung tẩy” những màn múa hát. Những nụ hôn rực rỡ, vì thế, có lẽ là bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên có cơ hội khai thác những vẻ đẹp đặc trưng nhất của vịnh biển vốn là khu quân sự trong suốt một thời gian dài. Những nụ hôn rực rỡ cũng đánh dấu lần đầu tiên có một bộ phim Việt Nam “bắt tay” với một địa điểm du lịch để quảng bá du lịch. |
Những gì Chính phủ New Zealand thực hiện không phải mới mẻ nếu nhìn sang Thái Lan hay Hàn Quốc. Liên hoan phim quốc tế Bangkok của Thái Lan do chính Bộ Du lịch của Thái Lan đứng ra tổ chức nhằm lôi kéo sự chú ý không chỉ của giới điện ảnh mà cả khách du lịch đến với đất nước này, xóa mờ hình ảnh một nước Thái Lan chỉ có "sex tour".
Khách du lịch đến Hàn Quốc muốn tìm đến khu du lịch Lotte World để được chơi... đu quay bởi đó là nơi quay bộ phim Nấc thang lên thiên đường. Những tour tham quan đảo Jeju và công viên Dae Jang Geum giới thiệu lại những điểm quay của bộ phim Nàng Dae Jang Geum hay những điểm quay Bản tình ca mùa đông luôn thu hút khách du lịch châu Á bởi không chỉ cảnh đẹp mà còn vì tình cảm của khán giả với bộ phim.
Thử rượu kiểu Sideways
Hollywood có lẽ là bậc thầy trong việc am hiểu sức mạnh của điện ảnh với du lịch.
Những tour tham quan địa điểm quay các phim nổi tiếng đã thúc đẩy ngành du lịch, không chỉ ở những thành phố lớn như Los Angeles (với quá nhiều tour du lịch bởi đây là kinh đô của Hollywood), New York (rất nổi tiếng với tour Sex and the city), mà cả những thành phố nhỏ hơn như New Jersey (khán giả mê phim truyền hình The Sopranos sẽ tha hồ được nhìn thấy tận mắt gia đình "bố già" sống ở đâu), hay Santa Barbara (bang California) với những cánh đồng trồng nho bát ngát đến mê người trong phim Sideways, bộ phim kể về hai gã đàn ông thất bại trong cuộc sống tìm kiếm niềm vui trong những chén rượu trước ngày đám cưới...
Tour thử rượu kiểu Sideways ngang qua làng Solvang và các xưởng rượu Kalyra, Firestone và Fess Parker luôn khiến khách du lịch choáng hơi men ngây ngất không muốn về!
Từ Mamma mia! đến đám cưới ở Hi Lạp
Không chỉ vậy, Hollywood không ngại ngần quảng bá du lịch cho những nước khác: Barcelona (Tây Ban Nha) tuyệt đẹp và lãng mạn trong Vicky Cristina Barcelona, Bruges (Bỉ) cổ xưa và trầm lặng trong In Bruges, Tokyo (Nhật Bản) sôi động và nhộn nhịp trong Lost in translation, Tuscan (Ý) đầy nắng và tình yêu trong Under the Tuscan sun, hay cả đất nước Ấn Ðộ đầy sắc màu - cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - trong Darjeeling limited.
Khách du lịch đến thăm tượng đài của Wallace, Scotland tăng 300% một năm sau khi phim Trái tim dũng cảm ra đời, khách sạn The Crown ở Amersham, Anh được đặt kín chỗ đến... ba năm kể từ khi phim Bốn đám cưới một đám ma trình chiếu, Ðiệp vụ bất khả thi 2 giúp lượng khách du lịch đến công viên quốc gia Sydney tăng 200% trong năm 2000...
Năm 2008, bộ phim ca nhạc Mamma Mia! được quay ở một hòn đảo của Hi Lạp càng khiến người ta sửng sốt trước ảnh hưởng của điện ảnh với du lịch. Hàng trăm ngàn người đổ xô đến hòn đảo Skopelos để tổ chức đám cưới, thưởng thức champagne dưới nắng chiều ngoài bãi biển, và có người chỉ đơn giản muốn được khiêu vũ và hôn nhau trên bãi biển như những cảnh trong Mamma Mia!
Ðại diện một hãng du lịch ở đây cho biết họ nhận được yêu cầu của khách đến từ Anh, Hungary, Úc muốn tổ chức đám cưới ở hòn đảo này "giống hệt như cảnh trong phim, kể cả việc vào nhà thờ Ayios Ioannis, nơi đoàn phim quay, để làm lễ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận