Công Hoàng với quan điểm "Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai" khiến dư luận khán giả phản ứng
Chia sẻ về lựa chọn sẽ ly hôn nếu vợ không sinh con trai, phụ nữ trong gia đình ăn mâm dưới..., phát ngôn gây phản ứng vì tư tưởng "trọng nam khinh nữ" của Công Hoàng trong chương trình "Hành lý tình yêu" chỉ là một "ví dụ" tiếp nối cho không ít nội dung gây "sốc" của các chương trình truyền hình trong thời gian qua.
Câu chuyện của Công Hoàng đã khép lại, sau khi anh này lên tiếng xin lỗi khán giả, đặc biệt là người đồng hương xứ Huế.
Nhà sản xuất chương trình cũng lên tiếng: "Chương trình xin khẳng định rằng quan điểm sống cũng như câu chuyện của bạn Công Hoàng chia sẻ trong chương trình không đại diện cho phong tục tập quán hay văn hóa vùng miền nào", đồng thời giãi bày rằng:
"Qua sự việc này, chúng tôi cũng sẽ kỹ lưỡng hơn nữa trong khâu nội dung và biên tập chương trình để tránh gây hiểu lầm đáng tiếc cũng như gây áp lực cho các bạn tham gia chương trình khi họ phải bộc lộ những quan điểm chưa thật hay và dễ bị phán xét".
Liệu đây là vạ miệng của người chơi, sự cố của chương trình, hay là sự cố tình của nhà sản xuất để câu lượt xem? Khi mà mọi người phát hiện ra rằng mới tháng 5 thôi, Công Hoàng cũng đã tham gia chương trình "Cho phép được yêu" cũng để tìm tình yêu và nêu ra những quan điểm hoàn toàn ngược lại…
Thời gian gần đây, các chương trình hẹn hò trên truyền hình có những tình tiết khiến nhiều khán giả bức xúc. Trong "Ghép đôi thần tốc", cô gái trẻ nói về hình mẫu người yêu tương lai của mình phải đẹp trai, cao ráo, phải có trách nhiệm chu cấp tiền bạc cho mình đi du lịch, sắm sửa…
Trong chương trình "Tỏ tình hoàn mỹ", một người chơi hôn môi cô gái rồi bảo rằng: "Nụ hôn có mùi tình bạn". Và không chỉ có gameshow xe duyên có những nội dung gây "sốc", trong chương trình "Có hẹn lúc 22 giờ", MC Lê Hoàng từng khiến khán giả dậy sóng khi nói "Gái xấu xăm gì cũng xấu", "Nếu có tiền đưa mẹ vào viện dưỡng lão"…
Hàng loạt phát ngôn, hành động được gắn là "quan điểm riêng của từng người" nhưng khi được giới thiệu đến hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ đã tạo nên làn sóng phản ứng, tẩy chay mạnh mẽ…
Nụ hôn gây phản cảm trong chương trình "Tỏ tình hoàn mỹ"
Ông Lê Quang Nguyên - nguyên giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long - cho biết trước đây có nhiều đơn vị chào hàng với nhà đài chương trình xe duyên có format nước ngoài, bảo rằng các chương trình này rất hot, thu hút đông đảo khán giả ở nước đó nhưng ông từ chối, vì theo ông, người Việt Nam xem hôn nhân là một việc hệ trọng, vì vậy không thể nào lên truyền hình nói với nhau vài câu... là hiểu nhau, thành duyên.
"Các nhà sản xuất đều dùng những thủ pháp dàn dựng để gây sự chú ý từ phía người xem. Dùng thủ pháp gì là do chính đơn vị sản xuất chương trình lựa chọn, nhưng để tăng lượng khán giả xem chắc phải có chiêu trò để gây sự chú ý..." - ông Quang Nguyên nhận định.
Vì vậy, ông Nguyên cho rằng khâu nhà đài cần cẩn trọng hơn trong việc biên tập và duyệt chương trình, bởi "hạt bụi bay vào mắt còn bị xốn xang, huống chi vào cả triệu đôi mắt khán giả sẽ đau đớn như thế nào…".
Gây chú ý bằng sự tinh tế, được không?
Đó là câu hỏi của nhiều khán giả khi xem những chương trình truyền hình trong thời gian vừa qua.
Nhiều người xem không khỏi "sốc" khi được thấy nhiều hoàn cảnh người nghèo, khuyết tật vất vả trong cuộc mưu sinh nhưng luôn yêu thương cuộc sống, con người, vẫn có ý chí vươn lên trong các gameshow "Vượt lên chính mình", "Ngôi nhà mơ ước", "Chuyến xe nhân ái", "Hát mãi ước mơ"…
Những câu chuyện cảm động được truyền đạt qua màn ảnh nhỏ giúp nối kết những tấm lòng nhân ái, lan tỏa tình yêu thương giữa con người với con người, góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp thêm… Nhưng đáng tiếc, các chương trình không chiêu trò và mang tính nhân văn cứ ngày một teo tóp, mất dần…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận