18/09/2014 05:38 GMT+7

Khi chính trị can thiệp vào thể thao

N.KHÔI - H.ĐĂNG
N.KHÔI - H.ĐĂNG

TT - Hôm vừa đặt chân đến Incheon (Hàn Quốc), chúng tôi nhận thấy một điểm khác biệt lớn trong khâu quảng bá cho Asiad Incheon 2014 so với ở những kỳ đại hội thể thao lớn khác. Đó là sự thiếu vắng những lá quốc kỳ đại diện cho các quốc gia tham dự Asiad 2014 hiện diện trên đường phố nơi đây.

Giải thích điều này, ông Bruce Lee, quản lý mảng quan hệ truyền thông quốc tế ở Asiad Incheon 2014, nói với Tuổi Trẻ:  “Cách đây vài ngày, quốc kỳ của các đoàn thể thao vẫn được treo đầy trên đường phố Hàn Quốc. Nhưng hôm 9-9 đã xảy ra một cuộc biểu tình của người dân tại thành phố Goyan khi họ trông thấy quốc kỳ của CHDCND Triều Tiên. Sau cuộc biểu tình này, ban tổ chức Asiad 2014 quyết định bỏ việc treo cờ của tất cả quốc gia trên đường phố”.

Điều này đã khiến không khí của Asiad Incheon 2014 trở nên trầm lắng hơn hẳn. Và không lạ khi nhiều người dân Hàn tỏ ra ngạc nhiên trước sự xuất hiện của khá đông khách nước ngoài tại đất nước mình.

Những ngày qua, dù không hiển hiện nhưng chúng tôi vẫn có thể cảm thấy sự căng thẳng giữa người dân Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Trước trận đấu giữa đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và CHDCND Triều Tiên, an ninh được thắt chặt khi một số cảnh sát đặc nhiệm liên tục dạo quanh sân đấu cùng chó nghiệp vụ. Ngoài ra, hàng trăm cảnh sát khác cũng được rải khắp mọi nơi mà đoàn thể thao Triều Tiên đến.

Ngay giới phóng viên cũng bị kiểm soát chặt chẽ khi tiếp cận VĐV Triều Tiên. Thời điểm trước trận Việt Nam - Triều Tiên, một phóng viên Malaysia đã bị gạn hỏi gắt gao nguyên nhân vì sao muốn đến chụp hình khu vực tập luyện của đội Triều Tiên, điều mà các phóng viên nước ngoài không hề gặp khi muốn chụp ảnh tuyển Việt Nam.

Mới đây nhất, ban tổ chức Asiad đã yêu cầu tất cả người dân Hàn Quốc không được phép mang theo quốc kỳ của Triều Tiên đến những địa điểm tổ chức Asiad. Một quan chức thể thao của Hàn Quốc nói: “Quy định này của chúng tôi có thể đã phá hỏng nguyên tắc về việc quảng bá cho hình ảnh mọi quốc gia tại Asiad, nhưng bạn cần phải xem xét đến yếu tố chính trị tại Hàn Quốc”. Thêm vào đó, những phóng viên của Triều Tiên đến Hàn Quốc cũng bị hạn chế rất nhiều trong việc truy cập đường dẫn các trang web của đất nước mình.

Bên cạnh những nỗ lực ngăn chặn xung đột, Chính phủ Hàn Quốc cũng làm mọi cách để tạo ra tình hữu nghị giữa hai đoàn thể thao Hàn Quốc và Triều Tiên ở Asiad 2014. Trong trận tuyển nữ Việt Nam gặp Triều Tiên, một nhóm khoảng 100 người mặc đồng phục màu đỏ đã đến sân cổ vũ đội Triều Tiên. Bà Choi, một thành viên trong nhóm CĐV mang tên “Thiên thần đỏ” này, nói: “Chúng tôi muốn đem đến tình hữu nghị và sự công bằng cho Asiad 2014 và mọi VĐV đều được cổ vũ”.

Nhưng dù đã nỗ lực, vẫn rất khó để người dân Hàn Quốc thể hiện sự thân thiện với các đoàn thể thao của Triều Tiên. Suốt trận Việt Nam - Triều Tiên, nhóm “CĐV bất đắc dĩ” nói trên chỉ hát hò miễn cưỡng chứ không lộ chút cảm xúc vui mừng nào trước việc Triều Tiên - đội bóng mà mình cổ vũ - liên tục ghi bàn. Một nhân viên giám sát trận đấu người Hàn ngồi cạnh các phóng viên ảnh trên sân đấu thậm chí còn ủng hộ đội... Việt Nam đầy cuồng nhiệt.

Đoàn thể thao Triều Tiên dường như cũng tìm cách tránh khỏi sự chú ý về mình. Trong cuộc họp báo sau trận thắng tuyển nữ Việt Nam, HLV trưởng Kim Kwang Min của Triều Tiên dành rất ít thời gian họp báo và đội bóng của ông đã vội vã rời khỏi sân ngay sau trận đấu.

N.KHÔI - H.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên