24/04/2019 10:52 GMT+7

Khi cô là 'bạn thân' của trò

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Chuyên môn nghiệp vụ là yêu cầu đầu tiên khi giáo viên đứng lớp, nhưng phải cực kỳ tâm lý mới đi vào lòng học sinh, mới làm bạn với các em một cách ấm áp nhất.

Khi cô là bạn thân của trò - Ảnh 1.

Cô Xuân Oanh, Trường THCS Lê Văn Tám gần gũi, chia sẻ với học sinh từ những điều nhỏ nhất Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là quan niệm và cũng là lửa nghề để cô Phạm Thị Xuân Oanh, giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), luôn "cháy" mình trên bục giảng suốt 15 năm qua.

Luôn đặt mình trong tư thế... chưa biết gì

Từ nhỏ, biết mình có khiếu ăn nói nên cô Oanh nuôi dưỡng ước mơ là cô giáo dạy văn. Năm học 1997-1998, khi đang học lớp 11, cô đoạt giải nhất môn văn kỳ thi Olympic miền Nam. Nhưng cuối cùng cô lại bén duyên với môn tiếng Anh sau khi tò mò tìm hiểu về nghề phi công của người anh họ.

"Năm 2000, tôi thi vào Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM, ngành sư phạm tiếng Anh. Năm 2004 tốt nghiệp, đúng lúc Hội đồng Anh cùng Sở GD-ĐT TP tổ chức tuyển chọn giáo viên tăng cường tiếng Anh, may mắn nghề chọn tôi, thế là từ đó cái duyên cô giáo ngoại ngữ gắn đến nay được 15 năm" - cô Oanh kể.

"Chuyên môn vững và giỏi là chuyện không phải ngày một ngày hai, phải học hỏi và trau dồi. Vì thế tôi luôn tưởng tượng mình chưa biết gì, để mình học, trau dồi những kỹ năng, những kiến thức nội dung, những chủ đề thú vị mà qua đó các em sẽ biết được từ mới, biết được ngữ pháp câu cú và áp dụng trải nghiệm thực tế. Phương châm để trau nghề của tôi đơn giản là mình... chưa biết gì" - cô Oanh tâm sự.

Năm 2015, cô là một trong những giáo viên trẻ của TP có cơ hội đi học tập tại Úc một khóa ngắn hạn hơn một tháng. 

"Khóa học là nơi mình học tập những phương pháp giáo dục nước ngoài, những trải nghiệm. Thử vào vai một học sinh mới toanh với mọi thứ, sẽ khác với tư thế một giáo viên đi tập huấn, hoặc đã biết ít ít để cọ xát với bên ngoài. Vì thế, sau này trường tổ chức cho học trò du học hè, những thứ mình trải qua rồi sẽ truyền lại được cho học sinh sâu sát hơn" - cô phân tích.

Cô Mai Phương, cùng tổ tiếng Anh, kể lại: "Khi cô Oanh đi học ở nước ngoài về, cô lại mang nhiều cơ hội trải nghiệm này chia đều cho các đồng nghiệp trong tổ, nhất là giáo viên trẻ.

Dù không nằm trong kế hoạch nhưng cô sẵn sàng làm "học sinh" cuối lớp để dự tiết dạy, để chỉ ra chỗ đạt - chưa đạt, hướng tiếp cận mới của bài. Cô vững vàng trong chuyên môn, tận tụy với trò, nhiệt tình với đồng nghiệp".

"Cô rất ấm áp"

Khi cô là bạn thân của trò - Ảnh 2.

Cô Xuân Oanh, Trường THCS Lê Văn Tám hướng dẫn luyện tập trong giờ anh văn lớp 9/6 Ảnh: NHƯ HÙNG

Để cộng hưởng thành những tiết dạy vừa chất lượng vừa lý thú, cô Oanh cũng tự xây dựng cho mình những "tuyệt chiêu" tâm lý để đi vào lòng học trò, điều mà cô cho rằng là con đường đến trái tim các em ngắn nhất. 

Những năm mới ra trường, để hiểu một em học trò là điều không dễ với cô, nhưng càng về sau suy nghĩ mình phải là "bạn thân" của các em, thì con đường đến tiết dạy cũng như những câu chuyện bên lề, chuyện sâu thẳm, các em sẽ rút ruột chia sẻ.

"Dù là học sinh lớp thường hay trong đội tuyển học sinh giỏi, có những em chán nản không muốn học, vì sức ép gia đình, vì sức ép lượng kiến thức, lên lớp ngủ gà ngủ gật, có suy nghĩ bất cần, nhiều lúc có em như không màng đến những gì tôi nói. 

Vì thế mình phải tâm lý và thật kiên nhẫn để "gỡ rối", tiếp đến tôi vỗ về để "đẩy", "kích" sự ham học, năng lực các em lên, phấn khởi thì các em mới vui vẻ học. Từ đó cô trò như là những người bạn, tất nhiên tôi cũng chia sẻ với các em từ thật tâm của mình" - cô bày tỏ.

Năm nay là năm cuối cấp, đã từng được cô chủ nhiệm và dạy mình trong đội tuyển học sinh giỏi, em Võ Thị Hương (lớp 9) chia sẻ: "Em đã học cô gần 4 năm, có rất nhiều kỷ niệm buồn vui với cô Oanh, ấn tượng nhất là sự gần gũi thân thiện của cô. Cô rất ấm áp!".

Cô Oanh là giáo viên rất năng nổ, nhiệt huyết, được lòng nhiều học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên trong trường. Chuyên môn rất vững, cô nằm trong ban cố vấn soạn sách của Sở GD-ĐT TP môn tiếng Anh, và là người từng đoạt giải thưởng Võ Trường Toản".

Ông Nguyễn Anh Tuấn - hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám

"Tụi con mong thầy cô là bạn thân" 'Tụi con mong thầy cô là bạn thân'

TTO - 'Mong thầy cô mang đến cho tụi con nhiều tiết học vui vẻ nhẹ nhàng, mong thầy cô giám thị và thầy cô chủ nhiệm luôn là 'bạn thân' của học sinh'.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên