Tất cả đang được giải quyết bằng những thành tựu của công nghệ cao để đưa lịch sử thể thao sang những trang mới.
![]() |
Đội tuyển U-23 Việt Nam đang hi vọng đổi màu huy chương tại SEA Games 26. Nhưng chúng ta ít ai biết rằng HLV Falko Goetz là một trong những người tiên phong sử dụng công nghệ thông tin trong bóng đá ngay tại CHLB Đức. Ông có thể làm được gì ở Việt Nam?
“Chuyên gia” của các huấn luyện viên
Trên tờ Sport Bild xuất bản cuối tháng 2-2005 có một bài viết mang tiêu đề “Đội Hertha mới - công nghệ cao”. Khi đó, rất bất ngờ, F. Goetz đưa Hertha lên vị trí thứ 4 ở Bundesliga, trải qua 11 trận bất bại, chỉ thua Bayern 5 điểm. Cội nguồn của thành tích này là phòng kỹ thuật, nơi Goetz cùng hai trợ lý thực hiện việc số hóa các băng hình, xử lý dữ liệu rồi lưu trữ trong chiếc laptop lúc nào ông cũng mang theo bên mình. Trong bóng đá, người ta thường nói “đọc trận đấu” là một phẩm chất quan trọng của HLV, nhưng bây giờ Goetz đã có “chuyên gia - máy tính” đọc hộ mình, không chỉ toàn trận đấu mà đọc mỗi cầu thủ, mỗi bước chạy, mỗi đường chuyền, mỗi sự kiện. Với công nghệ thông tin, bóng đá đã bước sang một thời đại mới - thời đại công nghệ cao.
Tối 29-4-1972 trở thành một thời điểm lịch sử của bóng đá Đức: lần đầu tiên đội tuyển Đức đánh bại đội tuyển Anh ngay trên xứ sở sương mù, được xem như quê hương của bóng đá. Ngay lập tức, trận đấu này trở thành đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học: họ muốn biết sự phối hợp giữa libero Beckenbauer và nhà tổ chức Netzer được thực hiện như thế nào. Họ cũng muốn tìm ra hình ảnh giải phẫu của cả trận đấu: Ai chuyền bóng cho ai? Ai thắng bao nhiêu phần trăm trong các cuộc đọ sức tay đôi? Bao nhiêu đường chuyền ngắn và bao nhiêu đường chuyền dài đã đến đích trong trận đấu tại Wembley?...
Cho đến bây giờ, GS Buschmann vẫn giữ lại những tờ giấy ghi chép số liệu từ gần 40 năm trước. Khi ấy ông còn là sinh viên thể thao và thầy giáo của ông chính là người muốn giải mã những bí mật của bóng đá. Hôm nay, Buschmann mỉm cười nhớ lại: “Chúng tôi mất đến hai năm mà vẫn không làm xong công việc này”. Đến năm 2007, nhà báo Biermann viết: ”Bây giờ chúng ta cần không đến hai ngày là các chương trình phần mềm máy tính đã có thể phân tích xong khoảng 2.500 sự kiện diễn ra trong một trận đấu”. Toàn bộ những câu hỏi trước đây của Buschmann đã được trả lời. Còn vào năm 2010, khi sử dụng hệ thống kiểm soát di chuyển (Trackingsystem) với các phần mềm hiện đại, có thể xử lý 3.000 sự kiện với hơn 4,5 triệu dữ liệu một cách tức thời, nghĩa là HLV có kết quả ngay trong thời gian thực. Công nghệ thông tin đã đem lại cho bóng đá những hiệu quả thiết thực nhất.
Nhưng không phải chỉ là bóng đá, các phần mềm máy tính giúp cho việc tối ưu hóa chương trình và nội dung huấn luyện, hoàn thiện các sơ đồ chiến thuật, thậm chí có người còn hi vọng lật tẩy một số trường hợp sử dụng doping. Bây giờ, người ta không còn nói nhiều về Klinsmann nữa do ông bị mất uy tín khi thất bại ở Bayern, nhưng sự thật thì Klinsmann là một HLV mang tư tưởng cách mạng trong việc sử dụng công nghệ mới. Khi nhận đội tuyển Đức chuẩn bị cho World Cup 2006, một trong những việc đầu tiên ông làm là tập huấn cho tất cả cầu thủ đội tuyển về việc ứng dụng công nghệ thông tin. Trên chiếc laptop của các HLV thể thao chứa đựng tất cả thông tin cần thiết cho luyện tập và thi đấu.
![]() |
Thí nghiệm mô phỏng trên máy tính của Luethi |
Từ chiếc đồng hồ đếm mạch đến bước nhảy Salto
J. Perl là một trong những người tiên phong trong ngành khoa học rất mới mẻ - tin học thể thao. Ông làm việc trong lĩnh vực này từ gần 20 năm nay và là cán bộ chủ chốt của Viện Tin học, Trường Tổng hợp Johannes - Gutenberg, Mainz, CHLB Đức. Ông tuyên bố: “Khi đề cập đến con số phần mười giây, tin học có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho thể thao”.
Chẳng hạn một câu hỏi: VĐV chạy marathon có thể phân bố quãng đường 42,193 km trong hơn hai giờ như thế nào? Nhiều VĐV chạy đường trường luôn gặp khó khăn trong việc phân bố tốc độ tối ưu do không biết rõ sức mình sẽ chịu đựng đến cuối ra sao. Perl đã giải bài toán này trên máy tính. Ông đưa đường chạy vào trong một mô hình, lập tương quan giữa tốc độ và tải trên đường chạy. Hệ mô phỏng này được định lượng bằng mạch đập (nhịp tim) trong trạng thái nghỉ và trạng thái có tải của VĐV. Chỉ sau một vài giây, máy tính đã cho ra kết quả: dựa vào nhịp tim, VĐV phải chạy như thế nào trong từng đoạn riêng để kết quả cuối cùng là tối ưu. Muốn có con số chính xác về nhịp tim như vậy, mỗi VĐV chỉ cần đeo trên tay một đồng hồ đếm mạch là đủ tự điều chỉnh tốc độ của mình.
Về bản chất công việc, Perl nói điều này chẳng khác gì phép thử va đập để đánh giá độ bền vững của ôtô khi sử dụng phương pháp mô phỏng trên máy tính. Ông còn nói các trường hợp doping trong thể thao cũng có thể bị phát hiện bởi các nhà tin học. Perl đã mô phỏng bước chạy hay đường bơi của một số VĐV nổi tiếng và phát hiện một số nghi ngờ: ”Có những chất thuộc nhóm doping cho ra một diễn biến trên đường đua y hệt như thế”. Tuy nhiên, đây chỉ là một nhận xét và còn khá xa mới đến chỗ được kiểm chứng.
Nhiều chuyên gia có thiên hướng phân tích các động tác phức tạp của VĐV trên máy tính, như ông A. Luethi ở Viện nghiên cứu Thụy Sĩ. Ông phân tích và giúp đỡ để VĐV trượt tuyết nghệ thuật có thể thực hiện động tác nhảy Salto trên không với năm vòng quay, động tác được xem là vua trong lĩnh vực này. Luethi đã ghi hình VĐV trong những lần nhảy nghiên cứu trên bể bơi bằng camera tốc độ cao. Sau đó ông tạo mô hình ba chiều (3D) của VĐV trượt tuyết nghệ thuật trên máy tính, rồi thay đổi dần các tham số như tư thế tay, độ dài bàn trượt tuyết... của VĐV ảo. Luethi nhận ra rằng quan trọng nhất là tư thế tay, vì điều này quyết định giá trị của mômen quay. Sau thành công với động tác trên không, Luethi nghiên cứu bước tiếp theo: động tác chạm đất, một tư thế mà VĐV rất dễ mất định hướng.
Ở Việt Nam, dù chưa thực hiện kỹ thuật mô phỏng trên máy tính để tối ưu hóa động tác, nhưng GS Dương Nghiệp Chí đã dùng công nghệ video để tìm ra giản đồ động học trong bước nhảy 6,57m của VĐV Phạm Thị Thu Lan tại cuộc thi điền kinh quốc tế mở rộng năm 2001. Trên sơ đồ đó, có thể đo được số bước chạy đà, độ dài toàn đà, độ dài những bước cuối đà, góc đặt chân giậm nhảy ở ván, tốc độ bước chạy cuối, tốc độ cơ thể rời ván giậm nhảy, góc độ đánh đùi, góc độ đánh tay... Chỉ tiếc rằng những công nghệ như vậy chưa được tiếp tục phát triển để đưa vào thực tiễn huấn luyện.
![]() |
Giản đồ động học của VĐV nhảy xa Phạm Thị Thu Lan, tiền đề của phương pháp mô phỏng |
----------------------------------------------
Từ hệ thống định vị động để theo dõi đường chạy của cầu thủ trên sân và đường đi của quả bóng, người ta cho ra những đồ hình và cầu thủ sẽ luyện tập theo sơ đồ định sẵn...
Kỳ tới: Đường chạy của cầu thủ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận