![]() |
Thế hệ trẻ phải tự tin vào đời - Ảnh minh họa |
Dòng chữ đó chỉ mang tính đùa vui, chủ yếu người viết muốn khoe thành tích của mình: vừa mới hoàn thành luận văn, kết thúc bốn năm học miệt mài phấn đấu. Tuy nhiên, dòng chữ đó cũng hàm ẩn một mảng tranh xã hội có gam màu khá tối: tốt nghiệp đồng nghĩa với thất nghiệp.
Tôi nghĩ đến con số đáng báo động mà báo Tuổi Trẻ đưa tin gần đây: “Tính đến quý 1-2016, cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp”. Điều đáng suy nghĩ là con số này vẫn tăng lên theo thời gian và chưa có giải pháp nào cụ thể ngăn nó dừng lại.
Tôi lại nghĩ đến những bậc phụ huynh đưa con đến trường đăng ký nhập học mấy ngày qua. Trong khi bao sự lo lắng, bồn chồn hiện rõ trên gương mặt và dáng điệu tất tả của họ lúc tìm đọc thông tin, hỏi han cán bộ đào tạo về các chuyên ngành học, những tân khoa vẫn điềm nhiên, ngơ ngác bám theo sau. Có vẻ như họ vẫn đặt tương lai của mình vào sự lựa chọn của cha mẹ.
Tôi lại nghĩ đến lời tâm sự của một sinh viên năm cuối khi em hỏi xin ý kiến của tôi liệu em có nên bỏ hết tất cả để làm lại từ đầu, bởi bao lâu nay em không thấy hứng thú vì ngành em đang học là ý muốn của cha mẹ em chứ không phải là quyết định của em bốn năm về trước.
Tôi lại nghĩ đến chính đứa cháu của mình với ba năm trung học miệt mài ở một trường chuyên nổi tiếng, nay có một điểm thi đại học khá cao nhưng không biết nộp vào đâu, học ngành gì và sau này sẽ làm nghề gì. Tất cả định hướng cho tương lai của cháu tôi tùy thuộc vào sự quyết định của người mẹ vốn làm nghề buôn bán và ít có kiến thức cập nhật về xã hội.
Đa số chúng ta cứ đổ lỗi cho các trường đại học ồ ạt bán những cái họ có hơn cái thị trường cần và không quan tâm đến nhu cầu của người tuyển dụng lao động. Hệ quả tất yếu là sự lệch pha giữa cung và cầu: sinh viên ra trường thất nghiệp tràn lan, trong khi các doanh nghiệp không tuyển đủ lao động.
Chúng ta lại cũng đổ lỗi cho cả hệ thống vĩ mô điều tiết lao động không hiệu quả. Đã có không ít ý kiến phản đối khi người đứng đầu hệ thống cung - cầu lao động là Bộ Lao động - thương binh & xã hội phát biểu: “Cất bằng đại học làm công nhân thì cũng là việc làm”.
Những chỉ trích trên đây không sai, nhưng liệu có phải là nguyên nhân chính của hiện trạng thất nghiệp trên diện rộng của các tân cử nhân ở nước ta?
Theo tôi, nguyên nhân mấu chốt vẫn cứ ở người học.
Khi mức sống càng phát triển, các bậc cha mẹ có điều kiện để cho con cái mình một cuộc sống đầy đủ hơn. Mặt trái của sự đầy đủ đó là “thế hệ gà công nghiệp” đã ra đời: sự ăn, học và thậm chí cả chơi của con cái đều phó mặc cho sự lựa chọn của cha mẹ. Thế hệ trẻ lớn lên không biết, không quan tâm hay có thể không cần đến cả quyền tự quyết định đối với những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình. Do vậy để có một hướng đi đúng đắn khi các em rời nhà trường phổ thông, cần có một sự định hướng nghề nghiệp từ trước đó và tự bản thân các em phải biết mình muốn hướng đi nào cho tương lai của mình.
Là cha mẹ, lẽ tất nhiên chúng ta yêu thương, lo lắng cho con, nhưng hãy biến tình thương ấy thành sự hậu thuẫn hơn là sự áp đặt. Chúng ta không nên ép con cái lựa chọn ngành học để thực hiện ước mơ dang dở của chính chúng ta, hay vì một nghề nghiệp mà chúng ta theo quan điểm của chúng ta là tốt. Thay vì vậy, chúng ta hãy cùng con cái phân tích những điều kiện thực tiễn của xã hội và năng lực của bản thân để có một lựa chọn phù hợp.
Là chủ nhân của chính cuộc sống của mình và cũng là “chủ nhân tương lai của đất nước”, các học sinh, sinh viên phải sớm có ý thức tự lập để chuẩn bị tốt nhất cho mình trước những thử thách khắc nghiệt của môi trường làm việc có tính cạnh tranh khốc liệt. Thay vì cứ vui vẻ ngồi đúng chỗ của cha mẹ đặt, các em hãy xông xáo tìm lấy chỗ mình thật sự muốn ngồi và lựa chọn cho mình một thế ngồi vững chãi nhất với đầy đủ kỹ năng cứng, kỹ năng mềm và một tinh thần trách nhiệm ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.
Thay vì cứ ngồi chờ một cơ chế tuyển dụng với mức lương khởi đầu “khá ổn” và môi trường làm việc phù hợp với chuyên ngành đã học, các em hãy sẵn sàng chấp nhận bước những bước đầu tiên đầy gian khổ trong thế giới nghề nghiệp với tinh thần “vạn sự khởi đầu nan”.
Là một phụ huynh và một người đồng hành cùng sinh viên trong những năm đại học, tôi thật sự mong muốn con tôi và các học trò tôi ý thức rõ về sự làm chủ vận mệnh của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận